Thời gian qua, dư luận tại huyện Kông Chro (Gia Lai) xôn xao trước thông tin Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Kông Chro Phan Văn Trung bao che cho người nhà là Phạm Hồng Hải phá gần 50 ha rừng tại xã Sơ Ró để trồng bạch đàn. Vừa qua, phóng viên Báo Gia Lai tiến hành tìm hiểu bản chất sự việc.
Hiện trạng đất. Ảnh: Lê Anh |
Ngày 5-3-1998, UBND tỉnh Gia Lai có Quyết định số 215/QĐ-UB về việc phê duyệt đề án quy hoạch vùng cung cấp nguyên liệu cho nhà máy ván sợi ép cường độ trung bình (MDF). Trong đó, Công ty Lâm nghiệp Kông Chro cũng được quy hoạch với hơn 6.500 ha đất trống lâm nghiệp để trồng bạch đàn cung cấp nguyên liệu cho Nhà máy MDF.
Đến nay, diện tích bạch đàn, keo lai của Công ty Lâm nghiệp Kông Chro đã trồng là 1.224 ha. Năm 2009, Công ty đăng ký với Nhà máy MDF trồng hơn 60 ha với nguồn vốn ưu đãi, nhưng sau đó do Nhà máy MDF tăng mức lãi suất nên Công ty đã tự bỏ vốn để trồng 40 ha bạch đàn. Để đảm bảo diện tích đăng ký, Công ty đã giao diện tích còn lại cho công nhân trong Công ty đăng ký bỏ vốn trồng để ăn chia sản phẩm. Ngày 15-1-2009, Công ty (bên A) đã ký hợp đồng kinh tế hợp tác liên kết trồng rừng cây nguyên liệu với ông Từ Tấn Lộc (bên B)- cán bộ phụ trách Phòng Kỹ thuật của Công ty hợp tác liên kết trồng, chăm sóc, quản lý bảo vệ diện tích 29,32 ha tại lô 2, khoảnh 3, tiểu khu 791 (thuộc xã Sơ Ró, huyện Kông Chro) để trồng bạch đàn. Theo đó, Công ty được hưởng 7 m3/ha/chu kỳ 7 năm.
Trong quá trình đầu tư, do phải bỏ ra nguồn vốn lớn nên ông Từ Tấn Lộc đã hợp tác làm ăn với ông Phạm Hồng Hải. Điều này được ông Lộc cho chúng tôi biết: “Do vốn khai hoang quá lớn, cùng với đó là tiền cây giống, phân bón, công chăm sóc… một mình không kham nổi nên tôi hợp tác với anh Hải để cùng chung vốn sau đó ăn chia sản phẩm theo mức đầu tư của từng người…”.
Để xác minh thông tin, ngày 20-10-2009, chúng tôi cùng đoàn kiểm tra liên ngành của huyện Kông Chro gồm: Công an huyện, Phòng Tài nguyên- Môi trường, Hạt Kiểm lâm huyện và UBND xã Sơ Ró đã đi xác minh hiện trường. Tham gia cùng đoàn có ông Nguyễn Đức Dũng- Phó Trưởng phòng Cảnh sát Môi trường (Công an tỉnh). Kết quả cho thấy: Diện tích này nằm ở lô 2, khoảnh 3, tiểu khu 791, trạng thái đất 1B đất trống, cây bụi, hiện ông Lộc và ông Hải mới chỉ khai hoang 22,34 ha, phía Nam giáp suối Djung, Bắc giáp rừng keo của Công ty Lâm nghiệp Kông Chro trồng năm 2004, Đông giáp đường lâm nghiệp được san ủi từ năm 1994, Tây giáp sông Po Kơ. Thảm thực vật đã san ủi chủ yếu là các loại cây bụi, cây le và một số cây gỗ bị đổ ngã có đường kính khoảng 15-30 cm. Cây gỗ chủ yếu là bằng lăng, trám trắng… có đặc điểm là bị cong, sâu bệnh, tỷ lệ phẩm chất kém còn sót lại sau nương rẫy, trong lô còn sót lại một số cây rừng, không thấy dấu hiệu phá rừng.
Đoàn kiểm tra tại hiện trường. Ảnh: Lê Anh |
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Cao Vân- Phó Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Kông Chro khẳng định: “Chúng tôi chỉ giao đất cho công nhân trong Công ty, không giao cho người ngoài. Còn việc kêu gọi đầu tư là tùy thuộc vào công nhân, chúng tôi chỉ thực hiện theo hợp đồng đã ký giữa 2 bên. Hiện nay, Công ty còn gần 5.000 ha đất trống có xen lẫn đất nông nghiệp của dân và đất bị nhiễm chất độc dioxin, trong đó gần 900 ha đất trồng cây lâm nghiệp, nên không có chuyện vì một điều gì đó mà lâm trường làm ngơ cho phá gần 50 ha rừng để trồng bạch đàn như ý kiến của một số người…”.
Như vậy, bước đầu có thể nhận định thông tin về Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Kông Chro bao che cho người nhà phá rừng trồng bạch đàn là không có cơ sở. Đề nghị các cấp, các ngành chức năng điều tra làm rõ để trấn an dư luận.
Lê Anh