TN - Đất & Người

Chuyện về Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Nhương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chuyện về Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Nhương ảnh 1
 
Trong quá trình tham gia cách mạng, ông Nguyễn Văn Nhương- nguyên Chính trị viên Đại đội 12,7 ly (Đoàn Hoa Lư) đã tham gia 175 trận đánh, bắn rơi 13 máy bay, diệt 2 xe tăng và hàng trăm tên địch… Ghi nhận sự đóng góp của ông, ngày 28-5-2010, Chủ tịch nước đã ký quyết định tặng thưởng cho ông danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. 
Năm 17 tuổi, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, người thanh niên Nguyễn Văn Nhương đã viết đơn tình nguyện nhập ngũ với nội dung rất rõ ràng: Xin được cầm súng vào miền Nam giết giặc. Nhưng cả hai lần khám tuyển, ông đều bị loại vì lý do quá nhẹ cân và thấp. Bằng sự kiên trì cộng với quyết tâm giết giặc, cuối cùng ông đã thuyết phục được Hội đồng khám tuyển và lên đường nhập ngũ vào cuối năm 1965. Sau 3 tháng huấn luyện, ông được biên chế về Đại đội súng máy 12,7 ly. Thời gian đầu, đơn vị của ông tham gia bảo vệ các cây cầu ở tỉnh Thanh Hóa (quê hương ông) nhằm đảm bảo giao thông cho các đơn vị hành quân vào Nam, đến tháng 3-1967 đơn vị cũng hành quân vào Nam.
Tham gia 175 trận đánh, song có lẽ trận đánh làm ông nhớ nhất là gần 40 ngày đêm (từ 22-1 đến 30-3-1968) tấn, lấn, diệt, triệt địch ở Tà Cơn (Quảng Trị). Trận này, đơn vị ông đã bắn rơi 17 chiếc máy bay, riêng ông tiêu diệt được 7 chiếc. Sau trận đánh này, toàn Đại đội đã phát động học tập theo chiến sĩ Nguyễn Văn Nhương. Trong lịch sử Đảng bộ Trung đoàn 3, Sư đoàn 9, Quân đoàn 4 có ghi: Chiến sĩ Nguyễn Văn Nhương- xạ thủ 12,7 ly một ngày bắn rơi 3 máy bay.
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu- Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đang trao danh hiệu AHLLVTND cho ông Nguyễn Văn Nhương. Ảnh: P.D
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu- Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đang trao danh hiệu AHLLVTND cho ông Nguyễn Văn Nhương. Ảnh: P.D
Ông kể lại: Ngày 22-1-1968, Đại đội súng máy 12,7 ly cùng một số phân đội DKZ và bộ binh áp sát sở chỉ huy của Lữ đoàn 3 lính thủy đánh bộ Mỹ, bao vây phá sân bay, cắt đứt đường tiếp tế hàng không của địch. Riêng khẩu đội do ông là xạ thủ số 1 nằm sát Sân bay Tà Cơn, có nhiệm vụ bắn trực tiếp không cho địch tiếp tế quân lương. Bọn địch coi khẩu đội này là cái gai trước mắt, cần phải nhổ bỏ và chúng điên cuồng dùng B52, B57, xe tăng, xe bọc thép liên tục phản kích vào các trận địa của ta. Không hề nao núng, ông cùng đồng đội sử dụng các loại hỏa lực DKZ, cối 81, 82 đánh tan các đợt phản kích của chúng...
Kết thúc trận đánh ở Tà Cơn, đơn vị lại tiếp tục hành quân vào Nam và tháng 8-1968 tham gia trận đánh Sở Chỉ huy Chi khu Đak Lập- Đak Min (Đak Lak). Sở Chỉ huy của địch được bảo vệ bởi đồn bốt, hàng rào dây thép gai… và đơn vị của ông có nhiệm vụ bắn vào trận địa hỏa lực, hỗ trợ cho bộ binh đánh địch phản kích, đồng thời bắn máy bay địch đổ quân chi viện cho chi khu. Khi đang chỉ huy chiến đấu, hầm sập, ông bị thương đến bất tỉnh phải đưa về tuyến sau cấp cứu nhưng đi được nửa đường, tỉnh lại ông ra lệnh cho đồng đội quay trở lại tiếp tục chỉ huy đơn vị chiến đấu. Kết thúc trận đánh, đơn vị ông đã bắn rơi 5 máy bay, riêng ông bắn rơi 3 chiếc. Cuối năm 1968, ông chỉ huy đơn vị chi viện trực tiếp cho bộ binh tiến công tiêu diệt Tiểu đoàn Không vận Mỹ ở Sóc Trăng diệt 70 xe cơ giới của Mỹ, sau đó tiến công tiêu diệt các tiểu đoàn quân Mỹ ở Lộc Ninh (22-5-1969)... 
Gần 30 năm gắn bó với binh nghiệp, ông Nguyễn Văn Nhương đã được tặng thưởng 11 Huân chương Chiến công Giải phóng, 2 Huân chương Chiến sĩ Giải phóng, 5 Huy hiệu Dũng sĩ diệt máy bay; Huy hiệu Dũng sĩ diệt xe tăng; Huy hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ-Ngụy; Huy hiệu Chiến sĩ thi đua quyết thắng; 5 năm liền là chiến sĩ thi đua cấp Trung đoàn và Sư đoàn; 2 lần được đi dự Đại hội chiến sĩ thi đua anh hùng toàn miền Nam.
Năm 1970, đơn vị của ông được giao nhiệm vụ tham gia chiến dịch ở Đông Bắc Campuchia, trong đó có trận đánh ở Đầm Be. Địch dùng xe tăng, máy bay, bộ binh và các loại hỏa lực hòng san bằng trận địa của ta, song ông đã linh hoạt sử dụng súng 12,7 ly cùng súng bộ binh, B40, lựu đạn để chiến đấu chống trả các đợt phản công của địch.
Đặc biệt, khi xe tăng địch tiến gần, ông đã dũng cảm ôm mìn chống tăng bò ra khỏi hầm lăn vào xích xe tăng, làm cháy chiếc xe tăng chạy trước, sau đó quay trở lại hầm bình tĩnh sử dụng quả đạn B40 cuối cùng bắn cháy tiếp chiếc xe tăng thứ hai rồi sử dụng súng bộ binh, lựu đạn tiêu diệt bộ binh địch.
Kết thúc chiến dịch phản công này, toàn đơn vị bắn rơi 19 máy bay các loại và diệt 2 xe tăng địch, trong đó ông bắn rơi 2 máy bay, diệt 2 xe tăng và nhiều tên địch.
Với những thành tích đã đạt được, cuối năm 1972, Đại đội súng máy 12,7 ly được công nhận là Đại đội Anh hùng còn ông vinh dự hai lần được đi dự Đại hội chiến sĩ thi đua anh hùng toàn miền Nam. Cuối năm 1972, ông được cử ra Bắc đào tạo cán bộ Chính trị ở Học viện trung- cao cấp Chính trị. Năm 1973-1974, ông được điều động làm Chính trị viên Tiểu đoàn 22 (Quân khu 4) và xây dựng Tiểu đoàn 22 đạt danh hiệu quyết thắng. Tháng 6-1977, vẫn trên cương vị Chính trị viên Tiểu đoàn 22, ông được tăng cường vào Tây Nguyên làm Trưởng ban Thanh tra Nhân dân huyện Chư Pah, đại biểu HĐND huyện; thành viên Ban Chỉ đạo truy quét FULRO (1977-1978); Trưởng ban Tổ chức Tỉnh đội Gia Lai- Kon Tum; Chính trị viên Cơ quan Quân sự thị xã Pleiku (1989)… Hiện ông đã nghỉ hưu và đang sống cùng con cháu tại phường Diên Hồng, TP. Pleiku.
Xuân Dung

Có thể bạn quan tâm