Chính trị

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Cờ Tổ quốc ở Trường Sa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mới đây, Bảo tàng tỉnh Gia Lai sưu tầm được 1 lá cờ Tổ quốc do đoàn công tác của tỉnh đi thăm Trường Sa về trao tặng. Những câu chuyện ý nghĩa xung quanh chuyến đi này được ông Vũ Tiến Anh-Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh chia sẻ với chúng tôi.

Ông Vũ Tiến Anh kể: Từ ngày 17 đến 24-4-2024, đoàn công tác số 9 do Trung tướng Nguyễn Văn Bổng-Chính ủy Quân chủng Hải quân làm trưởng đoàn đã nhận lệnh xuất phát đến thăm, tặng quà, động viên cán bộ, chiến sĩ và người dân huyện đảo Trường Sa. Đoàn công tác có 194 đại biểu, gồm các đoàn của Trung ương, địa phương, các đơn vị, tổ chức… và phóng viên báo, đài. Đoàn công tác của tỉnh Gia Lai đi Trường Sa lần này có 15 thành viên.

Trước khi lên tàu ra Trường Sa, đoàn công tác số 9 đã tổ chức lễ dâng hương, dâng hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Đài tưởng niệm liệt sĩ Gạc Ma (xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa) và tham quan khu tưởng niệm. Ông Vũ Tiến Anh cho biết: Ngoài vòng hoa chung của đoàn công tác số 9, ông đã cẩn thận đặt riêng 1 vòng hoa của đoàn Gia Lai để viếng anh linh 64 anh hùng liệt sĩ Gạc Ma. Khi đến Trường Sa, đoàn công tác được người dân huyện đảo nồng nhiệt chào đón.

Ông Vũ Tiến Anh (ở giữa)-Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh ngắm nhìn cờ Tổ quốc trước khi trao tặng cho Bảo tàng tỉnh. Ảnh: Ngọc Duẩn

Ông Vũ Tiến Anh (ở giữa)-Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh ngắm nhìn cờ Tổ quốc trước khi trao tặng cho Bảo tàng tỉnh. Ảnh: Ngọc Duẩn

“Trong cuộc gặp mặt và trao quà tại trụ sở chỉ huy đảo, tôi mạnh dạn đề nghị Trung tá Trần Quang Phú-Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa tặng cho Nhân dân Gia Lai 1 lá cờ đang treo bên ngoài trụ sở. Nghe tôi nói, Trung tá Phú đồng ý ngay. Sau khi cờ được hạ xuống, Trung tá Phú ghi tặng dòng chữ: “Đảo Trường Sa 4/2024. Kính tặng” và ký tên, đóng dấu của Chỉ huy đảo lên lá cờ”. Món quà giản dị, mộc mạc nhưng ý nghĩa vô cùng. Các thành viên trong đoàn Gia Lai không kìm được niềm xúc động, chuyền tay nhau lá cờ Tổ quốc thiêng liêng nhuốm màu nắng, gió Trường Sa và gấp lại cẩn thận. Lá cờ mang trong mình hình ảnh Trường Sa thân yêu, mảnh đất thiêng liêng và hiên ngang nơi cực Đông của Tổ quốc.

Lá cờ Tổ quốc do Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa tặng đoàn công tác Gia Lai đã bị sứt chỉ, sờn hết mép ngoài, nhưng vẫn còn giữ được màu sắc tươi tắn. Theo Trung tá Trần Quang Phú, ở Trường Sa, cờ Tổ quốc treo nơi đầu sóng, ngọn gió trong điều kiện thời tiết, khí hậu vô cùng khắc nghiệt, thường xuyên có gió giật nên chỉ vài ngày là bị sờn rách. Chính vì vậy, cán bộ, chiến sĩ trên đảo phải thường xuyên thay cờ mới. Những lá cờ cũ khi hạ xuống đều được cất giữ cẩn thận để tặng cho các đoàn công tác ra thăm Trường Sa. Vậy nên, ở Trường Sa có thể thiếu thốn nhiều thứ, nhưng cờ Tổ quốc thì không bao giờ thiếu.

Mỗi lá cờ tung bay trên đảo đều thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và cả máu của biết bao thế hệ cha ông trong cuộc đấu tranh giữ gìn biển đảo. Điển hình như trong trận hải chiến Gạc Ma ngày 14-3-1988, Thiếu úy Trần Văn Phương-Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma đã anh dũng hy sinh khi giành lại lá cờ Tổ quốc cắm trên đảo. Trước khi ngã xuống, Thiếu úy Phương còn hô lớn: “Hãy để máu chúng ta nhuộm đỏ Biển Đông chứ cương quyết không để mất đảo”. Để hôm nay, khi đến với Trường Sa, nhìn từ biển, hình ảnh đầu tiên chúng ta thấy trước khi lên đảo chính là lá cờ Tổ quốc hiên ngang trong nắng gió, tung bay trên cột mốc chủ quyền.

Nói về kỷ niệm sâu sắc nhất với Trường Sa, ông Vũ Tiến Anh xúc động bày tỏ: “Điều đặc biệt thiêng liêng, để lại ấn tượng sâu sắc nhất đối với tôi là khi được tham gia lễ chào cờ giữa muôn trùng biển khơi ở Trường Sa. Trong tiếng sóng vỗ rì rào, giai điệu hùng tráng của bài Tiến quân ca vang lên. Đoàn công tác cùng những người lính đảo đứng nghiêm trang nhìn lá cờ đỏ sao vàng năm cánh tung bay trong gió, hát vang Quốc ca. Mỗi khi nhớ lại, tôi vẫn thấy phút giây đó thật xúc động nghẹn ngào”.

Ông Vũ Tiến Anh chia sẻ thêm, ông luôn thấy mình may mắn khi được cùng đoàn công tác của tỉnh đến thăm cán bộ, chiến sĩ và người dân huyện đảo Trường Sa. May mắn hơn, trong chuyến đi này, ông mang được một kỷ vật vô giá từ Trường Sa về với Gia Lai và đã liên hệ với Bảo tàng tỉnh để trao tặng.

Đối với những người làm công tác bảo tàng, chúng tôi thiết nghĩ, đây là hiện vật rất quý, có ý nghĩa giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần bảo vệ, giữ gìn chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc cho người dân và du khách khi đến tham quan Bảo tàng tỉnh. Chúng tôi sẽ sớm hoàn thành các khâu nghiệp vụ để đưa lá cờ Tổ quốc được mang về từ Trường Sa ra trưng bày, giới thiệu đến công chúng.

Có thể bạn quan tâm