TN - Đất & Người

Chuyện trong tuần: Nỗi lo sa mạc hóa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- “Các sinh vật đang ngày đêm tìm cách sinh tồn dưới sự truy sát của con người”-câu nói của một nữ đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai đã trở thành tiếng kêu cứu trước tình trạng rừng tự nhiên bị tàn phá nghiêm trọng những năm gần đây và vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Không chỉ rừng cây, mà đến đất rừng cũng bị đào xới mang đi bán, hủy diệt cả thảm thực vật-nơi sinh tồn của những sinh vật nhỏ bé nhất. Rừng mất, nước ngầm cạn kiệt, đất đai khô cằn, nguy cơ sa mạc hóa Tây Nguyên là điều khó tránh khỏi, nếu không có chính sách xứng tầm đối với rừng và người giữ rừng.

Không chỉ đại biểu Ksor Phước Hà của tỉnh Gia Lai mà nhiều đại biểu Quốc hội cũng đã bày tỏ sự lo lắng trước tình trạng suy giảm tài nguyên rừng của quốc gia. Theo thống kê của ngành chức năng, mỗi năm cả nước xảy ra hơn 7.000 vụ phá rừng, hơn 20.000 vụ vận chuyển, chế biến, buôn bán lâm sản trái phép. Nguyên nhân không chỉ vì sinh kế của người nghèo, người thiếu đất phải khai hoang, lấy đất làm nương rẫy!

 

Ảnh minh họa

Sự nôn nóng trong tư duy phát triển là nguyên nhân tồn tại của những chương trình, dự án thiếu quy hoạch. Không ai phủ nhận giá trị kinh tế vượt trội của cao su, cà phê, hồ tiêu, thủy điện… nhưng sự bung ra đến mức mất kiểm soát đã làm mất đi một diện tích rừng tự nhiên không hề nhỏ. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi nói về chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên đã phải than thở:”Đất tốt thì giao hết cho doanh nghiệp, đất xấu thì dành lại giao cho dân. Làm sao dân sống được”.

Đó là nguyên nhân vì sao việc giữ rừng nhiều năm qua không hiệu quả. Người dân không thể sống bằng khoản tiền giữ rừng ít ỏi do Nhà nước cấp chỉ 200-400 ngàn đồng/ha mỗi năm! Mức thu nhập này chỉ mới đáp ứng 8-10% nhu cầu cuộc sống trong năm của người giữ rừng. Một khi 60% hộ nghèo ở khu vực biên giới chưa thấy được lợi ích kinh tế từ rừng thì việc xâm hại rừng chắc chắn sẽ còn diễn ra, dù chính quyền có nỗ lực đến mấy chăng nữa.

Đó là chưa kể lợi dụng sự sơ hở của pháp luật, không ít doanh nghiệp đã “đi đêm” với lực lượng quản lý bảo vệ rừng, một số cán bộ thoái hóa biến chất để móc nối, ngấm ngầm khoét ruột rừng tự nhiên, biến rừng giàu thành rừng nghèo, rồi biến rừng nghèo thành đất trống đồi trọc để công khai đề xuất các dự án tận thu lâm sản, trồng thay thế bằng một số loại cây nguyên liệu giá trị thấp, như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng phân tích tại một hội nghị về lâm nghiệp ở Tây Nguyên cách đây không lâu. Hậu quả của những chương trình trồng rừng trên giấy đó đã khiến tài nguyên rừng không những giảm về diện tích mà còn suy kiệt nặng nề về chất lượng.

