Chính trị

Chuyện thu chi đảng phí trong Trại giam tù binh Pleiku

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tồn tại từ năm 1966 đến 1972, Trại giam tù binh Pleiku do Quân đoàn 2 Việt Nam Cộng hòa quản lý cũng đồng thời là nơi sinh hoạt của nhiều chi bộ Đảng. Đằng sau hàng rào dây thép gai của cơ sở này, đảng phí được thu nộp và sử dụng như thế nào?

Một phần khu vực Trại giam tù binh Pleiku trước kia nay thuộc tổ 2, phường Thống Nhất, TP. Pleiku. Theo các cựu tù, nơi này từng giam giữ khoảng 4.000 chiến sĩ cách mạng. Trong số hàng ngàn tù binh đó có hàng trăm đảng viên Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam), sinh hoạt tại nhiều chi bộ, thống nhất hành động dưới sự chỉ đạo của một Đảng ủy.

Theo tài liệu của các cựu tù, ngày 3-2-1967, chi bộ đầu tiên được thành lập tại trại giam, lấy tên là Chi bộ 3-2. Sau đó, một loạt chi bộ khác được hình thành, dẫn đến sự ra đời của Đảng ủy Trại giam tù binh Pleiku vào cuối tháng 6-1967. Tính đến đầu tháng 6-1969, ta đã xây dựng được 9 chi bộ với 150 đảng viên và 1 Đảng ủy gồm 7 người.

Một số cựu tù thăm viếng đồng đội tại khu vực từng là Trại giam tù binh Pleiku. Ảnh: N.Q.T

Một số cựu tù thăm viếng đồng đội tại khu vực từng là Trại giam tù binh Pleiku. Ảnh: N.Q.T

Theo quy định của Đảng, các đảng viên phải đóng đảng phí. Giữa hoàn cảnh tù ngục ở Pleiku, điều thú vị là việc này vẫn được những người cộng sản nghiêm túc thực hiện. Trong hồi ký “Vết son thời gian” (Sở Văn hóa Thông tin-Bảo tàng tỉnh Gia Lai, 1999), tác giả Hải Liên viết, có nhiều hình thức đóng đảng phí. Trước hết, đảng viên nộp đảng phí bằng tiền như bình thường. Đây thường là số tiền có được do trao đổi (bán) các sản phẩm thủ công như bộ cờ tướng bằng gỗ quý, tượng gỗ mỹ thuật hoặc các sản phẩm thêu tay như mặt gối, khăn tay… cho người khác. Ngoài ra, nếu không có tiền, các đảng viên hoàn toàn có thể đóng đảng phí bằng các vật phẩm cụ thể khác như chỉ thêu, dầu nóng hay vải ta.

Không có thông tin cho biết quy định về mức đảng phí trong trại giam. Tuy nhiên, theo chúng tôi, nhiều khả năng sự đóng góp này dựa trên tinh thần tự nguyện của những người tù là chính. Nếu các đảng viên tù binh không có tiền hoặc hiện vật để hoàn thành nghĩa vụ đảng phí của mình thì sao? Theo cựu tù Hải Liên, trong trường hợp này, người đảng viên đó chỉ cần báo cáo bằng lời nói thầm, đại ý: Hôm nay tôi nhớ ngày đóng đảng phí, nhưng tôi không có gì ngoài sự hiện diện trước Đảng, là đủ.

Trong tập hồ sơ của “Võ phòng, Bộ Tổng Tham mưu về tình trạng của tù binh cộng sản tính đến ngày 19-2-1972” dưới sự quản lý của chế độ cũ hiện còn lưu tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II có một văn bản cho thấy, khẩu phần ăn của tù binh tại “Cao nguyên Trung phần” (bao gồm Pleiku) khi đó chỉ hơn 40 đồng/ngày/người. Cũng văn bản này ghi tiền công mà 1 tù binh được trả cho 1 ngày “lao tác” khoảng 6 giờ là 8 đồng, bằng 1/5 tiền ăn thường nhật.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoại trừ những người bị biệt giam, cầm cố, đang trong giai đoạn bị khai thác hoặc đau yếu, khi cần thiết, chỉ huy Trại giam tù binh Pleiku có thể huy động một số nhân công từ lực lượng tù nhân mà họ đang quản lý đi làm việc. Trong số những người tạm thời thoát ra khỏi hàng rào kẽm gai này có các đảng viên và khoản tiền công lao động ít ỏi nêu trên sẽ được họ dành một phần để đóng đảng phí.

Đảng phí được sử dụng như thế nào? Theo tài liệu, tiền thường được các chi bộ dùng để mua dầu nóng và đường rồi tìm cách bí mật chuyển cho những người bị nhốt ở chuồng cọp hoặc biệt giam, vốn khá nhiều. Trong khi đó, vải và chỉ thêu được dùng để làm các “quyết định” kết nạp Đảng hoặc công nhận đảng viên chính thức, mà dòng chữ quan trọng trên đó sẽ được thêu dưới hình thức mật ngữ. Nữ cựu tù Nguyễn Thị Lan (SN 1940), người được kết nạp Đảng tại Trại giam tù binh Pleiku ngày 30-12-1967, hiện sống tại thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa vẫn còn giữ được một tờ “quyết định” kết nạp Đảng đặc biệt như vậy.

Việc thu nộp linh hoạt và cách sử dụng phù hợp đảng phí trong Trại giam tù binh Pleiku cho thấy nơi này từng có một hệ thống tổ chức cơ sở Đảng chặt chẽ, dù mọi sinh hoạt diễn ra hoàn toàn bí mật. Mặc dù số lượng đảng viên thường bị thay đổi khi các tù binh chiến tranh phải chuyển trại, chính tổ chức Đảng nơi đây đã lãnh đạo thành công nhiều cuộc đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, khẳng định vai trò của Đảng giữa nanh vuốt của kẻ thù.

Có thể bạn quan tâm