Kinh tế

Doanh nghiệp

"Cơn đau đầu" của doanh nghiệp vận tải khi hoạt động trở lại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nới lỏng giãn cách xã hội, từng bước phục hồi lại các hoạt động kinh tế là tin vui đối với các doanh nghiệp vận tải, nhưng cũng là "cơn đau đầu" đối với chủ những doanh nghiệp này.

Doanh nghiệp vận tải "đau đầu"

Hà Nội và các địa phương đang tiến dần nới lỏng giãn cách xã hội, lên kịch bản để phục hồi hoạt động kinh tế, các doanh nghiệp vận tải từng bước chuẩn bị hoạt động trở lại, nhưng rất "đau đầu" vì thiếu nhân viên, lái xe.

Các doanh nghiệp đang lên kịch bản sớm đưa vận tải hành khách hoạt động trở lại một cách an toàn nhất, đảm bảo ở cấp độ dịch thế nào cũng sẽ có các biện pháp tương ứng, phù hợp. Tuy nhiên, những khó khăn mà các doanh nghiệp này đang gặp phải chính là việc thiếu hụt lái xe, nhân viên do giãn cách một thời gian dài.

 

 Bến xe Mỹ Đình cổng đóng then cài trong những ngày Hà Nội giãn cách xã hội. Ảnh: Dân Việt
Bến xe Mỹ Đình cổng đóng then cài trong những ngày Hà Nội giãn cách xã hội. Ảnh: Dân Việt


Nguyên nhân dẫn tới thiếu nhân viên là do lái xe, phụ xe, nhân viên đã nghỉ việc để xin đi làm công việc khác, do họ không thể chờ đợi quá lâu vào việc nởi lỏng giãn cách xã hội, mở cửa lại nền kinh tế.

Trao đổi với PV Dân Việt, bà Trịnh Mai, chủ doanh nghiệp vận tải Thanh Phong cho biết: "Doanh nghiệp có 50 nhân viên là lái xe và phụ xe, nhưng đã có hơn 50% số nhân viên xin nghỉ việc để tìm việc khác mưu sinh nuôi sống gia đình".

"Khó khăn hơn nữa là do phương tiện đã dừng hoạt động một thời gian dài, chúng tôi sẽ phải chi trả một khoản rất lớn để duy tu, bảo dưỡng lại phương tiện, Sau đó, khi xác định các phương tiện đảm bảo an toàn thì mới đưa vào hoạt động trở lại", bà Mai cho hay.

Tương tự, trao đổi với PV Dân Việt, ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc công ty CP vận tải thương mại và dịch vụ Đất Cảng (Hải Phòng) cho biết, đơn vị có 300/400 lái xe đã nghỉ việc sau thời gian dài giãn cách xã hội. Đây là tình trạng chung của ngành vận tải, chứ không riêng gì doanh nghiệp vận tải nào khác.

"Việc lái xe xin nghỉ việc để đi tìm công việc mưu sinh khác là điều tất yếu của cuộc sống, chúng tôi phải chấp nhận điều đó", ông Hải cho hay.

Theo ông Hải, hầu hết doanh nghiệp vận tải khách tuyến cố định đều rơi vào tình trạng tương tự khi lái xe nghỉ việc hàng loạt, tìm việc khác để mưu sinh do vận tải nghỉ quá lâu. Để chuẩn bị hoạt động trở lại, doanh nghiệp đều phải tuyển dụng lại nhân sự để hoạt động.

"Là doanh nghiệp vận tải, chúng tôi mong muốn các địa phương thống nhất cách kiểm soát dịch đồng bộ để khi nới lỏng giãn cách xã hội, doanh nghiệp có thể hoạt động an toàn đảm bảo vận tải hành khách, và hàng hoá hoạt động trở lại", ông Hải mong muốn.

Để đảm bảo các hoạt động vận tải hồi phục, Bộ GTVT đang chỉ đạo Tổng cục đường bộ Việt Nam, các cục chuyên ngành xây dựng kịch bản vận tải khi các địa phương nới lỏng giãn cách xã hội. Kịch bản vận tải sẽ có tính kết nối giữa các phương thức và có những nguyên tắc nhất định, đảm bảo việc đi lại, chống ùn tắc, thuận lợi cho người dân, theo quy định phòng chống dịch của địa phương.

 

 Các phương tiện của công ty CP vận tải thương mại và dịch vụ Đất Cảng tạm dừng hoạt động đang chờ ngày hoạt động trở lại. Ảnh: Thanh Hải
Các phương tiện của công ty CP vận tải thương mại và dịch vụ Đất Cảng tạm dừng hoạt động đang chờ ngày hoạt động trở lại. Ảnh: Thanh Hải


Mở cửa từng bước

Trao đổi với PV Dân Việt, đại diện Bộ GTVT cho biết, việc vận tải hành khách có sớm hoạt động trở lại hay không còn tuỳ thuộc vào tình hình kiểm soát dịch Covid-19 của các địa phương. Điều kiện để hoạt động trở lại là mở cửa từng bước theo từng giai đoạn.

"Các doanh nghiệp vận tải muốn hoạt động trở lại thì phải đảm bảo nhân viên đã tiêm đủ 1 hoặc 2 mũi vaccine. Doanh nghiệp phải xây dựng kịch bản, phương án phòng chống dịch Covid-19 khi hoạt động trở lại trong tình hình mới", đại diện Bộ GTVT cho hay.

Theo Tổng cục đường bộ Việt Nam, đối với địa phương thực hiện chỉ thị 15, hoạt động vận tải vẫn phải tạm dừng hoặc tổ chức lại giao thông để hạn chế đi lại từ vùng có dịch đến các địa phương khác. Tùy theo loại hình vận tải, địa phương cho phép mở lại hoạt động vận chuyển hành khách với chuyến xe, số lượng xe không vượt quá 30% so với bình thường và bắt buộc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.

Đối với vùng thực hiện chỉ thị 19, các vùng sẽ tổ chức lại giao thông công cộng. Tùy theo loại hình vận tải, địa phương cho phép mở lại hoạt động vận chuyển hành khách công cộng với chuyến xe, số lượng xe không vượt quá 50% so với bình thường, bắt buộc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.

Với trạng thái bình thường mới, địa phương cho phép hoạt động vận tải hành khách công cộng trở lại trạng thái hoạt động bình thường, khuyến khích lái xe, hành khách áp dụng các biện pháp phòng chống dịch.

Việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa của các địa phương thực hiện chỉ thị 15, chỉ thị 19 sẽ theo hướng tập trung thực hiện tăng cường các biện pháp phòng chống dịch để tránh đứt gãy chuỗi sản xuất ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, nhu cầu thiết yếu của người dân. Hoạt động vận chuyển hàng hóa bình thường, khuyến khích lái xe, người xếp dỡ trên xe áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của Bộ Y tế.



https://danviet.vn/con-dau-dau-cua-doanh-nghiep-van-tai-khi-hoat-dong-tro-lai-20210920095434786.htm

Theo THẾ ANH (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm