Lợi dụng dọn đường để khai thác gỗ
Ngày 7/2, làm việc với phóng viên Báo Đắk Nông, Đại tá Bùi Đức Chính, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên tỉnh Đắk Nông cho biết, xảy ra vụ việc cắt hạ 569 cây gỗ rừng phòng hộ dọc tuyến đường tuần tra biên giới là điều rất đáng tiếc.
Vụ việc xảy ra một phần có sự thiếu thận trọng của lực lượng biên phòng. Tuy nhiên, việc cắt hạ cây rừng khai thác gỗ tại các tiểu khu 1444, 1446 không liên quan đến bộ đội biên phòng, trực tiếp là Đồn Biên phòng Bu Cháp (Đồn 12).
Theo giải thích của Đại tá Chính, cuối tháng 12/2024, Đồn Biên phòng Bu Cháp (Đồn 12), thực hiện kế hoạch phát dọn tuyến đường tuần tra biên giới do đơn vị quản lý. Kế hoạch này đã được Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phê duyệt.
Trước khi thực hiện nhiệm vụ này, Đồn Biên phòng Bu Cháp đã đề xuất, xin ý kiến của kiểm lâm địa bàn, thuộc Hạt Kiểm lâm liên huyện Tuy Đức - Đắk R'lấp và Trạm trưởng Trạm Quản lý bảo vệ rừng Quảng Trực, thuộc Ban Quản lý Rừng phòng hộ vành đai biên giới, về cách thức phát dọn.
Kiểm lâm địa bàn cùng Trạm Quản lý bảo vệ rừng Quảng Trực sau đó đã đứng ra nhận trách nhiệm phát dọn cây rừng dọc hai bên tuyến đường tuần tra biên giới và được Đồn Biên phòng Bu Cháp chấp thuận.
Cũng tại buổi làm việc, Trung tá Hoàng Lê Duy, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Bu Cháp thông tin: Việc phát dọn tuyến đường sau đó đều do kiểm lâm địa bàn cùng trạm trưởng trạm quản lý bảo vệ rừng thực hiện.
"Đồn Biên phòng Bu Cháp hoàn toàn không tham gia. Ông Tuyến, kiểm lâm địa bàn và ông Hà, Trạm trưởng Trạm Quản lý bảo vệ rừng Quảng Trực đã trực tiếp đưa người xuống phát dọn", Trung tá Duy khẳng định.
Cũng theo ông Duy, sau đó, việc phát dọn, cắt cây diễn ra độc lập, không có kế hoạch, hồ sơ pháp lý, nên Đồn Biên phòng Bu Cháp không thể tiến hành giám sát, báo cáo sự việc.
Ngày 7/2/2025, phóng viên Báo Đắk Nông đã nhiều lần liên hệ với lãnh đạo Hạt Kiểm lâm liên huyện Tuy Đức - Đắk R'lấp để kiểm chứng thêm về vụ việc nhưng đều không nhận được hồi âm, không trả lời điện thoại.
Ông Dương Thái Bình, Giám đốc Ban Quản lý Rừng phòng hộ vành đai biên giới cho biết, đơn vị đã tiến hành kiểm tra sự việc cắt hạ 569 cây gỗ và nhận thấy không có vấn đề gì liên quan.
Ban Quản lý cũng yêu cầu ông Nguyễn Huy Hà, Trạm trưởng Trạm Quản lý bảo vệ rừng Quảng Trực báo cáo, giải trình về vụ việc. Ông Hà phủ nhận tham gia cắt hạ 569 cây rừng. Hiện ông Hà đã có báo cáo giải trình cụ thể.
Thực tế, khu vực xảy ra vụ việc cắt hạ 569 cây gỗ chịu sự kiểm soát chặt chẽ của bộ đội biên phòng, lực lượng kiểm lâm và lực lượng quản lý bảo vệ rừng.
Vì thế, người dân không thể tự ý để vào cắt cây, khai thác, vận chuyển gỗ, đặc biệt là với khối lượng lớn, diễn ra dài ngày.
Đủ yếu tố để xử lý hình sự
Vụ phá rừng thuộc các tiểu khu 1444 và 1446, nằm trên địa bàn xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, thuộc lâm phần của Ban Quản lý Rừng phòng hộ vành đai biên giới Đắk Nông.
Tại đây, lực lượng chức năng đã phát hiện tổng cộng 569 cây gỗ có đường kính từ 12 - 52cm bị cưa hạ. Các loại cây bị đốn hạ bao gồm phượng rừng, bồm bộp, chò xót, với khối lượng gỗ bị khai thác ước tính lên tới hơn 100m³. Tuy nhiên, tại hiện trường chỉ còn lại hơn 32m³ gỗ và 30 ster củi, phần lớn gỗ đã bị tẩu tán.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Lê Trọng Yên đã ký văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan xử lý nghiêm vụ việc. Trong đó, Công an tỉnh Đắk Nông được chỉ đạo tiếp nhận hồ sơ vụ việc và đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Nông chỉ đạo Đồn Biên phòng Bu Cháp phối hợp bảo vệ hiện trường, hỗ trợ điều tra và tăng cường tuần tra biên giới nhằm hạn chế tình trạng vi phạm.
Đại diện Sở NN-PTNT Đắk Nông cho biết, đơn vị đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để điều tra làm rõ vụ việc, đồng thời sẽ xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức có liên quan nếu phát hiện sai phạm.
Hiện lực lương công an, viện kiểm sát đã vào cuộc, tiến hành thu thập chứng cứ, lấy lời khai của các bên liên quan để phục vụ công tác điều tra.
Rừng phòng hộ vành đai biên giới đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, điều hòa khí hậu, giữ gìn hệ sinh thái và bảo đảm an ninh quốc gia.
Việc phá rừng không chỉ gây thiệt hại về tài nguyên thiên nhiên mà còn ảnh hưởng đến an ninh, trật tự khu vực biên giới, tạo điều kiện cho các hoạt động xâm nhập, buôn lậu và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Theo Điều 232, Bộ luật Hình sự, hành vi khai thác trái phép gỗ trong rừng phòng hộ là rừng tự nhiên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cụ thể, đối với gỗ thuộc loài thực vật thông thường nếu khai thác từ 7 đến dưới 15m3 bị phạt tiền từ 50 triệu đến 300 triệu đồng, hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Khai thác từ 15 đến dưới 30m3 gỗ bị phạt tiền từ 300 triệu đến 1,5 tỷ đồng, hoặc phạt tù từ 2 - 7 năm. Khai thác từ 30m3 gỗ trở lên bị phạt tù từ 5 - 10 năm.
Như vậy, với hơn 32m3 gỗ do lực lượng chức năng thu giữ tại hiện trường vụ cắt phá rừng phòng hộ vành đai biên giới có thể đủ khả năng để xử lý hình sự đối với những người liên quan.
"Trường hợp bị khởi tố, người tổ chức hoặc trực tiếp cắt hạ 569 cây rừng có thể bị phạt tù từ 5 - 10 năm", một luật sư ở TP. Gia Nghĩa nhận định.
Theo H'Lai (baodaknong.vn)