Kinh tế

Cơ hội để nông sản Gia Lai xuất sang châu Phi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Châu Phi là đối tác thương mại nông sản lớn của Việt Nam với các mặt hàng như: gạo, điều, cà phê, hồ tiêu, chè... Trong khi đó, đây là những nông sản thế mạnh của Gia Lai.
Tại hội thảo trực tuyến quốc tế với chủ đề “Hợp tác nông nghiệp Việt Nam-hâu Phi: Tăng cường kết nối, cùng phát triển bền vững”, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Quốc Doanh đánh giá: “Với dân số gần 1,3 tỷ người, nhu cầu nhập khẩu nông sản ngày càng tăng, châu Phi sẽ là thị trường tiềm năng và còn nhiều dư địa để phát triển, nhất là trong lĩnh vực thương mại nông sản, sản xuất và chế biến nông nghiệp. Tuy nhiên, quy mô và mức độ hợp tác còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng và mong muốn của cả hai bên do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan như: thiếu thông tin và sự hiểu biết sâu về thị trường, tập quán kinh doanh và pháp luật của nhau; xa cách về địa lý; mạng lưới các cơ quan đại diện còn thiếu, các cơ chế hợp tác song phương chưa phát huy hết vai trò trong thúc đẩy hợp tác…”. 
Xét nhu cầu thị trường và khả năng đáp ứng thực tế, Gia Lai sở hữu khá nhiều mặt hàng nông sản rất được người tiêu dùng châu Phi ưa chuộng. Toàn tỉnh hiện có gần 97.400 ha cà phê với sản lượng hơn 254.000 tấn nhân; 13.673 ha hồ tiêu với sản lượng hơn 47.000 tấn; 89.000 ha cao su với sản lượng khoảng 117.000 tấn mủ khô; 21.372 ha điều cho sản lượng 16.351 tấn; 18.180 ha cây ăn quả cung cấp hơn 252 ngàn tấn... Các mặt hàng xuất khẩu của tỉnh chủ yếu là cà phê, mì, hoa quả tươi, nước ép hoa quả, cao su và sản phẩm gỗ đã có mặt trên thị trường gần 40 quốc gia. Một số ngành hàng của tỉnh đáp ứng được yêu cầu chất lượng đối với thị trường khó tính như: Mỹ, EU, Nhật Bản… Đặc biệt, năm 2020, 2 sản phẩm của tỉnh gồm chanh dây và cà phê vinh dự là lô hàng được xuất khẩu sang thị trường EU theo Hiệp định EVFTA. 
Mật ong là một trong những đặc sản của Gia Lai. Ảnh: Hà Duy
Mật ong là một trong những đặc sản của Gia Lai. Ảnh: Hà Duy
Ông Abu Bakarr Karim-Bộ trưởng Nông Lâm nghiệp Cộng hòa Sierra Leone-cho biết: Tây Phi đang là thị trường tiềm năng cho hợp tác thương mại nông sản, nhất là sau khi Hiệp định Thương mại tự do lục địa châu Phi (AfCFTA) có hiệu lực từ tháng 1-2021. Hiện tại, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam đang được người dân khu vực này ưa chuộng như: cà phê, hạt tiêu, chè và hải sản. Trong tương lai, thông qua các dự án hợp tác phát triển nông nghiệp sẽ góp phần bảo đảm an ninh lương thực cho Sierra Leone nói riêng và các nước châu Phi nói chung.
Hiện nay, Gia Lai đang định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, tiếp tục chú trọng phát triển thị trường truyền thống cả ở nội địa và xuất khẩu. Tỉnh hiện có một số mặt hàng nông sản có thế mạnh như: tinh bột mì, đường, cà phê, cao su, hồ tiêu, mía, trái cây, bò thịt, heo thịt, mật ong cùng các sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3-4 sao. Trên địa bàn tỉnh cũng đã có một số doanh nghiệp dày dạn kinh nghiệm lẫn tiềm lực để có thể tham gia xuất khẩu nông sản vào thị trường châu Phi như: Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, Công ty cổ phần nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai, Công ty phát triển khoa học quốc tế Trường Sinh, Công ty TNHH một thành viên xuất nhập khẩu rau quả DOVECO Gia Lai, các công ty thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam...
Đóng gói sản phẩm cà phê L’amant tại Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (TP. Pleiku). Ảnh: Hà Duy
Đóng gói sản phẩm cà phê L’amant tại Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (TP. Pleiku). Ảnh: Hà Duy
Ông Thái Như Hiệp-Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp-chia sẻ: “Để đáp ứng cho hoạt động xuất khẩu, mở rộng thị trường trong tương lai, Vĩnh Hiệp rất chú trọng nguồn nguyên liệu đầu vào đạt chuẩn quốc tế, tăng cường đầu tư trang-thiết bị, máy móc phục vụ chế biến sâu, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc... Không chỉ là cho thương hiệu sản phẩm của Vĩnh Hiệp mà tôi còn mong muốn đưa nông sản Gia Lai đến với các nước trên thế giới”.
Nói về cơ hội mở rộng xuất khẩu nông sản sang thị trường châu Phi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Phước Thành cho biết: “Với tiềm năng, thế mạnh của mình, Gia Lai mong muốn được liên kết, hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp với châu Phi và đề xuất cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam-châu Phi hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp tỉnh. Đồng thời, tạo điều kiện để tỉnh có thể đưa các chuyên gia, cán bộ nghiên cứu khoa học kỹ thuật, doanh nghiệp có thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, hộ sản xuất, hợp tác xã nông nghiệp điển hình sang các nước châu Phi trau dồi, học hỏi kinh nghiệm để đầu tư. Ngược lại, tôi cũng rất mong các doanh nghiệp châu Phi sang nghiên cứu tìm hiểu thị trường tỉnh Gia Lai để thu mua, nhập khẩu các mặt hàng nông sản, khảo sát nghiên cứu đầu tư vào các lĩnh vực như: năng lượng tái tạo, chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp, du lịch”.
KIM LINH

Có thể bạn quan tâm