Kinh tế

Cơ hội đưa nông sản Phú Thiện vươn xa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- “Giao lưu-kết nối-hợp tác-phát triển” là chủ đề hội nghị kết nối thúc đẩy hợp tác sản xuất với tiêu thụ nông sản, phát triển du lịch sinh thái vừa được UBND huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Hội Làm vườn Việt Nam và Hiệp hội Rau quả Việt Nam tổ chức. Hội nghị thu hút sự tham gia của hơn 30 doanh nghiệp trong cả nước. Đây được coi là cơ hội để đưa nông sản vươn xa trên thị trường.

Vùng đất giàu tiềm năng

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện Nguyễn Anh Tuấn giới thiệu sơ lược về lợi thế nông nghiệp của huyện. Theo đó, tổng diện tích sản xuất nông nghiệp khoảng 20.741 ha, trong đó, diện tích cây trồng hiệu quả gần 16.000 ha gồm: lúa, cây ăn quả, điều, mía, rau màu, thuốc lá, mì… Công trình đại thủy nông Ayun Hạ cung cấp nước tưới cho 13.500 ha đất nông nghiệp, trong đó, Phú Thiện có trên 6.600 ha lúa nước.

Năm 2019, huyện xây dựng thành công nhãn hiệu chứng nhận “Gạo Phú Thiện-Gia Lai” góp phần thúc đẩy ngành lúa gạo của địa phương phát triển với các giống lúa được chứng nhận là LH12, TBR225, OM4900. Ngoài ra, nhiều giống gạo mới chất lượng cao cũng được triển khai như: J02, RVT, Đài Thơm 8, ML48, TH6. Cánh đồng lớn một giống của huyện đạt diện tích khoảng 1.200 ha với 2.100 hộ tham gia. Năng suất lúa bình quân năm 2021 đạt 70 tạ/ha, cánh đồng một giống đạt 80 tạ/ha. Diện tích lúa đạt chứng nhận VietGAP khoảng 100 ha. Sản phẩm “Gạo Phú Thiện” của HTX Nông nghiệp Chư A Thai đóng bao bì, dán tem truy xuất nguồn gốc, bán rộng rãi ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Sắp tới, Dự án Nhà máy gạo của Công ty TNHH Kinh doanh và Chế biến Tây Nguyên triển khai trên địa bàn xã Ia Ake đi vào hoạt động sẽ tạo thuận lợi cho việc chế biến, tiêu thụ lúa gạo trên địa bàn.

Cánh đồng lúa lớn một giống của Hợp tác xã Nông nghiệp Chư A Thai (xã Ia Ake, huyện Phú Thiện). Ảnh: Hà Duy


Cùng với đó, toàn huyện có 1.760 ha mía, trong đó đã triển khai 180 ha cánh đồng mía lớn với 113 hộ tham gia. Tổng diện tích mì khoảng 7.000 ha, sử dụng các giống KM94, KM140, KM414 và KM419, năng suất bình quân đạt 10-20 tấn/ha. Diện tích rau khoảng 1.700 ha, bước đầu áp dụng thâm canh, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất hiệu quả; trong đó có 1,2 ha rau được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP; 0,7 ha rau an toàn trong nhà lưới kín. Để hỗ trợ người trồng rau tiêu thụ sản phẩm, địa phương cũng đã mở 3 quầy hàng bán rau an toàn tại chợ Phú Thiện.

Từ tiềm năng, thế mạnh của địa phương, huyện từng bước xây dựng mối liên kết 4 nhà (nhà nông, nhà nước, doanh nghiệp và nhà khoa học) trong sản xuất để hướng đến nền nông nghiệp bền vững. Trong đó, Tập đoàn Lộc Trời, Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao thực hiện liên kết sản xuất, chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn quy trình, bao tiêu sản phẩm, tạo đầu ra ổn định cho nông dân. Tuy nhiên, theo ý kiến của một số nông dân tại hội nghị, giữa doanh nghiệp và người dân vẫn còn những khúc mắc liên quan đến giá cả thu mua sản phẩm nên số lượng người dân tham gia liên kết chưa nhiều.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Anh Tuấn, mặc dù có nhiều tiềm năng phát triển, song ngành nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nên thiếu sức cạnh tranh. Bên cạnh mì, mía có đầu ra tương đối ổn định nhờ các nhà máy chế biến trên địa bàn, các loại nông sản khác thì bấp bênh đầu ra.

“Tại hội nghị lần này, huyện đề nghị các doanh nghiệp mở rộng hợp tác, liên kết, tạo đầu ra ổn định cho các sản phẩm nông sản chủ lực của địa phương như: lúa, khoai lang, ớt. Bên cạnh đó, dựa trên điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của huyện, liên kết thử nghiệm các cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao, giúp bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, tăng thu nhập. Ủy ban nhân dân huyện sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp vào liên kết sản xuất giúp nâng tầm giá trị, đưa nông sản của huyện vươn xa trên thị trường”-Phó Chủ tịch UBND huyện kỳ vọng.

