(GLO)- Chiều muộn, bỗng chuông điện thoại reo lên, phía bên kia đầu dây là giọng của Đại tá Trần Quang Huy-Trưởng phòng Cảnh sát Truy nã tội phạm Công an tỉnh: “Đơn vị chuẩn bị đánh án, nếu sắp xếp được, đồng chí đi cùng tổ công tác”. Với những người làm báo ngành, được ghi lại những hình ảnh, thước phim sống động ở hiện trường thì không gì sướng bằng. Sau mỗi lần theo chân các trinh sát Truy nã tội phạm như thế, tôi lại được chứng kiến những câu chuyện “bắt nã” thật đặc biệt.
Một lần “bắt hụt”
Lần ấy, đối tượng mà Phòng Cảnh sát Truy nã tội phạm Công an tỉnh lên kế hoạch truy bắt là Nguyễn Văn Hải, 40 tuổi, bị Công an tỉnh Quảng Ngãi truy nã về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và cố ý gây thương tích. Sau khi gây án, y cùng vợ và con 6 tuổi mắc bệnh thiểu năng bỏ trốn lên Tây Nguyên.
Phòng Cảnh sát truy nã Công an tỉnh bắt đối tượng truy nã nguy hiểm. Ảnh: N.H |
Nhận được tin báo có trường hợp 2 vợ chồng cùng một cháu nhỏ đang ở tại một chòi rẫy trên địa bàn xã Ia Hlốp (huyện Chư Sê) có nhiều đặc điểm giống với đối tượng Hải đang bị truy nã, đơn vị quyết định lên phương án tiếp cận. Đến giờ xuất phát, từ UBND xã Ia Hlốp, những chiếc xe máy nối đuôi nhau vượt gần 10 km, khi qua những đoạn đường đất, từng đám bụi cuộn mù mịt làm cho ánh đèn xe mờ hẳn, chỉ cách nhau chừng 10 mét mà chẳng nhìn thấy gì. Đến 20 giờ 30 phút, từ vị trí tập kết, tổ công tác tiếp tục băng qua các rẫy cà phê rồi tiếp cận chòi rẫy, 5 đồng chí bao vây xung quanh, 2 đồng chí vào cửa trước.
Chúng tôi ngỡ ngàng trước sự trùng hợp đến lạ. Người ngồi trước mặt chúng tôi cũng là Nguyễn Văn Hải, cũng có vợ và con trai hơn 6 tuổi, bị thiểu năng. Từ tên, tuổi trong chứng minh nhân dân đến hoàn cảnh gia đình, thậm chí nét mặt, mái tóc, dáng người… gần như trùng khớp với đối tượng đang bị truy nã, nhưng lại không phải. Một tháng trước, gia đình anh Hải từ tỉnh Bình Định lên Gia Lai làm công. Anh Hải cho biết: Vì đường xa, không có phương tiện nên chưa đi đăng ký tạm trú. Vợ chồng anh đi làm thuê tại các rẫy, đến tối mới về. Họ ít giao tiếp với người dân ở khu vực này. Các trinh sát liên lạc về chính quyền địa phương nơi anh Hải sinh sống đã xác định đây không phải đối tượng trong lệnh truy nã.
Đang ngạc nhiên trước sự trùng hợp kỳ lạ, bất chợt, một bàn tay rắn chắc vỗ nhẹ trên vai làm tôi giật mình. Đại tá Huy nét mặt vốn trầm tĩnh giờ chợt hóm hỉnh chia sẻ: “Nghề truy nã là vậy đó đồng chí, chẳng khác nghề ngư phủ, đôi lúc giăng lưới cẩn trọng nhưng không bắt được con cá nào. Nhưng chúng tôi tuyệt đối không để lọt một thông tin, dù nhỏ. Không những thế, các đối tượng bị truy nã thường thay tên, đổi họ, kể cả quê quán… để lẩn trốn, nên đôi lúc “bắt hụt” cũng là chuyện thường. Dù ở hoàn cảnh nào cũng phải triển khai phương án chặt chẽ, không để đối tượng có cơ hội trốn thoát. Sau những chuyến đi như thế chúng tôi phải động viên cán bộ, chiến sĩ vững tâm, tiếp tục bám địa bàn, bám đối tượng để lập công”.