Đã từng có những tranh cãi gay gắt giữa Quốc hội khóa XIII khi Bộ Nông nghiệp và PTNT công bố số liệu sau 13 năm thực hiện dự án trồng 5 triệu ha rừng (từ năm 1998), độ che phủ rừng tăng từ 32% lên 39,5%-được xem là tương đối cao so với nhiều nước khác. Còn báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học-Công nghệ và Môi trường của Quốc hội thì cho rằng độ che phủ rừng chưa đồng đều, chất lượng rừng trồng không cao. Trong khi tỷ lệ che phủ ở một số tỉnh thuộc Đông Bắc, Bắc Bộ xấp xỉ 50% thì một số nơi, chỉ đạt hơn 10% (Tây Ninh 11,4%, Bà Rịa-Vũng Tàu 12,9%). Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội khi ấy là ông Ksor Phước đã than thở:”Hơn 20 năm trước, vào Tây Nguyên phải mang theo dao, cuốc để vừa đi vừa mở đường. Một số khu vực nằm trên trục quốc lộ 14 là những cánh rừng rậm rạp, nhưng nay chỉ còn trơ lại đất. Hầu như những khu vực tôi từng đến chỉ thấy rừng mất đi chứ không hề tăng”. Một đại biểu khác là Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng-An ninh của Quốc hội khóa XIII-ông Nguyễn Kim Khoa thì nói: “Đi đến đâu tôi cũng thấy diện tích rừng ngày càng thu hẹp dần. Từ quốc lộ 22, hơn 100 km từ Phú Thọ lên Sơn La chỉ còn lại duy nhất một cánh rừng, nhưng cũng đã bị “rút lõi” khai thác hết gỗ quý. Dọc tuyến biên giới Lạng Sơn hơn 100 km không còn bóng dáng cánh rừng nào”!

Trở lại với phiên thảo luận về Dự án Luật Bảo vệ và Phát triển rừng sửa đổi tại Quốc hội khóa XIV mới đây, nhiều đại biểu tiếp tục nêu thực trạng những công trình thủy điện lớn, nhỏ được xây dựng khắp nơi cũng góp phần vào nguyên nhân làm mất rừng. Có người còn tiết lộ, các doanh nghiệp tìm mọi cách xin cho được dự án thủy điện. Cái lợi đầu tiên là khai thác lâm sản, sau đó là bán điện. Còn việc trồng rừng thay thế thì qua loa chiếu lệ để đối phó là chính.

Cách nay 2 năm, Bộ Nông nghiệp và PTNT cho biết tỷ lệ mới chỉ đạt 32% trong tổng số hơn 68.200 ha rừng phải trồng. Tây Nguyên là vùng đất có nhiều dự án thủy điện lớn. Liệu kế hoạch hoàn thành trồng 100% diện tích rừng thay thế ở các dự án thủy điện khu vực này trong năm 2017 có về đích kịp tiến độ theo Công điện số 391/CĐ-TTg ngày 16-3-2017 của Thủ tướng Chính phủ!

Chúng ta có hơn 16 triệu ha rừng và đất rừng, nhưng 30 vạn hộ đồng bào dân tộc thiểu số lại thiếu đất sản xuất. Kim ngạch xuất khẩu lâm sản năm 2016 trên 7,2 tỷ USD, nhưng bình quân mỗi năm, chúng ta cũng phải nhập khẩu đến 80% gỗ nguyên liệu để làm hàng xuất khẩu (khoảng 4-4,5 triệu m3), với khoảng 160-170 loài gỗ khác nhau. Nguyên nhân được cho là do rừng tự nhiên của chúng ta đã cạn kiệt, trong khi chất lượng gỗ rừng trồng lại thấp. Diện tích 13 triệu ha trong dự án trồng 5 triệu ha rừng chủ yếu là cây nguyên liệu giấy.

Những bất cập về biên chế giữ rừng 15-20 cán bộ/15.000 ha, hay khoản chi phí 200 ngàn đồng/ha khoán cho dân; việc xác định tư cách, quyền hạn của chủ rừng, vai trò của doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới; các chính sách về khuyến nông khuyến lâm, hỗ trợ sinh kế cho người dân giữ rừng, việc chi trả phí môi trường rừng từ các dự án thủy điện; rồi thực trạng “ đất rừng kẻ ăn không hết người lần chẳng ra”… tất cả phải được bàn bạc, cân nhắc cẩn thận từ Quốc hội, Chính phủ và tinh thần trách nhiệm của chính quyền các địa phương, trước khi quyết định thông qua, dù là một dự án luật, hay là chủ trương đầu tư một chương trình dự án nào đó liên quan đến rừng và người dân sống dựa vào rừng.

Nếu không, những cánh rừng ít ỏi còn lại của đất nước sẽ tiếp tục bị lợi ích của con người uy hiếp. Lúc đó, nguy cơ sa mạc hóa đâu chỉ là nỗi lo của người Tây Nguyên!

Nguyễn Vân
 

Có thể bạn quan tâm