Chính trị

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Cơ hội để cán bộ, đảng viên “tự soi, tự sửa”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Kiểm điểm, đánh giá, xếp loại tổ chức Đảng và đảng viên cuối năm là một trong những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng cũng như chất lượng đội ngũ đảng viên.

Qua đó, góp phần thúc đẩy việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở từng địa phương, đơn vị, đặc biệt là khắc phục hạn chế, khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy. Những năm qua, công tác quan trọng này luôn được các cấp ủy, đảng viên trong toàn Đảng bộ tỉnh Gia Lai thực hiện nghiêm túc.

Ngày 4-10-2023, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Quy định số 124-QĐ/TW về kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hàng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị.

Trên cơ sở đó, ngày 10-11-2023, Ban Tổ chức Trung ương đã ban hành Hướng dẫn số 25-HD/BTCTW một số nội dung về kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hàng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị. Tiếp đó, ngày 11-12-2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Hướng dẫn số 03-HD/TU về kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hàng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị tỉnh.

Theo đó, các cơ quan, đơn vị đã có văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết về kiểm điểm và đánh giá, xếp loại đối với tổ chức Đảng, đảng viên và tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo quản lý hàng năm với tinh thần lấy kết quả kiểm điểm của tập thể làm cơ sở để kiểm điểm cá nhân; lấy kết quả kiểm điểm của cá nhân để bổ sung, hoàn chỉnh kiểm điểm tập thể...

Qua việc kiểm điểm, đánh giá phân loại tổ chức Đảng, đảng viên một cách khách quan, thực chất đã giúp mỗi đảng viên có ý thức “tự soi, tự sửa”, phấn đấu rèn luyện, tu dưỡng và thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của đơn vị, của mỗi đảng viên.

Lênin khẳng định: “Nếu một chính đảng nào mà không dám nói thật bệnh tật của mình ra, không dám chẩn đoán bệnh một cách thẳng tay và tìm phương cứu chữa bệnh đó thì đảng đó sẽ không xứng đáng được người ta tôn trọng”. Thực tiễn cho thấy, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, bất cứ đảng nào cũng có lúc phạm phải sai lầm. Vấn đề là đứng trước những sai lầm, mỗi đảng có thái độ ứng xử và cách thức xử lý khác nhau.

Quang cảnh hội nghị kiểm điểm công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy năm 2023. Ảnh: P.D

Quang cảnh hội nghị kiểm điểm công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy năm 2023. Ảnh: P.D

Theo Ph.Ăngghen: “Giai cấp vô sản, cũng như tất cả các đảng khác, sẽ học tập nhanh nhất qua những sai lầm bản thân, những sai lầm này không ai có thể tránh hoàn toàn cho họ được”. Vì vậy, nghiêm túc nhìn nhận sai lầm và thành thật sửa chữa khuyết điểm là cách tốt nhất để Đảng ta rút ra bài học kinh nghiệm quý giá từ chính những sai lầm của mình, giúp cho Đảng hoàn thiện chính mình và trở nên mạnh mẽ. Trong hơn 93 năm lãnh đạo cách mạng, Đảng ta đã luôn coi tự phê bình và phê bình là nguyên tắc sinh hoạt, là quy luật tồn tại và phát triển của mình.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vấn đề tự phê bình và phê bình. Người cho rằng mục đích tự phê bình và phê bình đều nhằm giúp nhau sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm, cùng nhau tiến bộ.

Theo Người, Đảng phải vận động để tự phê bình và phê bình trở thành một thói quen, một nếp sinh hoạt; không nên duy trì theo kiểu “đóng cửa bảo nhau” trong nội bộ mà phải vận động quần chúng cùng tham gia phê bình cán bộ, đảng viên và tổ chức Đảng.

Tuân thủ những nguyên tắc của chủ nghĩa Mác-Lênin và lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta luôn coi trọng tự phê bình và phê bình, coi đây là nguyên tắc sinh hoạt quan trọng để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng. Nhất là từ khi thực hiện đường lối đổi mới, nhiều nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng được ban hành và đạt nhiều kết quả ấn tượng. Trong đó, tự phê bình và phê bình luôn là nhóm giải pháp quan trọng hàng đầu.