Những trinh sát có duyên với nghề
Bắt thành công những đối tượng truy nã là cả một quá trình phối hợp, xác minh, có sự hỗ trợ của quần chúng nhân dân và trên hết là tinh thần tận tụy với công việc, không ngại khó khăn của mỗi cán bộ, chiến sĩ. Qua đấu tranh, nhiều cán bộ, chiến sĩ của đơn vị đã từng bước trưởng thành, lập nhiều thành tích xuất sắc, điển hình như: Trung tá Nguyễn Huy Thắng, Đại úy Nguyễn Hùng Dương, Đại úy Bùi Ánh Sáng, Đại úy Nguyễn Cao Biền, Thượng úy Lê Mạnh Tiến… Trong số hàng trăm đối tượng bị các trinh sát Truy nã tội phạm Công an tỉnh bắt giữ có không ít trường hợp “sa lưới” một cách bất ngờ.
Điển hình là vào tháng 9-2014, đơn vị nhận chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh về việc phối hợp “truy nóng” đối tượng Trần Văn Hương (42 tuổi, trú huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên) về hành vi giết người vào ngày 17-9-2014 ở xã Ia Dêr (huyện Ia Grai). Nhiều trinh sát được cử xuống địa bàn phối hợp truy tìm khắp các xã, phường nhưng không phát hiện tung tích đối tượng. Khi cơn mưa chiều bất chợt đổ xuống, tổ công tác gồm 3 đồng chí ghé vào một quán nước gần chợ Biển Hồ (TP. Pleiku). Ít phút sau, có 2 thanh niên vào quán ngồi bàn bên cạnh. Dường như lâu ngày mới gặp, họ tâm sự đủ thứ chuyện. Sau đó một trong 2 người hỏi thăm về việc cơ quan Công an có thường đến nhà tìm không? Họ thì thầm kể về chuyện gây án rồi trốn vào Gia Lai. Bằng các biện pháp nghiệp vụ các trinh sát đã nắm được một số thông tin.
Khi 2 đối tượng ra khỏi quán, tổ công tác âm thầm bám theo. Đến trước cổng một trang trại nuôi cá ở xã Trà Đa (TP. Pleiku), đối tượng ngồi sau xuống xe đi bộ vào. Trong vai thương lái đến hỏi mua cá và tư vấn, cung cấp thức ăn cho cá, các trinh sát tìm cách tiếp cận đối tượng. Trong chớp mắt, tay đối tượng bị tra vào còng số 8 trước sự ngỡ ngàng của những người xung quanh.
Đại úy Nguyễn Hùng Dương-cán bộ Phòng Cảnh sát Truy nã tội phạm Công an tỉnh cho biết: “Khi biết đối tượng ở huyện Tân Kỳ (tỉnh Nghệ An), chúng tôi nhanh chóng liên lạc với Công an huyện này để tiếp tục xác minh. Qua đó, biết được đây là đối tượng Lô Văn Vinh, 26 tuổi. Năm 2010, y bị Công an huyện Tân Kỳ truy nã về hành vi cố ý gây thương tích. Trước khi xin vào chăn nuôi, trông coi hồ cá, Vinh thay đổi họ tên, quê quán để tránh bị phát hiện”.
Không những có duyên với nghề, qua thực tiễn công tác, các trinh sát của đơn vị đã tự rèn luyện cho bản thân tính kiên trì, có nhãn quan tinh thông và cách xử lý nhạy bén trước những thông tin về đối tượng… Mỗi năm, đơn vị phối hợp bắt giữ gần 100 đối tượng truy nã. Đây là minh chứng xác thực, thể hiện tinh thần đoàn kết và ý chí phấn đấu của tập thể đơn vị.
Nguyễn Hữu