Kinh tế

Con đường liên kết vùng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ lâu, tuyến đường liên huyện Chư Pah-Ia Grai-Đức Cơ được ví như “con đường tơ lụa” của vùng phía Tây tỉnh Gia Lai. Nếu được đầu tư xây dựng tuyến đường sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc thông thương hàng hóa và đi lại của nhân dân góp phần phát triển kinh tế-xã hội trong khu vực.

Động lực phát triển vùng phía Tây của tỉnh

Chư Pah, Ia Grai, Đức Cơ là 3 huyện ở phía Tây của tỉnh Gia Lai, nằm giữa hai quốc lộ có ý nghĩa chiến lược trên địa bàn Tây Nguyên, đó là quốc lộ 14C và quốc lộ 14. Đặc biệt, quốc lộ 14C-chạy dọc sát theo tuyến biên giới Việt Nam-Campuchia mang nhiều ý nghĩa về quốc phòng-an ninh.

 

Ảnh: Lê Lan
Ảnh: Lê Lan

Theo quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông-vận tải tỉnh Gia Lai đến năm 2020 (đã được UBND tỉnh Gia Lai phê duyệt) thì đường liên huyện Chư Pah-Ia Grai-Đức Cơ chạy theo hướng Bắc Nam, nằm giữa hai quốc lộ 14 và 14C, đi qua trung tâm hành chính của ba huyện và kết nối giữa quốc lộ 14 và quốc lộ 19. Nếu được đầu tư xây dựng, đường liên huyện Chư Pah-Ia Grai-Đức Cơ không chỉ cải thiện đáng kể đối với hệ thống giao thông đường bộ trong khu vực, tạo liên kết vùng, thúc đẩy nền kinh tế-xã hội phát triển. Hơn nữa, khi đường liên huyện Chư Pah-Ia Grai-Đức Cơ được hình thành sẽ “gánh bớt” lượng phương tiện lưu thông trên quốc lộ 14 và 19, tiết giảm chi phí lưu thông và giảm thiểu tai nạn giao thông trên các tuyến quốc lộ 14, quốc lộ 19 và các tỉnh lộ có liên kết với tuyến đường.

Con đường khi được khai thác sẽ góp phần phát huy thế mạnh của địa phương về quỹ đất, nguồn lao động dồi dào… Đặc biệt là có ý nghĩa rất lớn để thúc đẩy sự phát triển kinh tế của các xã chuyên về sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp. Từ đó mở ra một hướng lưu thông hàng hóa, giao lưu kinh tế-xã hội mới, góp phần phát triển đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các huyện trong tỉnh, giảm bớt sự cách biệt giữa miền núi và miền xuôi, giữa nông thôn và thành thị.

Bên cạnh đó, việc đầu tư xây dựng tuyến đường Chư Pah-Ia Grai-Đức Cơ cũng sẽ nâng cao tính cơ động, có ý nghĩa lớn về mặt quốc phòng-an ninh... Cùng với các dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường liên huyện Chư Prông-Chư Sê-Mang Yang, tuyến đường này sẽ tạo ra một hệ liên kết tuyến vòng cung nối liền các huyện của tỉnh mà trung tâm là TP. Pleiku với các “nan quạt” là các trục quốc lộ 14, quốc lộ 19, quốc lộ 25 và các tỉnh 663, 664, 670, 670B…

Đòn bẩy kinh tế của Ia Grai

Ia Grai là huyện biên giới có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng, phía Đông của huyện giáp TP. Pleiku, phía Tây giáp với huyện Đôn Mia (tỉnh Rattanakiri, Campuchia) và huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum), phía Bắc giáp huyện Chư Pah và phía Nam giáp với huyên Đức Cơ và Chư Prông. Tổng diện tích tự nhiên toàn huyện là 112.229 ha, huyện có 12 xã và 1 thị trấn với 150 thôn, làng, tổ dân phố. Trong đó, có 90 làng đồng bào dân tộc thiểu số. Tổng số hộ toàn huyện trên 90 ngàn người.

 

Theo thiết kế, đường liên huyện Chư Pah-Ia Grai-Đức Cơ có tổng mức đầu tư trên 563 tỷ đồng, có tổng chiều dài tuyến là 70,3 km, điểm đầu là ngã ba Hàng Bắc (giao với quốc lộ 14, xã Ia Khươl, huyện Chư Pah), điểm cuối là ngã ba Suy Le (giao với quốc lộ 19, thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ). Tuyến đường được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp IV miền núi.

Mạng lưới giao thông trên toàn huyện đang từng bước được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh với tổng chiều dài các tuyến đường trong huyện khoảng 973,5 km, bao gồm quốc lộ 14C đi qua huyện 17 km; tỉnh lộ 644 dài 58,4 km; đường nội thị dài khoảng 39,6 km, đường huyện dài 208 km, đường xã dài 502,5 km, tổng số 22 cầu và 215 cống… Được quan tâm đầu tư nên đường giao thông từ huyện xuống xã, đường liên xã đều thông suốt, nhờ thế những năm gần đây tình hình kinh tế-xã hội của huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực, bộ mặt ngày càng khang trang. Đặc biệt với vị trí địa lý thuận lợi-trung tâm huyện cách TP. Pleiku chỉ khoảng 18 km, lại có tỉnh lộ 644 đi qua trung tâm huyện và các xã Ia Dêr, thị trấn Ia Kha, Ia Tô, Ia Krái, Ia O và đấu nối với quốc lộ 14C nên việc giao thương buôn bán, đi lại của nhân dân trong huyện đã có nhiều thuận lợi hơn trước.

Tuy nhiên, so với nhiều địa phương khác thì tình hình phát triển kinh tế-xã hội của huyện vẫn chưa nhanh. Nguyên nhân là do chỉ có một con đường nối từ Ia Grai qua Pleiku và đi đến các địa phương khác (tức là từ Ia Grai muốn đến địa phương khác thì phải đi ra TP. Pleiku rồi mới tiếp tục đi, tốn kém thời gian) nên hạn chế về mặt thông thương, giao lưu văn hóa. Vì vậy, việc đầu tư xây dựng tuyến đường liên huyện Chư Pah-Ia Grai-Đức Cơ có ý nghĩa rất quan trọng đối với Ia Grai. Khi tuyến đường được hình thành việc đi lại giữa Ia Grai và các địa phương khác sẽ thuận tiện hơn, kéo theo đó là sự phát triển của các ngành nghề, dịch vụ, sự giao thoa văn hóa giữa các vùng… Qua đó, sẽ tiết kiệm được thời gian, khoảng cách vận chuyển đối với các phương tiện đi trên tuyến đường Chư Pah-Ia Grai-Đức Cơ so với việc từ huyện về TP. Pleiku sau đó mới đi tiếp đến các huyện khác như hiện nay. Với những lợi ích từ việc đầu tư xây dựng tuyến đường liên huyện Chư Pah-Ia Grai-Đức Cơ thực sự là đoàn bẩy kinh tế góp phần giúp Ia Grai ngày càng phát triển.

Lê Lan

Có thể bạn quan tâm