(GLO)- Bây giờ, hồ Diên Hồng (phường Ia Kring) đã trở thành “mắt ngọc” của phố núi Pleiku. Để có được công trình ý nghĩa này, gần 9.000 lượt lao động công ích đã bỏ ra trong năm 1986 và những năm sau đó.
Mồ hôi nhỏ xuống, hồ đầy nước
Phố giăng mình giữa mưa và nắng đã tạo thêm dư vị cho cuộc trò chuyện về lịch sử hình thành công viên Diên Hồng giữa tôi với ông Phan Đình Trang-nguyên Chủ tịch UBND phường Diên Hồng. Ông Trang hồi nhớ: Trước năm 1986, xung quanh hồ Diên Hồng chủ yếu là đồi trống. Đồi 42 bên kia hồ chỉ có những đám cỏ đuôi chồn, bên này lác đác mấy nhà dân, dải đất hẹp ở giữa là sình lầy và có con suối nhỏ do nước từ mạch trong đất chảy ra. Đồng bào Jrai làm rẫy, dựng nhà sàn sát mép con suối Ia Kring. Ngày 20-1-1986, thực hiện quyết định của UBND thị xã Pleiku, phường Diên Hồng thành lập Ban Quản lý công trình hồ chứa nước Diên Hồng do ông Trang làm Trưởng ban, ông Võ Công Kiện là Phó Trưởng ban Kỹ thuật và ông Đỗ Quý Cát là Phó Trưởng ban Thường trực.
Mục đích làm hồ là chứa nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt theo chủ trương giãn dân cư và lập thành tích chào mừng thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng. Năm 1986, giai đoạn 1 được triển khai với nhiệm vụ là nạo vét, tạo lòng hồ, đắp đập. Nhân công là dân cư trong phường theo hình thức lao động công ích. “Trước khi thi công, lực lượng bộ đội công binh được cử xuống rà phá bom mìn. Khi đào đất đắp hồ còn phát hiện nhiều bom mìn chưa nổ. Còn chuyện lao động công ích gặp chấn thương trầy da, chảy máu là bình thường. Thời kỳ đó, dù khó khăn, thiếu thốn nhưng ai nấy đều hăng say làm việc. Công trường lúc nào cũng rộn rã tiếng nói cười. Hoàn thành giai đoạn 1 hết 8.988 ngày công của người dân cùng hơn 2,2 triệu đồng chi phí thi công do các ban, ngành ủng hộ”-ông Trang chia sẻ.
Hồ Diên Hồng nhìn từ trên cao. Ảnh: Phan Nguyên |
Lần dở từng trang ký ức, ông Trang kể tiếp: “Trong giai đoạn 2, sau khi tập trung tu sửa, nâng cấp những hạng mục chưa hoàn thiện, chúng tôi giao cho Hợp tác xã Mua bán của phường nuôi cá và phối hợp với Hội Phụ lão phường trồng 420 cây dừa, 1.200 cây tràm hoa vàng tạo cảnh quan cho hồ. Song song đó, chúng tôi triển khai làm đường giao thông, phân chia, cấp đất cho các hộ dân chuyển ra ở xung quanh hồ, chủ yếu là ở khu đồi 42 (hiện thuộc đường Võ Trung Thành, Nguyễn Đường…). Sau khi cơ bản hoàn thành giai đoạn 2, Ban Thể dục Thể thao thị xã tiếp quản, tiếp tục đầu tư, tôn tạo hồ Diên Hồng thành công viên sinh thái phục vụ tham quan, du lịch. Những năm sau đó, phường Diên Hồng chia tách thành 2 phường và hồ Diên Hồng thuộc địa phận phường Ia Kring”.
Trong quá trình thu thập tư liệu, nhiều người chia sẻ với tôi rằng: Để công viên Diên Hồng trở nên đẹp đẽ như ngày hôm nay, ông Phạm Văn Tuấn-nguyên Giám đốc Sở Thể dục Thể thao góp công không nhỏ. Tuy vậy, ông cho rằng, đây là công lao của tập thể đơn vị thời điểm đó. “Sau khi tiếp quản, chúng tôi trồng thêm nhiều cây xanh, xây nhà thủy tạ kiên cố và ra Hà Nội xin tài trợ thuyền đạp nước về đặt tại hồ để phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí của người dân. Thời điểm đó, để có thêm nguồn kinh phí tôn tạo công viên, tôi cho mở cửa hàng bán giày dép Thượng Đình, còn anh em trong đơn vị thay phiên nhau đứng bán”-ông Tuấn chia sẻ.
