Sân chơi bổ ích
Cuối năm 2023, Hội LHPN huyện Kbang phối hợp với Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Krong (xã Krong) ra mắt CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” với 30 thành viên là cán bộ, giáo viên nhà trường và một số học sinh. Câu lạc bộ sinh hoạt 1 lần/tháng và được lồng ghép vào các buổi ngoại khóa, giờ chào cờ thứ hai hàng tuần.
Cô Nguyễn Thị Thanh-Giáo viên Tiếng Anh kiêm Tổng phụ trách Đội-cho biết: Để buổi sinh hoạt sôi nổi, đúng trọng tâm, Ban Chủ nhiệm CLB hướng dẫn các em học sinh về một số chủ đề như: giới, bình đẳng giới; phòng-chống bạo lực đối với trẻ em, bạo lực học đường, xâm hại tình dục, tai nạn thương tích; kỹ năng ứng xử trên không gian mạng, nạn bắt cóc, buôn bán trẻ em; hậu quả của nạn tảo hôn, kết hôn cận huyết thống hoặc tìm hiểu về dậy thì sớm…
“Trên cơ sở nội dung hoạt động, các em tìm hiểu, mở rộng thông tin, nâng cao nhận thức, xây dựng kịch bản tuyên truyền; thể hiện năng khiếu của bản thân như vẽ tranh, hát, múa, đóng kịch; truyền tải những thông tin kiến thức học hỏi, tiếp thu được tại giờ chào cờ, sinh hoạt lớp.
Từ đó, không chỉ thu hút học sinh lên tiếng, truyền thông về quyền và bổn phận của trẻ em mà còn nâng cao nhận thức, hành vi ứng xử đúng đắn, định kiến về giới cho các em”-cô Thanh chia sẻ.
Trước khi tham gia CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Krong, em Đinh Thị Xuyết (lớp 7A) khá rụt rè, nhút nhát, ít dám nói trước đám đông. Qua từng buổi sinh hoạt, Xuyết cùng các bạn được trang bị kiến thức, kỹ năng giao tiếp và tự tin hơn khi trao đổi với bạn bè, thầy cô.
“Khi hiểu hơn về bình đẳng giới, bạo lực gia đình, bạo lực học đường, quyền trẻ em, tảo hôn, em đã mạnh dạn nói lên suy nghĩ của mình trong gia đình, trong buổi họp làng và sẵn sàng đấu tranh với những hành động, việc làm sai trái”-Xuyết quả quyết.
Gần 1 năm hoạt động, CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Đăk Rong thực sự là sân chơi bổ ích của học sinh. Theo em Đinh Thị Hào (lớp 8A), tại các buổi sinh hoạt, bên cạnh tổ chức truyền thông, chia sẻ kiến thức về tâm lý lứa tuổi, giới tính, nhận biết nguy cơ bị xâm hại, em còn được hòa mình vào các trò chơi dân gian, giao lưu văn hóa-văn nghệ, thể thao hoặc đảm nhận vai diễn trong một số tiểu phẩm lấy chất liệu từ cuộc sống hàng ngày.
Hào tâm sự: “Đôi lúc, chúng em hóa thành họa sĩ gửi thông điệp vào mỗi bức tranh chung tay bảo vệ quyền trẻ em để chúng em có cuộc sống yên vui, hạnh phúc. Tham gia sinh hoạt tại CLB, em học hỏi được nhiều kỹ năng, kiến thức mới.
Em mong CLB có nhiều hoạt động bổ ích hơn nữa, có thêm nhiều bạn trong trường đăng ký tham gia CLB và nhiều trường trên địa bàn huyện cùng thành lập CLB để chúng em có cơ hội giao lưu, học hỏi”.
Nhân rộng mô hình
Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” là một trong những mô hình điểm của Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết một số vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1: 2021-2025. Đến nay, huyện Kbang đã thành lập 2 CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại xã Krong và xã Đăk Rong.
Thầy Nguyễn Việt Quốc-Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Đăk Rong-cho hay: Trường có khoảng 95% học sinh là người dân tộc thiểu số. Những vấn đề về bình đẳng giới, bạo lực gia đình, bạo lực học đường, quyền trẻ em nếu chỉ tuyên truyền tại các buổi hội họp, qua báo cáo hay nói suông thì học sinh cũng như người dân rất khó nhớ, khó hiểu.
Vì vậy, thông qua hoạt động CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi”, nhà trường chủ động lồng ghép xây dựng tiểu phẩm, câu chuyện, hoạt cảnh, các thành viên là chủ thể để các em thể hiện, lan tỏa mạnh mẽ thông điệp đến học sinh toàn trường.
Nhà trường tiếp tục chỉ đạo giáo viên phụ trách CLB phối hợp với các hội, đoàn thể và giáo viên chủ nhiệm tuyên truyền, vận động học sinh đăng ký tham gia CLB; xây dựng chương trình, kịch bản gần gũi với đời sống, văn hóa của người dân địa phương.
Nói về kết quả hoạt động của CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi”, Chủ tịch Hội LHPN huyện Đinh Thị Triết nhận xét: Gần 1 năm đi vào hoạt động, 2 CLB đã góp phần trang bị cho học sinh người dân tộc thiểu số nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích, giúp các em thay đổi cách nghĩ, cách học, cách làm; dần dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu.
Đồng thời, hỗ trợ thầy-cô giáo, phụ huynh thực hiện tốt việc giáo dục con em, học sinh ngay từ trên ghế nhà trường và giải quyết một số vấn đề xã hội cấp thiết đối với trẻ em, nhất là trẻ em vùng dân tộc thiểu số.
“Thời gian tới, Hội LHPN huyện tiếp tục phối hợp với các trường đã thành lập CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” xây dựng kế hoạch duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động, đa dạng nội dung sinh hoạt.
Từ nay tới cuối năm 2024, Hội phối hợp với các trường THCS tại xã Lơ Ku và xã Kông Lơng Khơng ra mắt 2 CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” và rà soát nhu cầu của các trường trên địa bàn để nhân rộng mô hình”-bà Triết nhấn mạnh.