Pháp luật

Tin tức

Cơ quan chức năng vào cuộc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Dây dưa đã 3 năm qua mà nạn lấn chiếm đất của một số hộ dân  thuộc các xã Tú An, Cửu An và Xuân An (thị xã An Khê) trên vùng rừng giáp ranh thuộc địa bàn huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định) do Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn quản lý vẫn chưa ngã ngũ. Sau khi báo Gia Lai có bài phản ánh về vấn đề này, ngày 23-12 vừa qua, ngành chức năng của 2 tỉnh Bình Định và Gia Lai đã ngồi lại với nhau, phân tích nguyên nhân và đề ra giải pháp tháo gỡ. 
Sự có mặt đông đủ của lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Nội vụ và  ngành Kiểm lâm 2 tỉnh; lãnh đạo UBND cùng Công an thị xã An Khê (Gia Lai) và UBND huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định); lãnh đạo các địa phương có người dân vi phạm và đơn vị chủ rừng (Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn) tại cuộc họp, chứng tỏ sự quyết tâm giải quyết rốt ráo vấn đề của 2 tỉnh Bình Định và Gia Lai.
Cuộc họp với đầy đủ các ngành liên quan giữa 2 tỉnh Bình Định-Gia Lai để giải quyết vụ việc. Ảnh: T.Đ.L
Ông Võ Văn Cường- Giám đốc Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn trình bày: Sau khi thực hiện Chỉ thị 364/CT (ngày 6-11-1991) của Thủ tướng Chính phủ nhằm giải quyết tranh chấp có liên quan tuyến ranh giới hành chính các cấp, theo đó, Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn (Bình Định) đã trả lại cho Gia Lai 531,03 ha đất rừng thuộc địa bàn huyện Kbang và tiếp nhận lại từ phía Gia Lai 840 ha thuộc địa bàn giáp ranh 3 xã Cửu An, Tú An và Xuân An thuộc thị xã An Khê.
Tuy nhiên, vào năm 2005, UBND tỉnh Bình Định đã có Công văn số 2133/UBND-TH ngày 28-7-2005 chỉ đạo không thu hồi lại 403 ha trong số 840 ha, số diện tích này để lại cho người dân 3 xã Tú An, Xuân An và Cửu An tiếp tục sản xuất. Gần 440 ha thu hồi từ phía Gia Lai được giao cho Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn quản lý với mục đích trồng rừng. Sau khi bồi hoàn thiệt hại về tài sản cho các hộ dân ở xã Tú An với tổng số tiền đền bù hơn 201 triệu đồng và 41 hộ của xã Cửu An số tiền hơn 147 triệu đồng, từ năm 2010 đến nay Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn đã tiến hành trồng rừng sản xuất tại các tiểu khu 210, 217 (giáp ranh xã Tú An) và tiểu khu 226 (giáp ranh xã Cửu An).
Thế nhưng sau khi Công ty khai thác rừng tại các khu vực nói trên, tiến hành trồng lại rừng thì bị một số hộ dân ở những vùng giáp ranh thuộc thị xã An Khê ngăn chặn. Sự việc tái diễn nhiều lần, thậm chí những hộ dân này còn manh động phá toàn bộ cây giống vừa trồng, bất chấp sự can thiệp của chính quyền các xã Tú An, Cửu An, Xuân An và Công an thị xã An Khê.
Ông Mang Viên Tý- Trưởng phòng Kinh tế thị xã An Khê cho  biết: “Tôi thấu đáo vụ việc này từ ban đầu, chuyện lấn chiếm xuất phát từ 25 hộ dân của thôn An Thạch (xã Xuân An) thế nhưng sau đó không được giải quyết tới nơi tới chốn, tạo tâm lý “lờn mặt” cho những đối tượng vi phạm dẫn tới những hành vi manh động sau này. Cơ sở giải quyết không xong, báo cáo lên cấp trên thì bị “chìm” nên mãi đến nay vẫn còn tồn tại”.
Ông Lê Lợi- Phó Trưởng Công an thị xã An Khê thừa nhận: “Chúng tôi đã từng phối hợp với Công an huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định) đến tận hiện trường lúc dân đang ngăn cản không cho Công ty Lâm nghiệp Sông Kôn trồng rừng, nhưng đối tượng vi phạm rất đông lại có hành vi quá khích nên chúng tôi đành “bó tay”. Họ nói lý do không có đất sản xuất nên phải giành lại đất”.
Về vấn đề đất sản xuất, ông Nguyễn Văn Ninh- Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh nói: “Theo biên bản thỏa thuận giữa lãnh đạo 2 tỉnh Bình Định và Gia Lai (ngày 10-5-2002), đối với những hộ do thu hồi đất mà không có đất sản xuất, nếu thị xã An Khê không bố trí được đất thì những hộ này làm đơn có xác nhận của chính quyền địa phương, Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn sẽ bố trí đất sản xuất theo bình quân của địa phương. Thế nhưng từ đó đến nay chúng tôi chưa nhận được đơn xin đất của dân”. Tuy nhiên, theo lãnh đạo các địa phương thì không hề có chuyện dân thiếu đất sản xuất.
Ông Nguyễn Xuân Dân- Phó Chủ tịch UBND xã Xuân An bộc bạch: “Chúng tôi đã cho điều tra những hộ tham gia giành đất và xác định không hộ nào thiếu đất sản xuất, thậm chí nhiều hộ đang sở hữu từ 5 ha đến 7 ha đất. Nguyên nhân dẫn tới chuyện giành đất là vì đất ở đó màu mỡ, ít đồi dốc, phù hợp với trồng mì hoặc mía. Giành được 1 ha đất trồng mía, thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng, ai không trồng thì bán lại cũng được nhiều tiền nên họ bất chấp. Địa phương chúng tôi đã có không dưới 20 cuộc họp đẩy mạnh tuyên truyền cho bà con hiểu nhưng vô hiệu”.
Ông Trần Quang Khanh- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Gia Lai kiên quyết: “Nếu chuyện thiếu đất sản xuất không phải là nguyên nhân chính dẫn đến vụ việc thì các ngành chức năng phải xác định lại nguyên nhân để có giải pháp phù hợp”. Ông Mang Viên Tý- Trưởng phòng Kinh tế thị xã An Khê hiến kế: “Không phải tất cả những hộ dân tham gia giành đất đều xấu, hầu hết họ bị một số phần tử xấu kích động. Trước tiên, ngành chức năng phải theo dõi, phân loại đối tượng, sau khi nhận diện được những kẻ “cầm chịch”, đề nghị xử lý theo pháp luật”.
Ông Lê Lợi- Phó Trưởng Công an thị xã An Khê nói thêm: “Từ nay, nếu tình trạng ngăn chặn hoặc phá phách việc trồng rừng của Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn còn diễn ra thì đề nghị Công an huyện Vĩnh Thạnh bắt những đối tượng ấy, chuyển hồ sơ qua chúng tôi xử lý”. Hy vọng với những quyết tâm trên, vùng rừng giáp ranh Gia Lai-Bình Định sẽ bình yên trở lại.
Trần Đăng Lâm

Có thể bạn quan tâm