Từng tham gia gánh đất, trồng cây tạo cảnh quan cho công viên Diên Hồng, anh Nguyễn Công Phương-Trưởng phòng Quản lý Thể dục Thể thao (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch) nhắc nhớ: “Năm 1988, anh Tuấn giao tôi làm quản lý kho vật liệu xây dựng thủy tạ và các hạng mục khác. Ngoài ra, tôi còn đi xin cây về trồng phủ xanh quanh hồ. Ngày đó cũng chưa có đường vào như bây giờ đâu, muốn đi qua bên kia chỉ có cách lội hồ. Vậy nên chúng tôi thay phiên nhau xếp hàng đào đất, bê cỏ chuyền từ dưới hồ lên để làm đường”.
Cho phố thêm sắc xanh
Thời gian thấm thoắt trôi, nhánh suối nhỏ chảy giữa sình lầy đầy lau lách ngày nào nay đã trở thành hồ ăm ắp nước. Rất khó để những du khách từng đặt chân đến công viên Diên Hồng hình dung được hiện trạng của 36 năm trước. Hồ Diên Hồng dùng dằng không chảy, cũng không có dòng suối lớn bổ sung nước nhưng hiếm lần cạn trơ đáy. Đó là bởi nước mạch từ các dải đất liên tục rỉ ra giúp giữ lượng nước ổn định và trong xanh. Cây cối trong khuôn viên công viên xanh tươi ngút ngàn. Chim muông kéo về làm tổ, chuyền cành hót líu lo. Dưới nước, từng đàn cá tung tăng bơi lội. Công viên Diên Hồng đang là điểm đến yêu thích của người dân trong và ngoài tỉnh. Họ đến để thưởng ngoạn cảnh đẹp, vui chơi, hít thở không khí trong lành và tập thể dục rèn luyện sức khỏe. Sáng sớm, chiều tối có hàng trăm lượt người đi, chạy bộ trên con đường nhựa quanh hồ.
Du khách vui chơi tại Công viên Diên Hồng. Ảnh: Đức Thụy |
Ông Trịnh Quốc Phòng-Tổ trưởng tổ dân phố 5 (phường Ia Kring) chia sẻ: “Công viên Diên Hồng góp phần lớn trong việc điều hòa khí hậu, rất tốt cho sức khỏe. Do đó, mỗi ngày, người dân các nơi trong thành phố và kể cả tôi vẫn thường đến đây tập thể dục, rèn luyện sức khỏe. Dịp lễ lạt thì có hàng trăm lượt người đổ về vui chơi. Cuối tuần, nhiều gia đình chọn công viên là nơi gặp gỡ, chuyện trò”.
Bây giờ nhìn lại, cả ông Phan Đình Trang và Võ Công Kiện đều khẳng định, chủ trương đắp đập làm hồ Diên Hồng để kéo giãn dân cư của thị xã Pleiku thời kỳ trước là đúng đắn. Mấy đồi trống ngày nào nay đã hình thành những dãy phố khang trang, nhà cửa san sát nhau. Giá đất cũng tăng theo. Đơn cử như đường Đống Đa, mỗi mét ngang có giá từ 600 triệu đồng đến 1 tỷ đồng. Hàng quán cũng mọc lên như nấm sau mưa. Chỉ tính riêng tổ dân phố 5 đã có 6 quán karaoke quy mô lớn. Chưa kể nhà hàng, khách sạn, quán cà phê. Đường sá được quy hoạch bài bản, thảm nhựa phẳng lì. “Lúc đắp xong hồ và phân lô đất đồi 42 cấp cho dân, chúng tôi vận động các hộ dân phường Hội Phú, Yên Đổ ra làm nhà ở, mà có mấy hộ qua đâu. Họ chỉ nhận đất để trồng cà phê vì sẵn nước tưới từ hồ Diên Hồng. Dần dà, người dân các nơi khác chuyển đến ở tạo thành những khu đông đúc. Nay thì khác rồi. Nhà cửa san sát. Mỗi lô đất ở trên đó cũng có giá tiền tỷ”-ông Trang rủ rỉ.
Trao đổi với chúng tôi, bà Trần Thị Phượng Hằng-Phó Chủ tịch UBND phường Ia Kring-cho biết: Công viên Diên Hồng là một trong những điểm du lịch hút khách. Tuy nhiên, 2 năm qua, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, lượng khách đến tham quan giảm. Hiện nay, phường tập trung tuyên truyền, vận động người dân thực hiện Đề án xây dựng nếp sống văn minh đô thị nhằm tạo môi trường thân thiện với du khách, tăng nguồn thu từ cơ sở dịch vụ, du lịch. “Chúng tôi cũng đã lấy ý kiến ở một số tổ dân phố về đồ án quy hoạch chung TP. Pleiku đến năm 2030, tầm nhìn 2050, trong đó có điều chỉnh theo hướng mở rộng công viên Diên Hồng. Ý tưởng này được sự ủng hộ của người dân một số tổ với mong muốn công viên Diên Hồng khang trang hơn, hút khách hơn”-bà Hằng thông tin.
HOÀNH SƠN