"Cổ tích" hoa muồng vàng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Chiêm ngưỡng vẻ đẹp rực rỡ của hoa muồng vàng thôn Tây Hồ (xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông), không ít người tự hỏi: Loài hoa này đến từ đâu? Vì sao chúng xuất hiện trên những nương trà gần trăm năm tuổi?

 

1. Hoa muồng vàng là cây A Sia-một sản phẩm nông nghiệp của người Pháp trong quá trình khai thác thuộc địa bàn Tây Nguyên. Sử liệu ghi lại: Năm 1923, người Pháp lập nên đồn điền chè Bàu Cạn với tên gọi “Compagnie Agricole des Thé Et Café du Kontum Annam” (gọi tắt là CATECKA) để trồng, kinh doanh các loại cây công nghiệp như: chè, cà phê, ca cao. Tuy nhiên, mãi đến những năm 1927-1930, người Pháp mới chính thức bắt tay trồng thử nghiệm những vườn chè và cà phê đầu tiên. Các năm trước đó, họ chỉ dành tập trung cho công tác quy hoạch, khảo sát thổ nhưỡng, khí hậu và xây dựng hệ thống hạ tầng cơ sở.

 Hoa muồng vàng ở thôn Tây Hồ (xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông). Ảnh: HOÀNG QUỐC VĨNH
Hoa muồng vàng ở thôn Tây Hồ (xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông). Ảnh: HOÀNG QUỐC VĨNH



Các vườn chè của người Pháp được trồng qua nhiều giai đoạn: 1930-1937, 1940-1943, 1949-1953 và 1959-1967. Tổng cộng, người Pháp đã quy hoạch và trồng 18 vườn chè (bao gồm các giống chè Shan, Shan tuyết, Asam, Trung du, Trung Quốc…) với tổng diện tích khoảng 580 ha, phân bố tương đối đều ở các khu vực thuộc xã Bàu Cạn hiện nay. Riêng cà phê, theo số liệu cũ để lại thì đến cuối năm 1929 đã trồng được 62,5 ha. Theo ông Nguyễn Ngọc Minh-Trưởng phòng Kế hoạch nông nghiệp (Công ty cổ phần Chè Bàu Cạn)-người có hơn 28 năm gắn bó với Công ty: Những vườn chè của người Pháp đều được trồng và chăm sóc với kỹ thuật cao. 2 loại cây được trồng để che bóng mát và chắn gió là muồng đen và muồng hoa vàng (cây A Sia).

2. A Sia là một “cỗ máy xử lý môi trường”. Theo ông Minh, cây muồng đen và cây hoa muồng có hệ thống rễ cọc ăn sâu vào đất nên không tranh chấp dinh dưỡng với cây chè. Như nhiều loài cây cùng họ, muồng vàng có vai trò đặc biệt trong việc cải tạo đất, hạn chế sự tấn công của các loài sâu bệnh hại trong đất và không khí. Các lớp rễ trên bề mặt của cây A Sia với những khối u sần hoạt động như những cỗ máy xử lý đất tự nhiên, cải tạo lý-hóa tính của đất, tiêu diệt tuyến trùng gây hại. Nhờ thế, lớp đất bề mặt quanh cây A Sia luôn tơi xốp, thoáng khí, giữ ẩm tốt và hạn chế nguy cơ bị rửa trôi, xói mòn đất. Ngoài ra, vào mùa khô, A Sia còn góp phần hạn chế tối đa sự tấn công, gây hại từ loài nhện đỏ. “Cây hoa muồng được trồng tại khu vực vườn 12 (đội 2) và các vườn 18A-18B (đội 3) của Công ty cổ phần Chè Bàu Cạn, tổng diện tích khoảng 58 ha. Qua khảo sát, mật độ trồng cây muồng không đồng đều. Chúng tôi cho rằng, mật độ và số lượng cây hoa muồng vàng được trồng dựa trên thông số lý-hóa đất và đặc biệt là mật độ tuyến trùng có trong đất mà người Pháp đã dày công khảo sát, nghiên cứu trước khi đưa vào quy hoạch trồng trà”-ông Minh chia sẻ thêm.

3. Qua hàng chục năm tồn tại, cứ mỗi độ gió mùa khô bắt đầu thổi về trên vùng đất cao nguyên, hoa muồng lại khoe sắc vàng rực rỡ trên những nương chè. Tuy nhiên, phải đến khi trào lưu du lịch check-in lan tỏa rộng rãi, những bức ảnh chụp hoa muồng vàng rực rỡ mới thực sự tạo “cơn sốt” trên truyền thông và các trang mạng xã hội. Tiềm năng du lịch từ vẻ đẹp hoa muồng vàng chính thức được khai phá. Hoa muồng vàng nở rực rỡ trên những đồi chè thơ mộng ven hồ ở thôn Tây Hồ đã thu hút hàng ngàn lượt du khách tìm đến. Sức hút từ loài hoa này lớn đến độ, huyện Chư Prông đã nhanh chóng nắm bắt và năm 2019 lần đầu tiên đã tổ chức “Ngày hội hoa muồng vàng”, thu hút trên 5.000 du khách đến tham dự, thưởng lãm. Được biết, chính quyền và ngành chuyên môn địa phương đã lên kế hoạch tổ chức lễ hội hoa muồng vàng định kỳ hàng năm để xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng cho địa phương, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng ngành “công nghiệp không khói”.

 

 HẢI LÊ