Luật Hải cảnh mới của Trung Quốc bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1.2.2021.
Tàu hải cảnh Trung Quốc - Ảnh: Độc Lập |
Điều 19 của luật này trao quyền cho lực lượng hải cảnh bao gồm cả việc sử dụng vũ khí, khi chủ quyền quốc gia, quyền chủ quyền và quyền tài phán bị các tổ chức hoặc cá nhân nước ngoài xâm phạm bất hợp pháp trên biển hoặc đối mặt với nguy cơ sắp bị xâm phạm bất hợp pháp.
Vấn đề đáng lo ngại là Trung Quốc luôn đưa ra các tuyên bố cho rằng hầu hết Biển Đông cũng như một phần lớn của biển Hoa Đông là vùng biển thuộc chủ quyền của Trung Quốc - dù không có căn cứ và không được quốc tế thừa nhận. Trong bối cảnh đó, nhiều người lo ngại Trung Quốc sẽ cố tình viện dẫn các tuyên bố hàm hồ như vậy để sử dụng lực lượng cảnh sát biển nhằm thực hiện các mục tiêu chính trị của họ.
Một số nước ven biển cũng cho phép lực lượng cảnh sát biển sử dụng vũ khí trong một số tình huống nhất định, nhưng Trung Quốc lại có cách hành xử tùy tiện đối với ngư dân và tàu thuyền các nước khác trong những năm gần đây. Và chính sự không rõ ràng trong quan điểm của Trung Quốc đang làm dấy lên quan ngại sâu sắc đến các quốc gia liên quan.
Hải cảnh Trung Quốc cũng được huy động để hỗ trợ “lực lượng dân quân biển” của Trung Quốc, gồm các tàu đánh cá có vũ trang mà nước này sử dụng để thiết lập sự hiện diện ở các vùng biển tranh chấp. Vào tháng 4.2020, tàu hải cảnh Trung Quốc đã đâm chìm một tàu cá Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Để đối phó với các hành động của lực lượng hải cảnh Trung Quốc trên vùng biển quốc tế hoặc thuộc quyền chủ quyền của các quốc gia ven biển như Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Philippines thì một mặt các quốc gia này cũng cần tăng cường sức mạnh lực lượng cảnh sát biển của mình để có thể bảo vệ được ngư dân của mình.
Mặt khác, nếu các tàu của lực lượng hải cảnh Trung Quốc xâm phạm vùng biển thuộc quyền chủ quyền của các quốc gia này thì các quốc gia này có thể sử dụng biện pháp pháp lý là khởi kiện ra Tòa án quốc tế để khẳng định rõ quyền của hải cảnh Trung Quốc tới đâu theo luật quốc tế. Đây là biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp, không làm leo thang tình trạng xung đột vũ lực tại khu vực biển này.
Theo Hoàng Việt (TNO)