Cà phê là loại thức uống phổ biến. Trong cà phê có chứa caffeine - vốn là một chất kích thích, có thể làm tăng mức năng lượng, giúp cơ thể cảm thấy tỉnh táo hơn. Vì lý do này, nhiều người chọn uống cà phê để giúp duy trì năng lượng làm việc, thậm chí uống trong lúc cơ thể mệt mỏi hoặc bị bệnh.
Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến nghị bạn nên cân nhắc về việc sử dụng cà phê trong những lúc sức khỏe không tốt, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).
Nhiều người chọn uống cà phê để giúp duy trì năng lượng làm việc |
Kiểm soát lượng cà phê nạp vào cơ thể khi mệt mỏi
Khi mệt mỏi, cơ thể thường kém tập trung và mất năng lượng. Vì vậy, nhiều người cho rằng cà phê có thể giúp cơ thể tỉnh táo, tập trung hơn và duy trì năng lượng làm việc.
Tuy nhiên, ngoài các tác dụng tích cực, caffeine cũng ảnh hưởng đến giấc ngủ. Mối quan hệ này có thể tạo ra một vòng luẩn quẩn: càng uống nhiều cà phê, cơ thể càng khó đi vào giấc ngủ, từ đó cơ thể càng mệt mỏi và có thể muốn uống thêm cà phê để lấy năng lượng. Do đó, bạn cần kiểm soát lượng cà phê nạp vào cơ thể khi mệt mỏi.
Những trường hợp nên hạn chế dùng cà phê
Đối với người khỏe mạnh, khi tiêu thụ cà phê ở mức vừa phải mang lại một số lợi ích sức khỏe vì nó giàu chất chống oxy hóa.
Tuy nhiên, cà phê cũng có thể có một số tác động tiêu cực. Caffeine trong cà phê có tác dụng lợi tiểu, nghĩa là caffeine có thể hút chất lỏng ra khỏi cơ thể và khiến bạn bài tiết nhiều chất lỏng hơn.
Do đó, nếu bị nôn mửa hoặc tiêu chảy, bị cúm, cảm lạnh nặng hoặc ngộ độc thực phẩm, bạn nên hạn chế dùng cà phê.
Ngoài ra, những người bị loét dạ dày hoặc gặp các vấn đề về tiêu hóa nên thận trọng khi uống cà phê. Theo một nghiên cứu trên 302 người bị loét dạ dày, hơn 80% người tham gia cho biết họ bị đau bụng hơn sau khi uống cà phê.
Bên cạnh đó, cà phê cũng tương tác với một số loại thuốc. Do đó, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ về việc uống cà phê trong quá trình uống thuốc do bác sĩ kê đơn.