Điểm đến Gia Lai

Chuyện một thiếu niên vượt Trường Sơn ra Bắc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cuối thập niên 60 của thế kỷ trước, nhiều em nhỏ dân tộc thiểu số Tây Nguyên vượt Trường Sơn ra Bắc để học tập. Trong số đó có cậu bé Rơ Mah Ế ở làng Krol, xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ.
Theo ước tính, thời kỳ đó có khoảng 10 ngàn em vượt Trường Sơn ra Bắc. Những đứa nhỏ ấy háo hức ra miền Bắc để được học chữ, có đứa lại được hứa ra Hà Nội có đài radio nghe hát chèo mà thích… Tất tần tật đám thiếu niên hòa vào cung đường giao liên đi bộ, chân đất vượt rừng hàng tháng trời, ngày đi đêm nằm võng như bộ đội. Dòng thiếu niên ấy nườm nượp đi ra, ngược chiều với trùng trùng bộ đội đi vào!
“Trộm súng” đi diệt giặc
Ngay từ nhỏ, với bản tính thích tự do phóng khoáng, thích thiên nhiên hoang dã, khi làng quê bị dồn vào ấp chiến lược, Rơ Mah Ế đã xin ba vào sống trong rừng với các bác, các chú du kích. Hồi ấy, ông Rơ Lan Guel (ba của Ế) là đội trưởng đội du kích. Những lúc ông đi họp ở tỉnh, Ế ở lại giữa rừng với sự đùm bọc của các chiến sĩ cách mạng. Vùng quê ông mỗi làng thường có 5 người lên rừng làm du kích. Các làng cùng nhau dựng kho lúa giữa rừng, vận động mỗi nhà nộp 10 đến 20 gùi lúa ủng hộ kháng chiến. Khi cần gạo, người quản kho sẽ xuất 1-2 gùi cho phụ nữ giã chày tay. Gặp lúc hết lúa gạo thì lẻn về làng lấy mang vào cho du kích. Lúc bí quá thì vào rừng bẻ măng, đào củ mài. Tuy tuổi còn nhỏ, phải ở rừng vất vả gian khó nhưng Ế lại thấy rất vui.
Một năm, lính Mỹ đưa từ đâu đến đồi Kro những 14 chiếc xe tăng to lớn ngạo nghễ. Xe tăng cứ nằm dài hàng hai ba tháng như hăm dọa, như thách thức. Mọi người thấy xe tăng hùng hậu thế nhưng không hề nao núng, lòng ai cũng muốn đánh một trận xem cái xe sắt ấy nó thế nào! Ế dù nhỏ nhưng cũng theo du kích đi gài mìn chống tăng. Đêm ngày trông chờ xe tăng dính mìn phát nổ!
Một buổi trưa, chừng đã nóng lòng, nhân lúc bọn lính Mỹ ngồi hết lên nóc xe tăng, du kích bất ngờ tập kích bắn xối xả. Trận ấy, 2 anh con bác ruột Ế hy sinh. Khi người em là Rơ Lan Lang bị trọng thương, người anh là Rơ Lan Pơn ghé vào cõng chạy thì bị địch bắn hạ cả hai. Ngày hôm sau, du kích mới vào lấy được xác 2 anh về an táng. 
