Cô gái bỏ phố lên rừng... trồng hoa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Là thạc sĩ, nhà ở thành phố, cô gái có cái tên lạ Nguyễn Tường Miên hoàn toàn có thể kiếm một công việc phù hợp để được ở cạnh gia đình. Nhưng Miên đã chọn một cách sống thật khác để theo đuổi đam mê.

Những cánh đồng “thảo dược của tình yêu”

Dưới một thung lũng cách xa trung tâm TP.Đà Lạt (Lâm Đồng) khoảng 7km, có một trang trại mang tên Tùng Hạ rộng 4.000 mét vuông do một cô chủ nhỏ “cai quản”.

 

Tường Miên bên cánh đồng hoa oải hương của mình.

Nơi đó có những cánh đồng oải hương tỏa ra thứ hương thơm nồng nàn bên bốn bề là mây trời và những cánh rừng xanh biếc. Nguyễn Tường Miên đã dựng một căn nhà nhỏ ở đó, một căn nhà được chất đầy sách và những thứ liên quan đến công việc làm vườn.

Tường Miên sinh ra ở Sài Gòn. Lớn lên, do rất yêu thiên nhiên, cây cỏ nên Miên quyết định theo học ngành công nghệ sinh học với mong muốn sau này sẽ được sống với cây cỏ, gieo trồng và chăm sóc chúng. Ngay từ năm 2 ĐH, Miên đã xin đi thực tập ở Đà Lạt. Cuối tuần, Miên lại lang thang khắp những khu rừng ở đây tìm hiểu về các loài thảo dược.

Cảm thấy vùng đất này rất phù hợp để theo đuổi đam mê, tốt nghiệp ĐH, Miên đã xin vào làm việc tại TT Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp tại Đà Lạt. Miên tiếp tục lang thang khắp các khu rừng ở Lâm Đồng, Đồng Nai tìm tòi, nghiên cứu để thực hiện việc nhân giống nuôi cấy mô ở tế bào thực vật, nhân giống vô tính trong phòng thí nghiệm.

Được “thả” vào đúng môi trường, lại được làm việc với những bạn bè, đồng nghiệp yêu thiên nhiên, thực vật và có cùng chí hướng, Miên như được tiếp thêm động lực.

Từ lâu Miên đã ấp ủ sẽ trồng thật nhiều loài thực vật có hương liệu tự nhiên, trong đó có loài hoa được coi là loài “thảo dược của tình yêu” có xuất xứ từ Địa Trung Hải, để đáp ứng nhu cầu của người yêu hoa. Thời gian đầu, do cây được mang từ Mỹ và Pháp về, lại trồng theo phương pháp bình thường nên chưa quen với môi trường mới, cây thường xuyên bị bệnh. Miên sử dụng thuốc hóa học thông thường, cây khỏi nhưng yếu đi, không cho ra hoa đẹp. Đến cuối năm 2016, Miên quyết định trồng oải hương bằng phương pháp hữu cơ nên cây mạnh hơn, dễ dàng vượt qua bệnh, cho ra hoa tím hơn và thơm hơn.

Trước đây, nhắc đến oải hương (lavender), người ta thấy nó thật xa vời, chỉ có thể mua được ở châu Âu. Nhưng hiện nay, Đà Lạt đã có những cánh đồng hoa tím ngát và Tùng Hạ của Miên là trang trại có vườn oải hương lớn nhất, cung cấp nhiều nhất loài hoa này cho các nơi.

Sẽ tổ chức “farmstay” cho bạn trẻ

Thường xuyên giúp Miên chăm sóc hoa còn có 4, 5 người nữa. Đồng thời, cứ mỗi cuối tuần, bạn bè, đồng nghiệp lại từ Sài Gòn lên thăm Miên. Những cô gái, chàng trai trẻ lại cùng nhau thức dậy sớm giữa thung lũng bạt ngàn, cùng nhau bắt sâu, tưới cây, thay bầu cây, nhổ cỏ, bón phân, thu hoạch…

 

Tường Miên và những người bạn đi thu hoạch oải hương.

Nhớ lại trận mưa đá cách đây mấy tháng làm cho cánh đồng hoa đang mơn mởn bị dập nát, Miên bồi hồi: “Mình coi mỗi cây như một đứa con do mình sinh ra, chăm sóc và quan sát nó lớn lên từng ngày. Cây bị bệnh chết hay bị mưa đá làm cho gãy, mình rất xót xa vì thương chúng. Nhưng sau đó, bằng tình yêu của mình và những người bạn, vườn hoa dần hồi phục và lại nở tím thung lũng”.

Có một điều đặc biệt là dù dốc hết tình yêu, tâm sức vào vườn hoa, nhưng Miên lại không đặt nặng lợi nhuận. Bán được bao nhiêu, Miên lại tái đầu tư và tham gia công tác thiện nguyện. Một người bạn của Miên đã chia sẻ: “Giá trị những cành oải hương không chỉ tính bằng sự hiếm hoi của nó, mà còn bằng cả quãng thời gian đằng đẵng chống chọi với sự khác biệt của thiên nhiên để những bông hoa có thể tỏa hương”.

Ngoài oải hương, trang trại của Miên còn trồng rất nhiều thảo dược khác như sả, bạc hà… với mục tiêu sẽ sản xuất tinh dầu trong mảng hương liệu, mỹ phẩm, thuốc bảo vệ thực vật. Miên xúc động cho biết: “Mình có động lực để làm những điều này, cũng là do có sự đóng góp, động viên của gia đình và bạn bè, những người yêu thiên nhiên và quan tâm đến sức khỏe của mọi người. Sau khi ổn định, 2 năm nữa mình sẽ chuyển giao công nghệ cho nông dân, giúp họ trồng hoa để có công ăn việc làm và thu nhập. Hướng phát triển của mình là sẽ thành lập TT Thảo dược (sẽ thuộc viện Công nghệ sinh học và ứng dụng vi sinh miền Nam) và có farmstay cho các bạn trẻ trải nghiệm, cảm nhận được một cuộc sống có giá trị, hiểu hơn về nông nghiệp của đất nước mình”.

Nói về cuộc sống hiện tại, Miên cho rằng mình rất hạnh phúc vì những buổi sáng thức dậy sớm được nghe tiếng chim hót giữa không gian yên tĩnh, cảm nhận được hơi thở của cây, thích thú vì bắt gặp những con tắc kè, kì nhông và rất nhiều ong về hút mật trên những cành hoa xinh đẹp và thơm ngát.

Theo thanhnien

Có thể bạn quan tâm