Giải trí

Âm nhạc - Điện ảnh

Có gì mới trong dị bản kinh dị của 'Tấm Cám'?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
'Cám' - phim kinh dị phóng tác từ truyện cổ tích 'Tấm Cám' - thu hút nhờ lối kể sáng tạo và khâu diễn xuất, song kịch bản còn nhiều hạn chế.

* Bài viết tiết lộ nội dung phim

Trong phim điện ảnh do Trần Hữu Tấn đạo diễn, Hoàng Quân sản xuất, Cám (Lâm Thanh Mỹ đóng) từ khi sinh ra đã mang khuôn mặt xấu xí, bị chính mẹ ruột (Thúy Diễm) đối xử tệ, còn dân làng xem cô như quái vật. Trái ngược, chị Tấm (Rima Thanh Vy) là nữ trưởng tài sắc vẹn toàn, là niềm hãnh diện của cha cô - Lý trưởng Hai Hoàng (Quốc Cường). Phim đào sâu vào hành trình “hắc hóa” của nhân vật Cám, từ một thiếu nữ hiền hòa sau khi bị một thực thể thao túng đã trở thành một ác quỷ lòng đầy căm hận.

Cám là dị bản kinh dị, xoay quanh hành trình “hắc hóa” của nhân vật phản diện kinh điển cùng tên

Cám là dị bản kinh dị, xoay quanh hành trình “hắc hóa” của nhân vật phản diện kinh điển cùng tên

Tiếp nối trào lưu 'cổ tích hắc ám'

Những năm gần đây, khi thị hiếu người xem đã quá ngao ngán với những câu chuyện anh hùng kiểu mẫu, hậu truyện của tuyến phản diện lại được quan tâm. Hollywood đi đầu trong trào lưu làm phim về nhóm nhân vật này, từng ra mắt các tác phẩm điện ảnh xoay quanh cuộc đời của Tiên ác Maleficent (truyện Người đẹp ngủ trong rừng), ác quỷ Dracula, hay gã hề Joker (phim Batman). Công thức kể của tiểu thể loại này không mới nhưng rất hiệu quả, khơi gợi sự đồng cảm của người xem qua việc khai phóng câu chuyện quen thuộc, thêm thắt biến cố khiến một người thiện lương dần tha hóa thành kẻ ác.

Phim Cám cũng không nằm ngoài lối kể này. Nửa đầu phim, khi Trần Hữu Tấn làm rõ sự đối lập giữa Tấm và Cám trong nửa đầu phim: Tấm sinh ra đã được yêu thương, chiều chuộng; còn Cám luôn bị gieo vào đầu ý niệm bản thân là nỗi ô nhục của gia tộc. Trái ngược là thế, song họ vẫn yêu thương và đùm bọc nhau.

Nhờ mở rộng câu chuyện và thêm vào các tuyến phản diện mới, đạo diễn Trần Hữu Tấn và nhà sản xuất Hoàng Quân hợp lý hóa nhiều tình tiết trong câu chuyện kinh điển. Nhà làm phim chủ đích “twist” (lật lại) những phân cảnh nổi bật trong Tấm Cám: Cám nhường tép cho chị thay vì cướp công, Tấm vì bảo vệ Cám nên thay em lựa “thóc ra thóc, gạo ra gạo”, ông Bụt ban điều ước thực ra là một thực thể tà ác... mang đến góc nhìn mới mẻ và hợp thời đại hơn.

Kịch bản tạo độ hứng thú khi “bẻ cong” các điển tích quen thuộc

Kịch bản tạo độ hứng thú khi “bẻ cong” các điển tích quen thuộc

Ở khâu bối cảnh, ê kíp có tham khảo các nhóm chuyên gia sử học, tái hiện tương đối chính xác các phục trang và đồ dùng phù hợp niên đại diễn ra câu chuyện Tấm Cám, khẳng định sự chỉn chu qua từng đường kim mũi chỉ, cũng như các họa tiết, cảnh trí của làng quê Việt Nam thời xưa. Tuy nhiên, Cám gặp vấn đề chung như các tác phẩm trước của Trần Hữu Tấn là Tết ở làng địa ngục Kẻ ăn hồn, khi cảnh trí còn tù túng, thiếu đại cảnh choáng ngợp, có thể là do vấn đề kinh phí.

Lâm Thanh Mỹ 'chiếm màn ảnh'

Trong phim, Lâm Thanh Mỹ có nhiều đất diễn, cho cô cơ hội thể hiện khả năng diễn xuất đa dạng của mình. Với gương mặt bị vết bớt che đi một nửa, sao Gen Z diễn thuyết phục bằng biểu cảm của con mắt còn lại. Từ chất giọng nhỏ nhẹ, nụ cười hồn nhiên, khán giả dễ đồng cảm với Cám, có khi đau đớn thay khi cô bị đối xử tệ.

