Kinh tế

Cơ hội đưa hàng Việt sang Campuchia

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tổ chức phiên chợ hàng Việt qua khu vực biên giới Campuchia không chỉ tạo cơ hội quảng bá và mở rộng thị trường hàng Việt ra nước ngoài mà còn thúc đẩy, phát triển quan hệ hợp tác thương mại giữa 2 nước Việt Nam-Campuchia.

Mở rộng thị trường hàng Việt

Ông Nguyễn Tấn Thành-Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Ngày 10-6-2016, UBND tỉnh đã thống nhất với đề xuất của Sở về tổ chức phiên chợ hàng Việt qua khu vực biên giới giữa huyện Đức Cơ và TP. Ban Lung (Ratanakiri, Campuhia). Đây là cơ hội để đẩy mạnh phát triển hàng Việt qua biên giới Campuchia-một thị trường đầy tiềm năng. Hiện Sở đang chuẩn bị các thủ tục, đăng ký làm việc với Sở Thương mại tỉnh Ratanakiri về việc tổ chức phiên chợ hàng Việt tại TP. Ban Lung. Dự kiến, Sở sẽ tổ chức đoàn khảo sát vào cuối tháng 7 và nếu mọi việc thuận lợi thì phiên chợ sẽ diễn ra vào tháng 11-2016. Nguồn kinh phí hỗ trợ tổ chức phiên chợ thuộc chương trình xúc tiến thương mại quốc gia 2016.

 

Nông sản được vận chuyển qua Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Ảnh: N.G
Nông sản được vận chuyển qua Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Ảnh: N.G

Là một trong những doanh nghiệp đăng ký tham dự phiên chợ hàng Việt qua khu vực biên giới, Công ty cổ phần Cà phê Classic đang lên kế hoạch chuẩn bị cho chuyến đi. Ông Nguyễn Huỳnh Phú Lâm-Giám đốc Công ty chia sẻ: Classic coffee quyết định đăng ký tham dự vì Ban Lung là đô thị năng động. Hơn nữa, đây là địa phương có cộng đồng người Việt sinh sống, sản phẩm đi vào thị trường sẽ có lượng khách hàng là người Việt ủng hộ. Hiện sản phẩm của Công ty cũng đã thâm nhập vào thị trường qua đường tiểu ngạch. Công ty mong muốn thông qua phiên chợ sẽ đưa sản phẩm vào thị trường Campuchia một cách chính thống, quy mô, phát triển chuỗi cửa hàng phân phối cà phê Classic hoặc xa hơn nữa là tìm kiếm vùng nguyên liệu, xây dựng nhà máy sản xuất, chế biến cà phê tại Campuchia. Cà phê là thế mạnh của Việt Nam có thể cạnh tranh với các nước Thái Lan, Campuchia.
 

Trong giai đoạn 2011-2015, thương mại song phương Việt Nam-Campuchia có tốc độ tăng trưởng trung bình 18,5%. Trong đó, xuất khẩu tăng trung bình 15,5%/năm, nhập khẩu 32,7%/năm. Riêng năm 2015, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa 2 nước đạt gần 3,4 tỷ USD, phấn đấu đạt kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều khoảng 6,5 tỷ USD vào năm 2020.

Cũng khá hào hứng khi nghe thông tin về phiên chợ, ông Nguyễn Ngọc Hoàng-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Hương Đất-An Phú cho biết: “Công ty hy vọng khi tham gia phiên chợ sẽ giới thiệu các mặt hàng rau củ an toàn đến khách hàng nước bạn. Công ty có vùng nguyên liệu sản xuất lớn trên 2 ha với 30 sản phẩm rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, nhiều sản phẩm chất lượng được người tiêu dùng đánh giá cao như cải bó xôi, cà chua đen, xà lách xoong...”.

Đẩy mạnh phát triển thương mại biên giới

Gia Lai là một trong những tỉnh nằm trong khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam nên có nhiều thuận lợi trong phát triển thương mại biên giới. Về giao thông, chỉ mất khoảng 3 giờ đồng hồ là đến TP. Ban Lung (tỉnh Ratanakiri, Campuhia), tương đương khoảng 177 km. Bên cạnh đó, Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh là cửa ngõ rất thuận lợi cho việc thông thương hàng hóa.

Theo báo cáo từ Cục Hải quan Gia Lai-Kon Tum, tình hình xuất nhập khẩu qua Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh thời gian qua đạt nhiều kết quả khả quan. 6 tháng đầu năm 2016, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt trên 9,324 triệu USD, kim ngạch nhập khẩu đạt 66,970 triệu USD. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như máy móc thiết bị, vật tư, hàng tiêu dùng thiết yếu, năng lượng điện…, còn hàng nhập khẩu chủ yếu là nông sản như: tiêu, mì lát, hạt điều, cao su và gỗ nguyên liệu.

Hiện nay, thị trường các tỉnh khu vực biên giới Campuchia chủ yếu là làm dịch vụ, chưa mạnh về phát triển thương mại. Vì vậy, phiên chợ hàng Việt tại tỉnh Ratanakiri sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam nói chung, doanh nghiệp Gia Lai nói riêng thâm nhập thị trường, thiết lập hệ thống phân phối hàng Việt, góp phần tăng cường mối quan hệ hợp tác kinh tế giữa 2 nước Việt Nam và Campuchia nói chung và giữa 2 tỉnh Gia Lai với Ratanakiri nói riêng.

Lê Lan

Có thể bạn quan tâm