Xã hội

Có thể bảo lãnh xe bị tạm giữ do vi phạm giao thông từ 1/5/2020

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Từ ngày 1/5/2020, phương tiện tham gia giao thông bị tạm giữ do vi phạm hành chính có thể được bảo lãnh khỏi nơi tạm giữ nhưng không được sử dụng tham gia giao thông.
Đó là một trong những nội dung quan trọng của Nghị định 31/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 115/2013/NĐ-CP quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính.
Từ 1/5, có thể bảo lãnh xe bị tạm giữ do vi phạm giao thông. Ảnh minh họa.I.T
Cụ thể, phương tiện giao thông vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tạm giữ thì tổ chức, cá nhân vi phạm có thể được giao giữ, bảo quản phương tiện dưới sự quản lý của cơ quan, của người có thẩm quyền tạm giữ (trừ trường hợp xe là tang vật vụ án hình sự, xe để đua xe trái phép, giấy tờ xe bị làm giả...) nếu cá nhân, tổ chức vi phạm có 1 trong 2 điều kiện.
Thứ nhất, người vi phạm có nơi đăng ký thường trú hoặc có đăng ký tạm trú còn thời hạn, hoặc có giấy xác nhận về nơi công tác của cơ quan, tổ chức (có địa chỉ rõ ràng) nơi cá nhân vi phạm đang công tác. Tổ chức, cá nhân phải có nơi giữ, bảo quản phương tiện.
Thứ hai, tổ chức, cá nhân vi phạm có khả năng tài chính đặt tiền bảo lãnh.
Trường hợp này, người vi phạm phải làm đơn gửi cơ quan có thẩm quyền tạm giữ đề nghị được giữ, bảo quản phương tiện. Khi gửi đơn phải gửi kèm bản chính hoặc bản sao (công chứng, chứng thực hoặc có bản chính đối chiếu) sổ hộ khẩu/sổ tạm trú hoặc chứng minh nhân dân/Căn cước công dân hoặc giấy xác nhận nơi công tác.
Tổ chức, cá nhân vi phạm trong thời gian được giao giữ, bảo quản phương tiện vi phạm không được phép sử dụng phương tiện vi phạm đó tham gia giao thông; không được tự ý thay đổi nơi giữ, bảo quản phương tiện vi phạm, nếu không có sự đồng ý bằng văn bản của người có thẩm quyền tạm giữ.
Nếu không chấp hành đúng quy định thì người có thẩm quyền tạm giữ phương tiện xem xét, quyết định chuyển phương tiện vi phạm đó về nơi tạm giữ của cơ quan của người có thẩm quyền tạm giữ.
Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/5/2020.
Theo Bảo Linh (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm