Bạn đọc

Có hay không việc tiêu chết do phun thuốc?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hơn 600 trong số 750 trụ tiêu đang chuẩn bị vào mùa thu hoạch của gia đình ông Nguyễn Lắm (tổ 17, phường Yên Thế, TP. Pleiku) bỗng dưng bị thối gốc, héo lá, khô cành, chết rũ hàng loạt. Theo gia đình ông Lắm, việc tiêu chết là do sau khi phun thuốc phòng trừ bệnh được mua từ Công ty cổ phần Vật tư Nông nghiệp Bảo Đạt (xã Ia Dêr, huyện Ia Grai).  

Hơn 600 trụ tiêu nhà ông Nguyễn Lắm đã héo rũ. Ảnh: Mai Ka
Hơn 600 trụ tiêu nhà ông Nguyễn Lắm đã héo rũ. Ảnh: Mai Ka

Ông Nguyễn Lắm cho biết vườn tiêu của gia đình ông đã được 4 năm tuổi, phát triển tốt, đã thu bói được 4 tạ và chuẩn bị cho thu hoạch. Để tiêu phát triển tốt, ông đã thường xuyên phun thuốc theo hướng dẫn của kỹ sư Công ty cổ phần Vật tư Nông nghiệp Bảo Đạt (xã Ia Dêr, huyện Ia Grai). Sau nhiều lần phun thì tiêu phát triển xanh tốt. Vào đầu tháng 8-2016, ông có mua thuốc của Công ty cổ phần Vật tư Nông nghiệp Bảo Đạt gồm: Mataxyl 500WP, Map Hero 340WP và Map Supper 300EC để phun cho tiêu theo chỉ dẫn của kỹ sư Công ty. Tuy nhiên, sau lần phun này thì vườn tiêu của ông bỗng nhiên bị thối gốc và chết ồ ạt.   

“Sau khi phun thuốc được mấy ngày, tôi đi kiểm tra vườn thì phát hiện nhiều gốc tiêu bị thâm đen, thối rữa. Sau đó tiêu dần bị héo lá, khô cành, đồng loạt chết rũ. Gia đình tôi rất lo lắng trước hiện tượng này và đã báo với Công ty cổ phần Vật tư Nông nghiệp Bảo Đạt để tìm cách cứu chữa. Tuy nhiên, kỹ sư của Công ty cũng không có cách nào cứu được vườn tiêu của tôi. Hơn 600 trụ tiêu đang phủ trụ tươi tốt bỗng chốc chết rũ. Tôi chắc chắn là do thuốc phun mà tôi mua từ Công ty có vấn đề”-ông Nguyễn Lắm bức xúc, cho hay.

 

 Theo ông Lắm, sau khi phun thuốc, cây tiêu có biểu hiện thối rữa phần gốc. Ảnh: Mai Ka
  Theo ông Lắm, sau khi phun thuốc, cây tiêu có biểu hiện thối rữa phần gốc. Ảnh: Mai Ka

Bà Phan Thị Lý (vợ ông Nguyễn Lắm) đứng ngồi không yên khi nhìn hơn 600 trụ tiêu của gia đình bỗng chết trơ cành. “Bao nhiêu vốn liếng vợ chồng tôi gom góp, vay mượn nay “đổ sông, đổ bể”. Tưởng vụ thu hoạch này có thể trả bớt nợ thì tiêu chết gần hết. Vợ chồng tôi hoàn toàn suy sụp”-bà Lý xót xa kể.

Cũng theo gia đình ông Lắm thì sau khi tiêu chết, người của Công ty cổ phần Vật tư Nông nghiệp Bảo Đạt đã tới thăm vườn tiêu và hứa sẽ hỗ trợ gia đình gây dựng lại vườn tiêu. Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại, gia đình ông không nhận được sự hỗ trợ nào từ phía Công ty. Phía gia đình ông Lắm cũng còn giữ tất cả hóa đơn và vỏ các loại thuốc đã dùng để chứng minh đã dùng thuốc của Công ty.

 

Hóa đơn mua thuốc từ Công ty Cổ phần vật tư Nông nghiệp Bảo Đạt Ảnh: Mai Ka
Hóa đơn mua thuốc từ Công ty Cổ phần vật tư Nông nghiệp Bảo Đạt. Ảnh: Mai Ka

Trao đổi với phóng viên về vụ việc này, anh Đỗ Trọng Dương-đại diện Công ty cổ phần Vật tư Nông nghiệp Bảo Đạt (xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) khẳng định: Không có việc tiêu của gia đình ông Lắm chết do dùng thuốc của Công ty. Chúng tôi đã bán và hướng dẫn gia đình ông Lắm phun thuốc đúng liều lượng và đúng quy trình. Chúng tôi sẵn sàng làm đối chứng nếu gia đình cần. Hơn nữa, lúc gia đình ra mua thuốc của Công ty thì vườn tiêu của ông Lắm đã có hiện tượng bị bệnh. Chúng tôi đã đưa kỹ sư về kiểm tra vườn tiêu và cấp thuốc phòng và trị bệnh.
 

Vỏ thuốc mà gia đình ông Lắm còn giữ lại. ẢẢnh: Mai Ka
Vỏ thuốc mà gia đình ông Lắm còn giữ lại. Ảnh: Mai Ka

Cũng theo đại diện phía Công ty thì việc hứa sẽ hỗ trợ gia đình ông Lắm gây dựng lại vườn tiêu là không có. “Chúng tôi cũng muốn chia sẻ với khách hàng của mình khi họ gặp rủi ro nên sau khi xảy ra sự việc, chúng tôi chỉ nói rằng sẽ giúp đỡ gia đình ông Lắm bằng cách cho kỹ sư xuống hỗ trợ về mặt kỹ thuật khi gia đình cần. Đồng thời, Công ty chúng tôi cũng sẽ cho gia đình mua nợ phân bón khi gia đình đang gặp khó khăn”-anh Đỗ Trọng Dương cho biết thêm.

Mai Ka

Có thể bạn quan tâm