Tỉnh Kiên Giang đang chuẩn bị các bước theo quy trình, giúp quá trình thí điểm đón khách quốc tế tới Phú Quốc vào giữa tháng 11 thuận lợi, từng bước phục hồi thị trường khách quốc tế đến Việt Nam.
Bãi tắm trên đảo Phú Quốc. Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN |
Trong bối cảnh dịch COVID-19 ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước còn diễn biến phức tạp, thành phố biển đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, đứng trước nhiều cơ hội và thách thức khi thí điểm đón khách quốc tế dự kiến vào trung tuần tháng 11/2021 tới đây.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang cùng các sở, ngành chức năng, các doanh nghiệp du lịch “Đảo ngọc” đang chuẩn bị các bước theo quy trình, giúp quá trình thí điểm thuận lợi, góp phần từng bước phục hồi thị trường khách quốc tế đến Việt Nam, đồng thời đảm bảo an sinh xã hội địa phương.
Phục hồi phát triển du lịch, đảm bảo an toàn cho người dân và du khách
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang Nguyễn Lưu Trung cho biết Phú Quốc có tiềm năng, thế mạnh lớn về nhiều lĩnh vực, được nhiều tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư với các dự án du lịch tầm cỡ quốc tế đã đưa vào vận hành.
Sau một thời gian phải ngưng hoạt động vì dịch, thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, tạo cơ hội cho thành phố biển đảo cũng như tỉnh Kiên Giang khôi phục ngành Du lịch và phát triển kinh tế-xã hội. Đây là cơ hội tiếp tục quảng bá hình ảnh du lịch Phú Quốc xinh đẹp, hiện đại, an toàn, thân thiện với du khách quốc tế.
Tỉnh Kiên Giang thực hiện thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc trên tinh thần phải đảm bảo an toàn tuyệt đối về sức khỏe người dân trên đảo; trước khi thí điểm phải tiêm đủ 2 liều vaccine phòng COVID-19 để tạo kháng thể cho tất cả người dân, kể cả người lao động đang làm việc tại đảo.
Theo ông Nguyễn Lưu Trung, việc xây dựng quy trình chuẩn để khách quốc tế đến Việt Nam vừa kích cầu du lịch, phục hồi phát triển kinh tế, vừa đảm bảo an toàn cho người dân là thách thức đặt ra cho các bộ, ngành, địa phương.
Hiện Phú Quốc đã tổ chức tiêm 44.882 liều vaccine phòng COVID-19 cho người trên 18 tuổi, với 36.921 người tiêm mũi 1 (đạt 35,2% dân số), 7.961 người tiêm mũi 2 (đạt 6,13% dân số). Trong khi đó, Phú Quốc cần khoảng 300.000 liều vaccine để đạt độ phủ 100% vaccine cho người dân.
Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang Bùi Quốc Thái cho biết dự kiến 1-10/11 sẽ tổ chức diễn tập, chạy thử quy trình đón khách từ sân bay về khách sạn, trước khi chính thức đón khách quốc tế đến Phú Quốc sau ngày 10/11.
Trong giai đoạn thí điểm, dự kiến chỉ áp dụng đối với khách đi du lịch thông qua chương trình du lịch trọn gói do doanh nghiệp lữ hành tổ chức, không áp dụng đối với người nhập cảnh với mục đích khác. Khách du lịch quốc tế nhập cảnh bằng đường hàng không, thông qua các chuyến bay thuê bao (charter flight) hoặc chuyến bay thương mại.
Tỉnh Kiên Giang dự kiến chọn 7 doanh nghiệp ở Phú Quốc có quy mô 14 khách sạn tiêu chuẩn 4-5 sao với 8.000 phòng để phục vụ thí điểm đón khách quốc tế. Hiện cán bộ, nhân viên các doanh nghiệp này đã được tiêm đầy đủ 2 liều vaccine phòng COVID-19.
Ông Bùi Quốc Thái cho biết tỉnh có khoảng 900 cơ sở lưu trú, do tình hình dịch bệnh phải thực hiện giãn cách xã hội, 90% phải đóng cửa, còn lại hoạt động cầm chừng; bên cạnh đó, 6 doanh nghiệp lữ hành quốc tế và nội địa cũng phải ngưng hoạt động.
Việc đón khách quốc tế là cơ hội để kinh tế-xã hội tỉnh Kiên Giang nói chung và Phú Quốc nói riêng phát triển mạnh. Từ đó, các dịch vụ liên quan du lịch, bất động sản du lịch được hâm nóng trở lại; người lao động được đi làm, nhiều ngành nghề được phục hồi, mang đến nguồn thu cho doanh nghiệp, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang Bùi Quốc Thái cho rằng bên cạnh cơ hội là những thách thức trong việc đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Biến chủng của virus SARS-CoV-2 rất khó lường, hiện vẫn chưa có thuốc tiêm cho độ tuổi 12-17; trong khi nếu dịch bùng phát tại Phú Quốc, điều kiện y tế, công tác điều trị, thu dung hiện còn nhiều hạn chế.
Do vậy, ngành du lịch cần có nhiều phương án đề phòng, đảm bảo thực hiện nghiêm ngặt quy trình thí điểm đón khách theo đúng quy định.
