TN - Đất & Người

Chuyện kể về một thời hoạt động cách mạng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đã hơn 83 tuổi, nhưng bà Đinh Thị Lộn, ở tổ dân phố 3, thị trấn Phú Túc (huyện Krông Pa) vẫn còn nhanh nhẹn và minh mẫn. Bà là số ít người còn lại đã từng sống, hoạt động trong căn cứ cách mạng H2, của tỉnh Đak Lak (nay là huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Khi gặp chúng tôi, bà rất vui và kể tường tận những kỷ niệm sâu sắc của một thời kháng chiến gian truân của các chiến sĩ cách mạng trong căn cứ thủa nào.
 

 Bà Đinh Thị Lộn. Ảnh: Đức Mạo
Bà Đinh Thị Lộn. Ảnh: Đức Mạo

Lấy chồng từ lúc 16 tuổi, sau khi sinh được hai người con thì chồng là Trần Kiệt, tham gia hoạt động cách mạng nên vào sống ở căn cứ trong rừng giáp ranh thuộc địa phận căn cứ H2 của tỉnh Đak Lak và Đồng Xuân, Phú Yên. Lúc này một mình bà ở nhà nuôi con, vừa tham gia sản xuất tại địa phương, vừa hoạt động cách mạng. Ban ngày tăng gia sản xuất, trồng bắp, trồng mì và lén lút tham gia học nghị quyết của Đảng. Đêm về nấu cơm, góp gạo, muối, thuốc men để đưa vào rừng nuôi cán bộ hoạt động cách mạng.

Đến năm 1959, trong khi đang hoạt động bí mật, ngày ngày vẫn cần mẫn nuôi cơm cán bộ thì bị bọn mật thám hoài nghi, rồi bắt cả 3 mẹ con bà, uy hiếp để bắt chồng ra đầu thú. Lúc này, để đánh lạc hướng bọn mật thám, tiếp tục hoạt động cách mạng, chồng bà là Trần Kiệt, tên thường gọi là Ama Lưu đã nghĩ ra cách là xé áo quần và giết một con heo, lấy máu đổ vấy lên nền đất tạo hiện trường ngoài hang đá ở rừng và tung tin là ông Trần Kiệt bị hổ vồ nhằm đánh lạc hướng bọn mật thám, rồi tiếp tục vào rừng hoạt động cách mạng.

Sau đó 3 ngày, chúng đã bắt bà để tra khảo hỏi về chồng, uy hiếp đòi chồng phải về làng, không thấy chồng về, bọn địch lấy cớ đó bắt 3 mẹ con đưa vào trụ sở, lúc đó hai đứa con còn rất nhỏ (Trần Văn Mạnh chưa đầy 4 tuổi, Trần Thị Hiến 1 tuổi). Sau khi dùng nhiều cực hình để tra khảo nhưng không lấy được thông tin gì, chúng đào hố đòi chôn sống bà cùng 3 đồng chí khác. Tuy nhiên, khi chưa lấy được thông tin từ bà và 2 chiến sĩ cùng bị bắt, chúng đưa 3 mẹ con bà vào nhà tù (Trại Hố Thất) thuộc tỉnh Phú Yên. Nhốt ba mẹ con trong xà lim, ăn uống, tiểu tiện, đại tiện một chỗ. Và cũng trong thời gian 3 năm ở trong tù, bọn chúng đã dùng nhiều cực hình tra tấn dã man.

Bà còn kể: Lúc đó con trai của bà Trần Văn Mạnh, mới 4 tuổi, được chúng thả lỏng mỗi ngày 1 giờ, nó chạy xuống bếp của trại giam xin cơm cháy để ăn rồi bọc vào áo mang lên cho mẹ và cho các cô chú trong tù cùng ăn. Sau 3 năm giam giữ lấy cung, chúng không điều tra được gì, mặc dù phải chịu nhiều cực hình nhưng bà cùng các đồng chí, đồng đội quyết không tiết lộ bí mật hoạt động của Đảng, của các chiến sĩ trong căn cứ nên chúng đành thả về.

Sau đó, tổ chức đã đưa 3 mẹ con ra vùng căn cứ tham gia hoạt động. Khi vào căn cứ thuộc địa bàn các xã Ia Mlah, Đất Bằng bây giờ và các xã giáp ranh với Phú Yên, nhiệm vụ chính của bà Lộn là làm công tác chị nuôi, nấu cơm cho cán bộ, chiến sĩ hoạt động trong khu căn cứ. Bà cho biết, có những khi cơm vừa cạn, bị địch càn, bà phải gùi nồi cơm  chín trên lưng mà chạy. “Bằng giá nào cũng phải đảm bảo cơm ngon, canh ngọt để đồng đội ra chiến trường”-bà nói.

Để góp phần vào kháng chiến, bà vận động mỗi chị em mỗi tháng vót 250 cây chông, đồng thời tăng gia sản xuất, góp gạo, bắp, mì để nuôi kháng chiến. Lúc bấy giờ tỉnh tăng cường về huyện còn có mí Đoan, mí Mui, mí Jú cùng tham gia với bà.

Trong chiến dịch mùa Xuân năm 1975, nhiệm vụ chủ yếu của bà là trấn an tinh thần người dân, nhất là các buôn làng đồng bào dân tộc thiểu số địa phương về chiến dịch giải phóng, về những quan điểm kháng chiến của Đảng ta.

Sau giải phóng, bà tham gia công tác phụ nữ tại huyện Krông Pa. Với những cống hiến cho cách mạng, hai vợ chồng bà đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều danh hiệu cao quý.

Đức Mạo

Có thể bạn quan tâm