(GLO)- Chúng tôi đến Giáo xứ Phú Thọ (xã An Phú, TP. Pleiku) để tìm một đền tháp Champa đã bị thời gian xóa mờ. Hóa ra, đằng sau một di tích đang dần mất dấu có rất nhiều câu chuyện ly kỳ, chứa đựng nhiều yếu tố có thể làm thành một điểm du lịch thú vị cho Phố núi.
Trong khuôn viên nhà thờ Phú Thọ có một khối đá cao khoảng 40 cm, kích cỡ mỗi chiều tầm 35-40 cm, đường nét trang trí đơn sơ đã bị sứt mẻ nhiều. Thoạt nhìn, chúng tôi nhận ra ngay đây là một phần của sản phẩm nào đó thuộc về cộng đồng Chăm xưa. Để tường tận, chúng tôi đến gặp cha xứ hỏi thêm. Rất tiếc, ông mới được đổi về đây chưa lâu nên không có thông tin thêm.
Tìm hỏi một số vị cao niên ở xã An Phú, chúng tôi được biết: Khu vực nay là cánh đồng trồng rau màu của một số gia đình, trong đó có các con của ông Nguyễn Ngọc, từng có một đền tháp Champa.
Ông Nguyễn Ngọc sống tại đây từ năm 1945, kể: Theo người già thì đó là nơi thờ cúng của người Chăm. Ngoài 2 trụ đá ở cổng, có rất nhiều viên đá lớn cỡ 40 cm x 60 cm và vô số gạch. Những viên gạch bề ngoài bình thường nhưng trong ruột có màu đen rất cứng. Những năm trước, người dân đào bới nơi này để lấy gạch đá. Tiếp lời chồng, bà Phan Thị Hồng (SN 1950) cho hay: Cách đây gần 20 năm, có người xin được tìm kiếm gì đó ở khu đất gia đình bà đang trồng rau hiện nay và họ đã mang máy múc, máy đào đến cày xới trong nhiều ngày. Họ còn mang cả thầy cúng đến làm lễ trước khi đào nữa.
Gặp chúng tôi tại khu đền tháp cũ, anh Nguyễn Hoàng Chương (SN 1976, con trai ông Ngọc) kể: “Trước kia, chỗ này còn có một số ngôi mộ, cây cối um tùm nên nhiều người sợ. Quanh đây có lắm chuyện ly kỳ, rùng rợn. Rất nhiều người dân trong xã biết nhưng theo tôi, anh nên gặp thầy Viên ở thôn 3 thì rõ hơn”.
Sáng hôm sau, chúng tôi trở lại An Phú. Ông Võ Đình Viên (SN 1950) cho hay: Gia đình ông bà nội ông rời Bình Định lên đất này lập nghiệp từ năm 1930. Ông Viên được sinh ra và lớn lên tại đây. Khoảng 7-8 tuổi, ông thường cùng bạn bè ra khu đền tháp chơi. Theo ông Viên, tháp cao khoảng 3 m, được dựng bằng đá, nền móng đều bằng gạch. Lòng tháp hình vuông, mỗi chiều rộng gần 3 m. Vào thời điểm đó, lòng tháp trống rỗng nhưng trước cổng vẫn còn hai trụ đá lớn. Khoảng trước năm 1965, một lần sang nhà thờ chơi, ông đã chứng kiến cuộc nói chuyện giữa linh mục Nguyễn Viết Nam (mất năm 1975) và một linh mục người Pháp nói tiếng Việt rất sõi. Linh mục ngoại quốc đã hỏi về khu đền tháp và đến đó chụp ảnh. Trước đó, cha cố Pháp có cho linh mục Nam biết nhiều hiện vật bằng đá thuộc khu đền tháp này đã được đưa về Pháp (?).
Ông Võ Đình Viên và những viên gạch Chăm tại nhà riêng. Ảnh: N.Q.T |
Trước năm 1975, khu đền tháp hoang vu, được bao bọc bởi tre và nhiều cây cối, cỏ dại. Gần đó còn có một số ngôi mộ nên càng tạo nên sự âm u, vắng vẻ cho nơi này. Nhiều câu chuyện hoang đường đã được thêu dệt, ví như: Thỉnh thoảng vào đêm trăng, có hai người mặc áo trắng thường múa loang loáng, uyển chuyển cạnh bờ tre; lại có chuyện người đàn ông tên Được trong lúc đi đào gạch nền tháp đã bắt gặp một nải chuối và mấy lá trầu bằng vàng…
Ngày nay, toàn bộ khuôn viên khu đền tháp xưa đã biến mất, thay vào đó là những ruộng rau quanh năm xanh tốt. Mồ mả đã được chuyển đi, một vài khóm tre nhỏ và những bụi cây dại vẫn còn nhưng thật khó hình dung ra nơi đây từng có một kiến trúc Champa, nếu thỉnh thoảng không bắt gặp những mẩu gạch cũ vương vãi khắp nơi, nhỏ to đủ loại.
