Nguyễn Thành Trung khởi nghiệp trên vùng đất khó

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau vài năm làm việc cho các công ty nước ngoài, anh Nguyễn Thành Trung (ở xã Yang Trung, huyện Kông Chro) trở về quê nhà để phát triển vườn cây ăn trái với mong ước xây dựng thương hiệu trái cây theo hướng VietGAP.

Thông qua lời giới thiệu của cán bộ Văn phòng UBND xã Yang Trung, chúng tôi tìm đến vườn cây ăn trái rộng 6 ha của anh Nguyễn Thành Trung để tìm hiểu mô hình phát triển kinh tế trang trại trên vùng đất Yang Trung. Năm 2013, anh Trung tốt nghiệp Đại học Lạc Hồng với chuyên ngành công nghệ sinh học. Sau đó, anh được nhận vào làm việc tại một công ty của Mỹ, tiếp đó là công ty của Hàn Quốc với mức lương khá cao. Với nhiều người thì đây là cơ hội đổi đời vì thu nhập ổn định. Tuy nhiên, tháng 4-2016, anh Trung quyết định chuyển về quê nhà để phát triển vườn cây ăn trái mà cha mẹ đã gầy dựng trước đó.

 

Anh Nguyễn Thành Trung bên vườn nhãn VietGAP. Ảnh: N.H
Anh Nguyễn Thành Trung bên vườn nhãn VietGAP. Ảnh: N.H

Vườn cây ăn trái của anh Trung gồm xoài, nhãn lồng, mãng cầu được trồng xen canh và cho thu hoạch từ nhiều năm nay. Đến mùa thu hoạch, thương lái đến vườn thu mua mang đi tiêu thụ nên không phải lo nghĩ về đầu ra. Từ lúc về chăm sóc lại vườn cây, anh mạnh dạn áp dụng các phương pháp canh tác mới cho từng loại cây trồng phù hợp với đặc điểm của vườn.

Theo ước tính của anh Trung, tùy theo thời giá, từng loại cây trồng cho thu nhập khác nhau. Vụ thu hoạch đầu tiên nhờ áp dụng phương pháp canh tác mới nên cây nhãn lồng và mãng cầu đã mang về nguồn thu 400 triệu đồng, trừ chi phí 50 triệu đồng, gia đình còn lãi 350 triệu đồng.

Anh Trung tâm sự: “Mình xuất thân là con nhà nông. Vì vậy, từ lúc bước chân vào giảng đường đại học, mình đã quen với công việc này rồi. Mục tiêu chính là đầu tư phát triển vườn cây ăn trái của gia đình theo hướng bền vững. Đặc biệt, năm nay, mình bắt đầu xây dựng thử nghiệm mô hình VietGAP trên cây nhãn và mãng cầu để cung cấp cho người tiêu dùng những sản phẩm đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, mình trồng thêm 6.000 cây đinh lăng và 3.000 cây chanh đào để cung cấp nhiều loại trái cây cho người tiêu dùng”.

Không chỉ nghĩ cho riêng mình, Nguyễn Thành Trung còn hướng dẫn bà con dân tộc Bahnar trong xã trồng cây ăn trái trong vườn nhà. Cùng với đó, anh hướng dẫn bà con ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng trọt và chăn nuôi với mong muốn cùng nhau phát triển kinh tế.

Nguyễn Hồng

Có thể bạn quan tâm