Tức thằng địch đã bắn giết 2 anh Rơ Lan Pơn, Rơ Lan Lang, Ế mong có được khẩu súng để tự mình chiến đấu một phen. Cái lần lính bảo an về chốt hàng tháng trời ở thôn Thanh Giáo, Ế cảm thấy thời cơ đã đến. Ban đầu chỉ nghĩ hay là dùng cung tên tẩm chất độc của nhựa cây kăm để bắn giặc. Từ nhỏ, Ế đã biết người làng dùng nhựa cây kăm trong rừng tẩm mũi tên bắn thú bắn chim, găm là chết, sứt da là chết. Chắc người trúng tên tẩm độc nhựa kăm cũng sẽ chết. Chỉ nghĩ vậy nhưng Ế chưa kịp thực hiện ý định. Một hôm, Ế thấy cây súng của cậu Bôm-Xã đội trưởng treo trong chòi lán. Đầu hôm, Ế trộm súng rồi luồn rừng về hướng đồn Thanh Giáo. Đêm ấy, bất ngờ vang lên tiếng súng chói tai. Nhân lúc thấy mấy tên lính lố nhố đi ra, Ế nhắm bóp luôn một tràng rồi mang súng bỏ chạy. Ban đầu, địch tưởng bị lực lượng cách mạng tập kích nên lúng túng co cụm. Sau đó, chúng bắn trả như vãi đạn. Đêm ấy, Ế mang súng về thì bị cậu mắng cho một trận kinh hoàng. 
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Ra Bắc
Khi có thông báo đưa con em cán bộ ra Bắc học tập, Rơ Mah Ế náo nức xin ba cho đi. Nhà chỉ có Ế là con trai đầu và một đứa em gái, nhưng quyết định gửi con trai ra Bắc. Hôm Ế ra đi, ba thịt một con gà liên hoan. Đứa em gái Rơ Mah Phui thì ôm lấy anh mà khóc. Dù rất thương nhớ, ba vẫn động viên: “Cố gắng đi cho đến nơi. Ra Bắc đừng nghịch ngợm, chú tâm mà học văn hóa, sau này trở về giúp quê hương mình”.
Trên đường vượt Trường Sơn ra Bắc, các em nhỏ người Tây Nguyên không hề biết tiếng phổ thông. Tư trang chỉ gói gọn trong cái túi bao cát, cột dây mang vào lưng. Mùa mưa, vắt rừng nhiều vô kể. Rừng còn nguyên sinh phủ kín các con đường. Trong rừng sâu có nhiều thú dữ. Đoàn cứ ngày đi tối ngủ, qua quãng đường rừng cỡ 45 cây số từ lúc 5 giờ sáng đến 5 giờ chiều là đến một trạm nghỉ. Ở trạm giao liên, mọi người nghỉ ăn cơm tối rồi mắc võng vào các gốc cây nằm ngủ san sát bên nhau. Sáng dậy ăn cơm, vắt cơm và đong bình tông nước cho vào bao cát lại tiếp tục lên đường. Đêm đầu tiên xa nhà nên khó ngủ, nhớ người thân. Đến đêm sau, Ế đã như quên hết tất cả. Dọc đường Trường Sơn, từng đoàn người xuôi ngược tấp nập nô nức thấy rất vui. Thỉnh thoảng gặp các đoàn bộ đội hành quân đi vào, các chú ôm lấy đám nhỏ, bắt tay, vẫy tay chào rất thân thiết. Một số trạm còn có cả văn công hát mừng, chiếu phim màn ảnh lớn, có đội bóng chuyền… toàn những chuyện lạ chưa từng biết trong đời. Ơ, Trường Sơn tưởng chỉ có rừng già âm u hóa ra ngờm ngợp người, mà tấp nập vui vẻ, phấn khởi như hội làng. Cứ sáng ngủ dậy đi bộ vượt rừng, tầm trưa nghỉ 30 phút ăn cơm nắm, xong lại đi tiếp.
Ba tháng thì ra đến miền Bắc. Gần đến Quảng Bình, đoàn được chở bằng ca nô trên sông. Lên bờ, mỗi đứa được phát cho 2 đồng rưỡi. Đó là lần đầu tiên Ế được cầm đồng tiền. Chẳng biết tiền có ích gì, nhưng cán bộ đưa thì cứ cất. Vào đất Quảng Bình bắt đầu có ô tô tải giải phóng chở cả đoàn vượt qua những chặng đường đạn bom, đất đá mù mịt. Lắc lư, nhồi nhào va đập, nhưng các em nhỏ lần đầu tiên trong đời được ngồi xe ô tô thì rất sung sướng, quên hết mọi mệt nhọc.