Theo ông Viên, khi còn nhỏ, ông từng nghe linh mục Nguyễn Viết Nam kể một câu chuyện khá lạ lùng, không rõ thực hư thế nào: Khi bị nhà Tây Sơn truy lùng, Nguyễn Ánh từng chạy lên đất Gia Lai ngày nay. Khi đó, cộng đồng Chăm không còn ở đây nhưng đền tháp của họ vẫn được một người Jrai trông giữ. Nguyễn Ánh đã ngủ trong tháp này một đêm. Sáng hôm sau, trước khi rời đi, ông ta đã cởi tặng người gác đền cái áo mặc trong của mình. Đó là tấm áo có thêu con hổ dữ tợn đang khoe nanh vuốt, chính linh mục Nam đã tận mắt thấy. Trước năm 1975, Viện Bảo tàng ở Sài Gòn từng lên Phú Thọ tìm người sở hữu tấm áo này nhưng không mua được hiện vật ấy…
Tại nhà ông Viên hiện có 2 viên gạch Chăm màu đỏ vàng còn khá nguyên vẹn và 2 nửa của 2 viên gạch cùng loại. Các viên gạch này đều dài 34 cm, rộng 19 cm, dày 8 cm và nặng 8,4 kg. Ông cho biết rất muốn sưu tầm thêm một “trụ cờ bằng đá” nhưng chưa làm được. Nói rồi, ông chỉ cho chúng tôi nơi đang lưu giữ hiện vật ấy.
Chúng tôi đến nhà Trưởng thôn 4 Võ Đức Ai (SN 1960) cùng 2 người hàng xóm của ông. Theo ông Ai và bà con xung quanh, sau năm 1975, “trụ cờ” được đưa từ khu vực đền tháp cũ về sân hội trường thôn, sát vách nhà ông hiện tại. Vì tảng đá chắc chắn, lại có cái lỗ tròn nên người ta cắm cái ống sắt vào đấy làm trụ cờ cho tập thể. Năm ngoái, ông đã nhờ máy móc chuyển nó vào một góc vườn nhà mình “để làm kỷ niệm”.
Chúng tôi thật sự ngạc nhiên trước hiện vật này. Đó là một khối đá hình trụ vuông vức và cân đối được chia làm 5 cấp, trên nhỏ dưới to. Mặt đáy của hiện vật mỗi cạnh có độ dài 117 cm; mặt trên cùng, mỗi cạnh đo được 67 cm; cao 48 cm. Hiện vật không có ký tự hoặc hoa văn, trừ một đường gờ trang trí sâu khoảng 1 cm ở phần dưới thân của cấp giật thứ 3 tính từ dưới lên. Đây cũng là cấp giật dạng mái vòm duy nhất thay thế cho kiểu vuông góc ở các cấp giật khác của hiện vật. Chính giữa mặt phẳng trên cùng của hiện vật có một lỗ tròn đường kính 8 cm, khá sâu. Cùng với một đường viền khép kín, đây là lỗ chốt để kết nối với phần còn lại ở phía trên của hiện vật.
Theo nhà nghiên cứu Champa Trần Kỳ Phương-nguyên cán bộ Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, nhiều khả năng đây là phần dưới của một đài (bàn) thờ. Hiện vật được làm bằng (đá) sa thạch này có thể liên quan đến việc thờ linga-yoni hoặc tượng có niên đại khoảng thế kỷ XI-XIII. “Căn cứ vào kích thước của hiện vật, suy đoán rằng vật được thờ tại đây không nhỏ. Tuy nhiên, tình hình hiện tại chưa cho biết bệ thờ này được đặt ở bên trong hay ngoài tháp”-ông Phương chia sẻ. Từ Viện Khảo cổ học, TS. Nguyễn Tiến Đông cũng cho rằng, đây có thể là một bệ thờ của người Chăm xưa.
Cách trung tâm Pleiku hơn 10 km về hướng Đông, An Phú ngày nay vốn là một làng Việt cổ. Trước đó, đây hẳn là nơi cư trú của đồng bào Chăm. Những người Bình Định từ đầu thế kỷ trước đã cùng nhau lập nên nơi này. Các địa danh Nguyên Lợi, Quảng Định, Mông (Môn) Giang… đã lùi dần vào quá khứ, cùng với ngôi đình Trà Nhă cổ kính. Tuy thế, An Phú vẫn là một vùng đất chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống.
Cùng với ít nhất một di chỉ Chăm, dẫu chưa được thám sát, khai quật nhưng đã “xuất lộ” hàng loạt hiện vật quý có niên đại xa, những cánh đồng rau xanh bốn mùa, đường đi lối lại thuận tiện cùng nhiều câu chuyện thấm đẫm tính nhân văn về lớp người mở đất chưa từng được viết, nơi này xứng đáng để nhà hoạch định chính sách, quản lý xã hội của Pleiku sớm lưu tâm, đầu tư, khai thác phát triển du lịch. Hy vọng một ngày không xa, An Phú sẽ là một điểm trải nghiệm hấp dẫn của du khách.
NGUYỄN QUANG TUỆ