“Đảo ngọc” mong chờ đón du khách
Trải qua thời gian dài “ngủ đông” vì dịch COVID-19, những người làm du lịch tâm huyết tại Phú Quốc đều nhớ nghề, nhớ du khách. Với những cơ hội và thách thức mới, họ đang tích cực chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch trước khi đón khách.
Khách sạn cao cấp tại khu Vinpearl Phú Quốc, xã Gành Dầu, huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang). Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN |
Công ty Du lịch Vina Phú Quốc Travel là một trong những công ty lữ hành tiên phong tại Phú Quốc áp dụng công nghệ, thực hiện thay đổi nâng cấp hệ thống từ quản lý, điều hành, bán hàng… trong thời đại cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Để chuẩn bị cho các hoạt động lữ hành khi Phú Quốc thí điểm đón khách quốc tế, công ty đã tiếp cận, học hỏi và hợp tác với nhiều nhà cung cấp, đơn vị chuyển đổi số; hướng nguồn nhân sự học online thêm nhiều mô hình mới, đặc biệt tạo ra chuỗi sản phẩm được bán hàng tự động.
Giám đốc Công ty du lịch Vina Phú Quốc Travel Nguyễn Vũ Khắc Huy chia sẻ: "Chúng tôi cảm thấy rất vui mừng khi Phú Quốc sắp được thí điểm đón khách quốc tế. Đây được coi là 'một liều vaccine hữu hiệu' giúp cho nhân sự của công ty phấn chấn tinh thần, chờ đợi ngày được đi làm trở lại. Việc đón khách trở lại là động lực, có thể ví như 'bình oxy' giúp doanh nghiệp du lịch hồi tỉnh.”
Hoạt động hơn hai mươi năm nay trên “Đảo ngọc,” Tổng quản lý Kim Hoa Resort Bùi Áng Văn cho biết do tình hình dịch bệnh, khu nghỉ dưỡng phải cắt giảm phần lớn nhân viên, chỉ để lại một số ít để duy trì hoạt động cầm chừng. Nhằm chuẩn bị năng lực phục vụ khi đón khách quốc tế trở lại, Kim Hoa Resort đang tiến hành tu bổ, sửa chữa cảnh quan, cơ sở vật chất… đồng thời xây dựng bộ quy trình phục vụ khách để phù hợp với tình hình mới.
Sau một thời gian dài nghỉ dịch, nhiều nhân viên dù rất nhớ nghề nhưng vẫn không thể về kịp do tình hình giãn cách xã hội ở nhiều địa phương. Kim Hoa Resort xác định sẽ phải tuyển 40% lượng nhân viên mới nên đã lên phương án huấn luyện, đào tạo, đảm bảo chất lượng phục vụ du khách.
Hiện khu nghỉ dưỡng cũng xúc tiến vay ngân hàng với các khoản vay ưu đãi để có nguồn kinh phí hoạt động trong giai đoạn thí điểm đón khách quốc tế.
Tại Saigon Phu Quoc Resort & Spa, 100% nhân viên đã được tiêm 1 liều vaccine phòng COVID-19, trong đó 50% nhân viên tiêm đủ 2 liều; dự kiến đầu tháng 10 tiêm đủ 2 mũi cho 100% người lao động của đơn vị.
Giám đốc Saigon Phu Quoc Resort & Spa Trần Quốc Vượng cho biết khu nghỉ dưỡng đã tuyên truyền, tập huấn cán bộ, nhân viên đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 theo thông điệp 5K; tiến hành phân luồng khách ở sảnh lễ tân, chuẩn bị xe đưa đón có màng ngăn giữa tài xế và khách; trang bị máy đo thân nhiệt, phun khử khuẩn; sắp xếp lại bản đồ trong khuôn viên resort, thay đổi giờ giấc làm phòng..., đảm bảo an toàn tối đa cho du khách.
Ông Trần Quốc Vượng chia sẻ: "Chúng tôi nóng lòng muốn đón khách sau một thời gian dài ngưng hoạt động. Khách trở lại, chúng tôi sẽ có doanh thu, đảm bảo công ăn việc làm cho nhân viên; cùng với đó là các dịch vụ khác đi kèm được kích hoạt, thị trường du lịch Phú Quốc sẽ sôi nổi trở lại. Tuy nhiên, cần phủ vaccine tuyệt đối cho người dân mới đảm bảo an toàn khi mở cửa đón du khách."
Theo ông Trần Quốc Khánh, tình hình dịch COVID-19 nhiều nơi còn diễn biến phức tạp, quá trình mở cửa đón khách cần diễn ra từ từ, chủ yếu hướng đến đối tượng khách hàng cao cấp, đoàn du lịch theo chuyến.
Các cơ sở du lịch nhỏ, lẻ cần thời gian tu bổ do còn gặp nhiều khó khăn sau một thời gian dài ngưng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng. Khoảng tháng 12/2021 khi vào mùa du lịch cuối năm, nếu tình hình thuận lợi, Phú Quốc mới có thể mở rộng quy mô đón khách.
Hồng Đạt (TTXVN/Vietnam+)