Kinh tế

Cơ giới hóa gắn với cánh đồng mẫu lớn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Vùng nguyên liệu mía khu vực phía Đông tỉnh hiện có 24.000 ha, tăng gấp 10 lần so với năm 2000 và  trở thành cây trồng chủ lực trong cơ cấu cây trồng của địa phương khu vực này. Đặc biệt, những năm gần đây, cây mía mang lại nguồn thu nhập ổn định nhờ mối liên kết giữa đơn vị đầu tư thu mua nguyên liệu là Nhà máy Đường An Khê và nông dân trồng mía theo chiều sâu giúp cho người trồng mía ổn định cuộc sống.

 Đưa cơ giới vào quy trình sản xuất mía. Ảnh: Quang Văn
Đưa cơ giới vào quy trình sản xuất mía. Ảnh: Quang Văn

Ông Đinh Chôi (làng Lợt, xã Kông Pla, huyện Kbang) cho biết, 5 ha mía của gia đình ông năng suất bình quân đạt 80-90 tấn/ha, tăng 25-30 tấn/ha so với trước đây là nhờ thay đổi cách trồng, chăm sóc mía. Việc cày đất, phân hàng trồng trước đây sử dụng sức bò, máy cày nhỏ nên đất không tơi xốp, độ sâu không đúng quy định nên năng suất thấp. Gần đây, ông sử dụng máy cày công suất lớn của Nhà máy Đường An Khê đầu tư để làm đất đảm bảo độ sâu 30-35 cm, đất giữ được độ ẩm nên mía phát triển tốt, năng suất cao, thu nhập từ trồng mía cũng được tăng lên. Niên vụ mía 2014-2015, ông và một số hộ dân liền kề đã thống nhất phá bờ lô để dồn điền, hình thành cánh đồng mía mẫu lớn, áp dụng quy trình kỹ thuật trồng mía của Nhà máy Đường An Khê hướng dẫn để đạt mục tiêu năng suất mía 100 tấn/ha trở lên như các hộ khác đã làm.

Hình thành cánh đồng mẫu lớn, đưa cơ giới vào các khâu trồng, chăm sóc mía gắn với chuyển giao giống mía mới vào trồng để tăng thu nhập cho nông dân trồng mía khu vực phía Đông tỉnh Gia Lai là mục tiêu lớn của Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi được Nhà máy Đường An Khê cụ thể hóa vào thực tiễn. Theo đó, niên vụ 2013-2014, Nhà máy đã thực hiện cơ giới hóa các khâu: làm đất, trồng, chăm sóc, bón phân trên 5.359 ha, tăng gần 2.300 ha so với niên vụ 2011-2012. Đặc biệt, diện tích trồng mía bằng cơ giới niên vụ 2013-2014 đạt gần 1.696 ha, tăng trên 1.400 ha so với niên vụ 2011-2012. Ông Trần Như Bấc (thôn 9, xã Chơ Long, huyện Kông Chro) so sánh: Dùng máy cày 7 chảo để cày đất độ sâu 30-35 cm và bừa kỹ nên đất tơi xốp hơn cách cày đất truyền thống dùng sức bò và máy cày nhỏ. Trồng mía bằng máy hàng được rạch sâu hơn lại dễ chăm sóc, bón phân, tưới nước cho cây mía. Khi cây mía lớn có thể dùng trâu, bò hoặc máy cày nhỏ để diệt cỏ do nhờ khoảng cách hàng rộng; thu hoạch mía dễ hơn trồng đại trà hàng đơn, đặc biệt là thời gian lưu gốc kéo dài 1-2 vụ. Sử dụng máy bón phân trực tiếp vào rễ, phân được vùi sâu, lấp kỹ nên hiệu quả sử dụng phân bón cao hơn cách bón phân trên mặt đất áp dụng lâu nay. Hiệu quả các ưu điểm trên mang lại là năng suất mía tăng thêm 15-20 tấn/ha; đồng thời tiết kiệm chi phí làm cỏ, bón phân cho mía 5-7 triệu đồng/ha.

Trong niên vụ 2014-2015, Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi tiếp tục đầu tư thêm máy cày công suất lớn phục vụ khâu làm đất, trồng, chăm sóc, bón phân để thực hiện mục tiêu diện tích trồng mía bằng cơ giới tại đây đạt 7.000 ha. Để thực hiện mục tiêu này, Nhà máy Đường An Khê áp dụng cơ chế hỗ trợ cho nông dân trồng mía như: ưu tiên diện tích đăng ký trồng, chăm sóc, bón phân bằng máy; ưu tiên cày bằng cơ giới diện tích trồng mía tối thiểu 2 ha. Đối với cánh đồng mẫu lớn, ngoài tập trung thiết bị máy móc để cơ giới hóa, còn được ưu tiên vốn, vật tư, bã bùn cải tạo đất, thu hoạch, vận chuyển, tiếp nhận, cân mía 1 vụ mía tơ và 3 vụ mía gốc. Hỗ trợ một phần kinh phí làm đất, trồng, chăm sóc mía theo phương thức cơ giới hóa cho các hộ thực hiện đúng quy trình Nhà máy quy định…

Ông Nguyễn Văn Hòe-Giám đốc Nhà máy Đường An Khê cho biết: Nhà máy chính thức hoạt động với công suất 18.000 tấn mía/ngày vào năm 2016. Điều đó đồng nghĩa với nhu cầu nguyên liệu mía sẽ tăng lên. Tuy nhiên, trong điều kiện quỹ đất trồng mía khu vực phía Đông Gia Lai không thể mở rộng thêm nên con đường duy nhất là tập trung đầu tư chiều sâu, chuyển giao và áp dụng tiến bộ kỹ thuật tiên tiến vào đồng mía để tăng năng suất, đảm bảo nguồn nguyên liệu cho Nhà máy hoạt động. Trước mắt đầu tư cơ giới hóa khâu làm đất, trồng, chăm sóc, bón phân cho cây mía, tiến tới khâu thu hoạch bằng máy gắn xây dựng cánh đồng mía mẫu lớn có quy mô 20-100 ha/điểm, chuyển giao giống mía mới năng suất cao để giúp người dân tận dụng tối đa quỹ đất, tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản phẩm để đem lại lợi nhuận cao cho chính người trồng mía.

Quang Văn

Có thể bạn quan tâm