Hướng tới nền nông nghiệp bền vững

Nhằm mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sạch, vấn đề sử dụng phân bón hữu cơ thay thế cho các loại phân bón hóa học được nhiều đại biểu quan tâm. Theo Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa-Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp nhiệt đới và Phó Giáo sư-Tiến sĩ Mai Thành Phụng-Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam (phụ trách phía Nam), việc lạm dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật hóa học đã gây ra quá trình “chết chậm” của ngành trồng trọt, gây suy thoái và ô nhiễm nguồn đất, nước, tích lũy kim loại nặng, tiêu diệt vi sinh vật có ích, tồn dư các chất độc hại trong đất, nước, các loại nông sản, gây độc cho cơ thể, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người. “Gạo Phú Thiện” đã được cấp nhãn hiệu chứng nhận thương hiệu, nhưng để đưa sản phẩm ra thị trường thế giới là điều không hề đơn giản, bởi thị trường các nước đòi hỏi rất cao về tiêu chuẩn chất lượng. Vì vậy, muốn vươn cao, tiến xa, ngành Nông nghiệp huyện phải có kế hoạch bài bản, giải pháp mạnh. Thực tế cho thấy, việc sử dụng phân hữu cơ cho năng suất cây trồng tương đương với phân bón hóa học, bên cạnh đó còn góp phần cải tạo đất, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng nông sản. Đây là điều mà nông nghiệp Phú Thiện cần hướng đến.

Công ty cổ phần Công nghệ thông minh MiSmart giới thiệu tính năng của máy bay phun thuốc không người lái tới các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Vũ Chi
Ông Nguyễn Thanh Bình-Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam: “Chúng ta đang hướng đến nền sản xuất hàng hóa. Vì vậy, các mặt hàng bán ra phải phù hợp, đáp ứng nhu cầu thị trường. Liên kết 4 nhà là điều kiện để đưa nông sản vươn cao, vươn xa. Hội nghị lần này là bước đệm quan trọng để nông nghiệp Phú Thiện chuyển mình, có hướng đi, chính sách hợp lý hướng đến mục tiêu phát triển bền vững trong tương lai”.

Là người gắn bó với nông dân Phú Thiện trong 2 năm gần đây, bà Lê Thị Hiệp-Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ sinh học Việt Mỹ phối hợp với Hội Nông dân huyện tổ chức hơn 50 cuộc hội thảo đầu bờ, hướng dẫn bà con xử lý dịch hại trên cây trồng bằng các loại thuốc sinh học. Với kinh nghiệm lâu năm trong sản xuất nông nghiệp, bà Hiệp khuyến cáo nông dân hãy mạnh dạn thay đổi tư duy, chuyển đổi phương thức sản xuất theo hướng hữu cơ để vừa bảo vệ môi trường, vừa bảo vệ sức khỏe chính bản thân mình. Công ty TNHH Công nghệ sinh học Việt Mỹ cam kết đầu tư 1 máy bay phun thuốc không người lái cho huyện Phú Thiện để giúp bà con giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản tại những cánh đồng một giống.

Bên cạnh đó, cơ giới hóa ngành nông nghiệp cũng được đặt ra nhằm hướng đến nền nông nghiệp bền vững. Bên lề hội nghị, ông Nguyễn Thái Việt Huy-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Công nghệ thông minh MiSmart đã cho trình diễn máy bay phun thuốc không người lái. Theo ông Huy, ứng dụng này giúp giảm 1/10 lượng nước, giảm thời gian, giảm 30% lượng thuốc, giúp nông dân tiết kiệm chi phí sản xuất. Thiết bị có trọng lượng 19,5 kg, chứa 20 lít nước, giá 398 triệu đồng, có thể phun cho 1 ha cây trồng trong thời gian 4 phút. Khi hoạt động xong, có thể tháo gọn, vận chuyển bằng xe máy dễ dàng.

Ngay tại hội thảo, một số thỏa thuận hợp tác đã được ký kết, mở ra hướng đi mới cho nông nghiệp của huyện như cam kết hợp tác giữa Hội Nông dân huyện với Công ty cổ phần Công nghệ thông minh MiSmart và giữa Công ty TNHH Công nghệ sinh học Việt Mỹ với Công ty cổ phần Công nghệ thông minh MiSmart trong việc ứng dụng công nghệ đưa máy bay không người lái vào phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Phú Thiện. Nhiều lời đề nghị hợp tác từ các doanh nghiệp để chuyển đổi cơ cấu cây trồng như trang trại Nguyễn Hoàng (tỉnh Tây Ninh) cam kết hỗ trợ 200 bó giống mì KM505 sạch bệnh; Công ty TNHH Linh Đan Ninh Thuận liên kết trồng hành tím, đậu bắp với cam kết hỗ trợ bà con về giống, kỹ thuật chăm sóc và bao tiêu toàn bộ sản phẩm; một số doanh nghiệp cam kết hỗ trợ thủ tục đăng ký chứng nhận chất lượng, an toàn thực phẩm, tư vấn quy trình, thủ tục xuất khẩu nông sản; kết nối đưa nông dân đi tham quan, học hỏi các mô hình kinh tế phát triển trên thế giới.

 

 VŨ CHI
 

Có thể bạn quan tâm