Bạn đọc

Chuyện kể trên bến đò A Sanh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chuyện Anh hùng A Sanh (làng Nú, xã Ia Khai, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) dũng cảm chèo thuyền độc mộc chở hàng ngàn chiến sĩ qua sông Pô Kô trong kháng chiến chống Mỹ thì nhiều người biết. Tuy nhiên, câu chuyện về người từng cùng A Sanh đẽo thuyền độc mộc lại không phải ai cũng tỏ tường…

Dù không còn mang dáng dấp của một bến đò tấp nập ngày nào, nhưng Bến đò A Sanh vẫn gợi lại biết bao nhiêu hoài niệm. Nơi này là một trong những địa điểm được tỉnh quan tâm phát triển thành điểm du lịch lịch sử. Huyện Ia Grai cũng đang đề nghị xét công nhân Di tích lịch sử cho địa danh này. Tìm về làng Nú, thăm lại bến đò, chúng tôi ngồi lắng nghe người đẽo thuyền độc mộc năm xưa kể chuyện giữa cái nắng hanh hao…

Năng khiếu Yàng cho

 

 Những chiếc lưỡi rìu được già Pêng nâng niu, giữ gìn cẩn thận. Ảnh: P.L
Những chiếc lưỡi rìu được già Pêng nâng niu, giữ gìn cẩn thận. Ảnh: P.L

Theo chân anh Ra Lan Huân-Trưởng thôn làng Nú, chúng tôi đến thăm già Rơ Lan Pêng (SN 1936)-người đã cùng A Sanh đẽo thuyền đưa bộ đội vượt sông ngày trước. Qua lời kể của già Pêng thì già gọi A Sanh bằng cậu họ. Năm 1961, A Sanh gia nhập quân đội tại mặt trận B3 với nhiệm vụ chính là lái đò đưa bộ đội, vũ khí, lương thực qua sông Pô Kô. Để có nhiều thuyền phục vụ kháng chiến, A Sanh kêu gọi dân làng cùng nhau đẽo thuyền độc mộc. Trong đội thợ đẽo thuyền, Pêng là thợ chính bởi đôi tay khéo léo, thành thạo. “Ngày ấy, mình tham gia đẽo 3 chiếc thuyền độc mộc cho A Sanh. Trước đó, mình cũng đã cùng theo các già trong làng đi đẽo thuyền cho làng mình và các làng khác nhiều rồi nên có kinh nghiệm”-già Pêng kể.

Giống như tạc tượng hay chỉnh chiêng, thợ đẽo thuyền độc mộc cũng phải có năng khiếu. Già Pêng là một trong số đó. Anh Huân có chút ngượng ngập khi nói với chúng tôi: “Từ ngày về làm rể, tôi theo cha vợ đi đẽo hơn chục thuyền rồi mà vẫn không thể nào làm được dù nắm rõ từng lễ cúng, từng công đoạn. Phải là người có năng khiếu mới có thể đẽo được thuyền độc mộc”. Qua lời kể như thuộc nằm lòng của anh Huân, chúng tôi mới biết để làm ra được một chiếc thuyền độc mộc cũng lắm công phu. Trước khi đốn hạ cây gỗ để làm thuyền, người thợ phải làm lễ cúng cây, thường là một con gà để cầu mong khi hạ cây không bị nứt nẻ, mục rỗng bên trong. Cây hạ xuống rồi, người thợ bắt đầu khoét lòng thuyền, rồi vạt đầu và đuôi thuyền. Xong đâu đấy, thuyền được úp lại, đốt bên trong lòng thuyền cho tới khi nào thấy lớp vỏ sôi lên thì lật thuyền trở lại, tiếp tục đốt hai bên mạn thuyền, rồi dùng cây kẹp vào thành thuyền để “bới”. “Bới” tức là dùng sức kéo mạnh để nới rộng lòng và định hình cho thuyền. Công đoạn này cực kỳ quan trọng bởi nếu kéo không khéo sẽ khiến thuyền bị lệch hoặc nứt toác. Vì thế, trước khi “bới”, người thợ thường làm lễ cúng bằng một quả trứng gà luộc để cầu mong thuyền giống như trứng không bị nứt nẻ.