Ra đến Hà Nội, cả đoàn được nghỉ ngơi ở Đống Đa, khám bệnh, thay quần áo, bồi bổ sức khỏe để chuyển tiếp về trường học chữ. Mỗi em được phát 5 đồng để chi dùng sinh hoạt phí. Lạ là bọn con gái lại được phát những 5 đồng rưỡi. Nhiều đứa thắc mắc. Người Tây Nguyên xưa nay thế, cái gì cũng phải chia cho đều. Mãi sau được giải thích mới hiểu. Thì ra con gái còn phải chi tiêu những khoản thầm kín!
Sau thời gian nghỉ ngơi, em nào ốm yếu quá, ghẻ lở nhiều phải tiếp tục ở lại điều dưỡng, trị bệnh. Cả bọn thành ra có khí thế đua nhau tắm rửa, bôi thuốc ngoài da, cố gắng ăn ở sạch sẽ nhanh chóng thanh toán nạn ghẻ ruồi để được tới trường. Có lứa được lên Thái Nguyên, có lứa được sang Trung Quốc. Đợt ấy, Ế được đưa về tỉnh Hòa Bình học văn hóa cho đến ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trường học sinh dân tộc thiểu số miền Nam thời ấy tạm bợ, mái tranh vách đất. Cả dãy nhà vừa là nơi ngủ, vừa là lớp học. Giáo viên ở chung ngay tại trường với học sinh. Cấp I, giờ lên lớp, thầy-cô giáo có một cái bảng viết phấn phía trên, học sinh túm tụm phía dưới, ghi bằng phấn vào cái bảng nhỏ cá nhân, không có bút giấy, sách vở. Các em được trả bài thì giơ tấm bảng lên cao.
Trở lại Tây Nguyên
Ở miền Bắc 5 năm thì giải phóng miền Nam. Được trở về Gia Lai, Rơ Mah Ế tiếp tục học văn hóa tại Trường Dân tộc Nội trú tỉnh. Bao nhiêu năm xa nhà, về quê lại vẫn tiếp tục xa cách gia đình người thân, làng xóm. Ở đó, có bao nhiêu người đang thầm đợi chờ. Học được mấy năm thì Ế gặp một người con gái người Jrai cũng là học sinh miền Nam tên là Y Len, quê tận huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Cô gái ấy mê chàng trai cao ráo, trắng trẻo, nói cười có duyên mà không sao bắt về quê được. Thì đành theo Ế về Đức Cơ. Coi như phận làm dâu vậy! 
Năm 1989, Rơ Mah Ế trúng cử HĐND xã, được bầu làm Chủ tịch UBND xã Ia Krêl. Năm 1995, ông trúng cử Bí thư Đảng ủy xã đến năm 2010. Sau đó, ông làm tiếp Chủ tịch HĐND xã 1 nhiệm kỳ nữa thì nghỉ hưu. 
Lứa thiếu niên vượt Trường Sơn ra Bắc năm ấy, nay người còn người mất. Có người làm cán bộ lãnh đạo, có người làm thường dân. Còn đó Rơ Chăm Keo, Ksor Oét, Rơ Mah Giáp, Rơ Chăm Ang, Ksor Ngoan, Y Nhớt… Nhớ lắm mà không sao có cơ hội để gặp nhau, mà thù tạc chuyện xưa, vài năm một lần. Là ước vậy!
Bây giờ, những lúc tĩnh tâm ngồi nghĩ lại, Rơ Mah Ế thấy cuộc đời mình như một giấc mơ. Một thời trẻ nhỏ liều lĩnh phiêu lưu với khát khao đánh địch, rồi vượt Trường Sơn bằng chân đất. Rồi đi học chữ đây đó khắp nơi tưởng là biền biệt chẳng biết lối mà về. Thế mà lại trở về được quê hương, có được ngày yên bình. Thật là giấc mơ huyền kỳ lãng mạn!
NHÂN SƠN

Có thể bạn quan tâm