Theo đó, mục đích của Quy định số 124-QĐ/TW, Hướng dẫn số 25-HD/BTCTW, Hướng dẫn số 03-HD/TU về kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hàng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị nhằm nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình, tự soi, tự sửa, thấy được ưu điểm để phát huy, hạn chế, thấy được khuyết điểm để khắc phục; chủ động phát hiện, ngăn chặn biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

Bên cạnh đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo, tổ chức, cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu và từng cán bộ, đảng viên; bảo đảm trung thực, công tâm, khách quan, công khai, đạt được kết quả thực chất.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XIII, việc tự phê bình và phê bình được triển khai thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, bài bản từ Trung ương đến cơ sở, từ trong cấp ủy đến mọi cán bộ, đảng viên đạt được nhiều kết quả.

Tuy nhiên, ở một số cấp ủy, tổ chức Đảng trong phê bình vẫn còn hiện tượng nể nang, né tránh, tâm lý ngại va chạm, nhất là phê bình cấp trên. Cá biệt còn có hiện tượng thiên về phê bình, coi nhẹ tự phê bình hoặc tự phê bình nhưng chỉ tập trung phân tích, luận giải những ưu điểm, kết quả, thành tích, chưa nói thẳng, nói thật, nói hết, còn giấu giếm, không dám nhận khuyết điểm; khi có khuyết điểm thì thiếu thành khẩn, không tự giác nhận. Ở một số nơi còn hiện tượng lợi dụng phê bình để chỉ trích, phê phán với động cơ, cách làm không trong sáng...

Những hiện tượng này chỉ là thiểu số, không phản ánh về bản chất, mục đích, ý nghĩa chính trị và nhân văn của tự phê bình và phê bình, càng không thể là cái cớ, là lý do để các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị xuyên tạc, phủ nhận những kết quả của hoạt động tự phê bình và phê bình của đảng viên, tổ chức Đảng các cấp trong thời gian qua.

Vấn đề này cũng đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt ra rất rõ: “Việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình cần được chuẩn bị thật chu đáo, chỉ đạo tỉ mỉ, chặt chẽ; tiến hành nghiêm túc, thận trọng; làm đến đâu chắc đến đó, đạt kết quả cụ thể, thực chất.

Hết sức tránh làm lướt, làm qua loa, hình thức, chiếu lệ. Khắc phục tình trạng xuê xoa, nể nang, thậm chí biến cuộc họp tự phê bình và phê bình thành nơi vuốt ve, ca tụng lẫn nhau; đồng thời cũng ngăn chặn, tránh tình trạng lợi dụng dịp này để “đấu đá”, “hạ bệ” nhau với những động cơ không trong sáng”.

Cùng với đó, cần bám sát những điểm mới theo Quy định số 124-QĐ/TW để xây dựng kế hoạch kiểm điểm tập thể, cá nhân; thực hiện đánh giá đa chiều, chặt chẽ, công khai, đúng quy trình, nguyên tắc, theo tiêu chí, bằng sản phẩm cụ thể, có sự so sánh giữa các vị trí tương đương và công khai kết quả... Và trong quá trình này, người đứng đầu cấp ủy phải thật sự làm gương.

Có thể nói, công tác kiểm điểm, đánh giá, xếp loại tổ chức Đảng, đảng viên cuối năm chính là dịp để mỗi tổ chức Đảng, đảng viên tự soi, tự sửa lại mình. Kết quả kiểm điểm cũng là căn cứ quan trọng để quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ; góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên…

Chính vì vậy, mỗi tổ chức đảng và bản thân mỗi cán bộ, đảng viên cần nêu cao hơn nữa tinh thần tự phê bình và phê bình, thật sự phát huy tính dân chủ trong Đảng. Có như vậy, công tác kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng tập thể, cá nhân mới thật sự nghiêm túc, thực chất, đạt hiệu quả cao.

Đặc biệt, ngay sau kiểm điểm, xếp loại chất lượng đảng viên, mỗi cấp ủy và cán bộ, đảng viên phải xây dựng kế hoạch, xác định rõ các giải pháp khắc phục hạn chế, yếu kém, khuyết điểm. Và quan trọng hơn cả vẫn là thực hiện kế hoạch đó một cách nghiêm túc, bằng tất cả tinh thần của người đảng viên chân chính.

Có thể bạn quan tâm