Trong 4 người thợ già biết đẽo thuyền còn lại của làng Nú thì già Rơ Châm Hmơnh vốn gốc không phải người của làng nhưng lại có duyên với độc mộc. Năm 1978, già Hmơnh từ làng Dom chuyển tới sinh sống tại làng Nú. Vốn nghe tiếng già Pêng đẽo thuyền độc mộc đã lâu nên già Hmơnh liền tìm đến và gia nhập đội thợ phụ đi đẽo thuyền. Nhờ nhanh nhẹn, tháo vát, chỉ theo già Pêng vài thuyền, già Hmơnh đã biết làm thành thạo. “Làm cái thuyền đầu tiên thì chưa đẹp đâu, mất khoảng 15 ngày mới xong. Làm cái thứ 3, thứ 4 mới bắt đầu đẹp được. Từ đó đến nay làm không biết bao nhiêu mà nhớ nữa…”-già Hmơnh nói.

Độc mộc về đâu?

 

Bóng dáng chiếc thuyền độc mộc ngày càng vắng bóng trên dòng sông. Ảnh: P.L
Bóng dáng chiếc thuyền độc mộc ngày càng vắng bóng trên dòng sông. Ảnh: P.L

Già Pêng không nhớ được chiếc thuyền mà già đẽo gần đây nhất là vào khi nào, có lẽ đã lâu quá hoặc do đã có tuổi. Lặng lẽ đứng dậy, già vào nhà, một lúc sau, già đem ra cho chúng tôi xem một chiếc rìu chặt, một lưỡi rìu bào và một lưỡi rìu đục. Già cẩn thận bọc chúng trong một chiếc tất cũ. Đó là bộ đồ nghề đã theo già Pêng đẽo gọt nên không biết bao nhiêu chiếc độc mộc, trong đó có những chiếc giúp Anh hùng A Sanh đưa bộ đội qua sông. Những chiếc rìu đó cũng được chính tay già Pêng rèn nên bằng đôi tay tài hoa của mình. Dù đã bắt đầu rỉ sắt ở phần thân nhưng lưỡi rìu vẫn còn sắc lẹm. Bây giờ, bộ dụng cụ ấy chỉ là vật lưu niệm khi những chiếc thuyền độc mộc trên sông ngày càng thưa thớt dần…

Già Pêng, già Hmơnh dẫn chúng tôi ra bến thuyền chỉ cách làng khoảng 2 km. Dòng sông Pô Kô mùa này phẳng lặng, xa xa núi non điệp trùng. Lặng lẽ đậu bên mép nước cùng vài chiếc thuyền máy là 2 chiếc độc mộc mà già Pêng nói là già đẽo chúng cho người trong làng “lâu lâu rồi”. Gỡ neo một chiếc độc mộc, già Hmơnh lấy một chiếc vỏ chai, hất nước đọng trong thuyền ra rồi bảo chúng tôi lên thuyền già chèo đi cho biết. Chiếc độc mộc dưới tay chèo lão luyện của già Hmơnh lướt êm trên mặt nước một cách nhẹ nhàng, ngay cả đến việc chống cây sào để lái thuyền cũng không gây ra một tiếng động nào. Nếu không vì thương già Hmơnh cặm cụi chống sào, chúng tôi cứ muốn ngồi mãi trên chiếc độc mộc ấy…

“Ngày xưa nhà nào trong làng cũng sống nhờ vào sông nước, chài lưới, làm nương rẫy bên kia sông nên đều dùng thuyền độc mộc. Bây giờ thì đường sá đi lại dễ dàng, thuyền máy cũng thông dụng hơn nên chẳng ai có nhu cầu đẽo thuyền độc mộc. Với lại gỗ đâu còn nữa mà đẽo…”-già Pêng nhìn dòng nước nói trong xa vắng. Những cây gỗ sao hai người ôm bây giờ rất hiếm, phải vào tận chân núi Óc Róc mới tìm được. Gia đình anh Rơ Châm Lin (làng Jăng Krái 2, xã Ia Khai, huyện Ia Grai) trước đây cũng dùng thuyền độc mộc để qua rẫy nhưng bây giờ cũng đã chuyển sang thuyền máy. Anh Lin chia sẻ: “Chiếc độc mộc của nhà mình cũng do già Pêng đẽo. Dùng được gần chục năm, mới bị nứt nên mình bỏ đi rồi. Giờ thì dùng thuyền máy nhanh hơn”.

Đưa tay mân mê chiếc thuyền độc mộc đậu bên sông, ánh mắt của già Pêng, già Hmơnh như dậy nỗi nhớ nghề. “Bây giờ mà còn gỗ, mình vẫn thích được đẽo thuyền, cực chút nhưng vui lắm…”-già Hmơnh nói.

 Phương Linh

Có thể bạn quan tâm