Vì vậy, nửa sau phim khi Cám trở về làng với diện mạo mới và quyết định trả thù, người xem ghê sợ, nhưng cũng có phần thỏa mãn. Khác với hình tượng “em bé kinh dị” ngày trước, Lâm Thanh Mỹ trong phim lần này có nhiều cảnh hành động, mạo hiểm, cũng như những cảnh thách thức khả năng diễn xuất hơn. Nữ diễn viên sinh năm 2005 mang đến vẻ quyến rũ và ma mị khó cưỡng trong phân đoạn nhân vật “hắc hóa” hoàn toàn; cô nhảy múa dưới ánh trăng, nở nụ cười man dại “chiếm trọn” màn ảnh.

Lâm Thanh Mỹ tỏa sáng

Lâm Thanh Mỹ tỏa sáng

Điểm hạn chế duy nhất của nữ diễn viên là vóc dáng trẻ con, nên cô chưa thuyết phục được người xem về phần nhìn. Song, có thể thấy sự trưởng thành và tiềm năng của Lâm Thanh Mỹ trong tương lai, qua vai Cám lần này.

Ở tuyến thứ chính, Rima Thanh Vy diễn ở mức tròn vai. Tấm qua diễn xuất của cô hiện lên là một thiếu nữ mạnh mẽ, tự lập, giàu lòng nhân ái. Đáng tiếc là có nhiều cảnh, cô suýt nữa đã có thể tỏa sáng, nhưng do khâu chuyển cảnh, cũng như đài từ, Thanh Vy chưa mang đến sức nặng cho vai diễn, nếu so sánh với Lâm Thanh Mỹ.

Tuyến phụ của Quốc Cường, Thúy Diễm thiếu đột phá. Dù có thực lực, song hai diễn viên khó tỏa sáng khi tuyến vai quá một màu. Nhiều phân cảnh, có thể là do chỉ đạo diễn xuất, biểu cảm của nhóm vai phụ trở nên “lố”, gây khó hiểu cho người xem.

Kịch bản còn nhiều lỗ hổng

Công bằng mà nói, do ôm đồm nhiều ý tưởng, phim Cám khai thác chưa tới các thông điệp về sự gia trưởng trong xã hội phong kiến, hay thông điệp về nữ quyền. Người xem được biết Tấm là cô gái dù sống trong nhung lụa nhưng không hư hỏng, vẫn giàu lòng nhân ái, hết mực yêu thương cô em xấu xí của mình. Tuy nhiên, vì dành thời lượng đẩy tâm lý Cám, nhân vật Tấm không có nhiều khoảnh khắc tỏa sáng. Ở nửa đầu phim, cô Tấm tương đối mờ nhạt, và chỉ thực sự có sự bùng nổ khi biến cố xảy ra từ giữa phim.

Ngoài ra, tuyến phản diện - quỷ Bạch Lão - trong phim bị khắc họa với nhiều mâu thuẫn. Hắn là kẻ quyền năng, sống hơn ngàn năm để thao túng và hại người, song chi tiết này chỉ được nhắc đi nhắc lại qua lời kể các nhân vật, chứ chưa được chứng minh cụ thể trong phim. Chiếc vòng cổ của gia tộc Hai Hoàng giúp ngăn tà ma, nhưng họ lại không tìm phương pháp đối đầu Bạch Lão, mà vẫn chọn cách quy phục và hiến sinh mạng cho hắn.

Phim sở hữu loạt tình tiết thiếu logic

Phim sở hữu loạt tình tiết thiếu logic

Nhà làm phim có sự tiến bộ về cách kể, song vẫn mắc lỗi trong việc sắp xếp mốc thời gian, như các tác phẩm trước. Chẳng hạn như khi Cám dụ Tấm leo cây cau là khi trời còn sáng, thì cảnh sau lại tối mịt. Trong buổi chiếu sớm, nhiều khán giả bật cười khi Tấm nhận lời ra hồ sen tắm cùng em Cám vào lúc trời tối, dù trước đó đã có tin đồn về hổ ăn thịt người. Loạt chi tiết hù dọa trong phim vì thế nặng tính sắp đặt, khó thuyết phục khán giả.

Một điểm trừ khác của Cám đến từ phần kỹ xảo. Hình tượng ma quỷ trong phim nếu nhìn xa, trong chớp nhoáng, thì khá đáng sợ. Tuy nhiên, ở những góc cận, cảnh dài, người xem dễ nhận ra phần hóa trang chưa khéo, cũng như các cử động của con quỷ còn giả tạo, thô cứng. Hay khi một nhân vật bị quỷ ám, mắt họ đột ngột chuyển sang màu đỏ, thì kỹ xảo phần này làm chưa tới, gây hụt hẫng.

Nhìn chung, Cám là một dự án điện ảnh mạo hiểm, nhiều rủi ro, nhưng cần thiết nhằm đa dạng hóa thị trường phim ảnh Việt Nam. Tác phẩm sở hữu nhiều điểm sáng, tuy nhiên cũng “gãy” vài nhịp do kịch bản và cách dẫn dắt câu chuyện còn hạn chế. Sắp tới, tác phẩm sẽ gặp nhiều thuận lợi khi ra rạp vào dịp 20.9, do không có phim Việt Nam nào khác cạnh tranh.

Theo Minh Phúc (TNO)

Có thể bạn quan tâm