Cá tra vốn được mệnh danh là con cá "tỉ đô" với doanh thu xuất khẩu lên đến 2 tỉ USD/năm nhưng tiêu thụ tại thị trường nội địa còn rất khiêm tốn
Việc phát triển thêm thị trường nội địa với 100 triệu dân được kỳ vọng sẽ là trụ đỡ cho ngành công nghiệp nuôi và chế biến cá tra ở những thời điểm xuất khẩu khó khăn như hiện nay.
Xuất khẩu gặp khó
Do tác động xấu của đại dịch Covid-19, xuất khẩu cá tra trong quý I vừa qua chỉ đạt 334 triệu USD, giảm đến 29,3% so với cùng kỳ năm 2019. Xuất khẩu khó khăn không chỉ khiến các doanh nghiệp (DN) gặp khó mà người nuôi cũng lao đao khi phải bán cá nguyên liệu dưới giá thành. Trong chuyến làm việc với tỉnh An Giang ngày 7-5 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã gợi ý các DN ngoài tập trung phát triển thị trường xuất khẩu mới phải hướng đến thị trường nội địa. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nếu khai thác tốt thị trường nội địa, DN có thể tiêu thụ được 10%-20% sản lượng và giảm áp lực xuất khẩu.
Không phải đợi đến khi xuất khẩu khó khăn DN cá tra mới tìm về thị trường nội địa mà công cuộc "chinh phục sân nhà" đã diễn ra trong vài năm trở lại đây. Cuối năm 2018, Công ty CP Gò Đàng (Bến Tre) đã tung hàng loạt sản phẩm cá tra, basa chế biến lên các kệ hàng của hệ thống bán lẻ Bách Hóa Xanh, Co.opmart và sau đó là Big C. Ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc Công ty CP Gò Đàng, cho biết đến nay, tỉ lệ cung cấp nội địa đã chiếm 5% sản lượng của DN. Những mặt hàng bán chạy là cá viên và cá tẩm bột. Sắp tới, DN sẽ phát triển thêm sản phẩm mới là cá phi-lê mát, cá kho tộ và bao tử cá chua ngọt.
Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, đánh giá việc các DN xuất khẩu phát triển thêm thị trường nội địa là bước đi đúng hướng, tránh tồn hàng khi xuất khẩu khó khăn. "Mỗi năm, Việt Nam nuôi khoảng 1,2 triệu tấn cá tra, tương đương khoảng 500.000 tấn cá phi-lê. Theo thống kê, có đến 92% cá tra được xuất khẩu dạng phi-lê, 8% còn lại là các sản phẩm chế biến sâu và bán nội địa cho thấy thị phần nội địa còn rất nhỏ. Dân số Việt Nam khoảng 100 triệu người, chỉ cần mỗi người 1 năm ăn 1 kg cá phi-lê là lượng tiêu thụ đã lên đến 100.000 tấn, tương đương 20% sản lượng sản xuất. Điều này cho thấy thị trường nội địa vẫn còn nhiều dư địa để khai thác" - ông Quốc nhìn nhận. Tuy nhiên, theo ông Quốc, thực tế thời gian qua, các DN chỉ tập trung vào xuất khẩu nên chưa xây dựng được kênh phân phối nội địa. Bên cạnh đó, để xây dựng được kênh này phải đầu tư ban đầu nhiều nhưng đến nay nhà nước chưa có chính sách cụ thể cho DN.
Cá tra bán tại phiên chợ Xanh Tử tế ở TP HCM. Ảnh: Ngọc Ánh
Tìm "gu" người Việt
Theo ông Nguyễn Văn Đạo, doanh số bán hàng nội địa của DN có tăng nhưng chậm do DN chuyên làm hàng xuất khẩu nên mất nhiều thời gian cho thủ tục để đưa hàng hóa ra lưu thông ở thị trường trong nước. Một hạn chế nữa là trước nay, DN chế biến cá theo khẩu vị của Nhật Bản, Hàn Quốc… theo yêu cầu của nhà nhập khẩu. Khi quay về nội địa, DN phải mất thời gian tìm tòi, nghiên cứu để tìm ra "gu" của người Việt. "Một trở ngại lớn trong tiếp cận thị trường là giá sản phẩm chỉ rẻ ở cổng nhà máy, các chi phí bảo quản, vận chuyển đến nơi bán lẻ rất lớn nên giá bán đến người tiêu dùng còn cao" - ông Đạo trăn trở.
Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Sài Gòn Food - DN có kinh nghiệm trong việc phân phối thủy hải sản nội địa, cho hay 10 năm gần đây, người tiêu dùng Việt Nam ăn cá nhiều hơn và chấp nhận hàng đông lạnh. "Cá tra không phải là mặt hàng thế mạnh của Sài Gòn Food, công ty chủ yếu sử dụng cá tra làm nguyên liệu trong các mặt hàng chế biến như: cá viên, lẩu… Chuyện cá tra nuôi mất vệ sinh đã rất xa xưa, bây giờ cá nuôi công nghiệp, được thế giới chấp nhận thì người Việt cũng ăn bình thường, không có gì trở ngại" - bà Lâm nhận xét.
Về chất lượng cá tra bán ở thị trường nội địa, bà Lâm cho biết trước nay đã có một lượng lớn cá tra bán ra thị trường nội địa là cá vụn (phần dư khi cắt tỉa tạo hình phi-lê), cá rớt size xuất khẩu (quá lớn hoặc quá nhỏ) nhưng vẫn bảo đảm chất lượng.
Theo ông Dương Nghĩa Quốc, sở dĩ cá tra xuất khẩu đến 140 quốc gia, mang về hàng tỉ USD mỗi năm là nhờ đáp ứng cả 3 yếu tố ngon - bổ - rẻ. Vì vậy, Hiệp hội Cá tra rất kỳ vọng mặt hàng này sẽ có chỗ đứng xứng đáng ở sân nhà.
Lợi thế giá rẻ, dễ chế biến Tại phiên chợ Xanh Tử tế (đường Pasteur, quận 3, TP HCM) họp định kỳ vào mỗi cuối tuần gần đây xuất hiện thêm tủ đông bán hàng của một thương hiệu cá tra chuyên xuất khẩu ở Đồng Tháp và đã có nhiều khách quen đến mua. Chị Trần Thùy Linh (ngụ quận 7, TP HCM) cho hay thường mua từ 2-3 kg cá tra phi-lê đông lạnh để dùng trong tuần. "3 kg cá là 250.000 đồng, chỉ bằng 1 kg sườn non heo lúc này, lại rất dễ chế biến, có thể kho, tẩm bột chiên, nấu canh đều được. Món này không có xương nên hợp với nhà có trẻ em hay người già" - chị Linh chia sẻ. |
NGỌC ÁNH (NLĐO)