(GLO)- Tỉnh Gia Lai hiện có gần 900.000 ha rừng và đất rừng và đã được UBND tỉnh phê duyệt theo 3 loại: rừng sản xuất 660.000 ha, rừng phòng hộ 155.000 ha và rừng đặc dụng gần 60.000 ha. Trong đó, diện tích rừng giao cho cấp xã trực tiếp quản lý, bảo vệ có đến gần 300.000 ha (chiếm 1/3 diện tích). Có những xã quản lý nhiều đến 10.000 ha rừng, những xã ít cũng có từ 1.000 ha trở lên.
Lực lượng chức năng tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: Văn Thông |
Việc giao rừng cho cấp xã quản lý, bảo vệ là Nhà nước không phải tăng thêm biên chế và cũng không phải tăng thêm chi phí cho công tác này, bởi không có cán bộ chuyên trách. Hầu như cán bộ ở cấp xã chỉ làm theo chức năng, nhiệm vụ được giao là lãnh đạo, chỉ đạo việc phát triển kinh tế-xã hội, chăm lo “xóa đói giảm nghèo” cho dân và giữ gìn an ninh chính trị và trật tự xã hội trên địa bàn. Do vậy, gần như công tác quản lý, bảo vệ rừng được giao cho cấp xã quản lý chưa được coi trọng; việc giữ rừng còn buông lỏng, thiếu sự kiểm tra, kiểm soát thường xuyên và tất nhiên sẽ không tránh khỏi dẫn đến tình trạng mất rừng.
Từ năm 2006, thực hiện chủ trương đưa kiểm lâm về cơ sở nhưng do “mỏng” về lực lượng nên chỉ tăng cường cho mỗi xã có 1 kiểm lâm bám địa bàn; có những xã ít diện tích rừng và liên vùng thì gộp lại có 1 kiểm lâm viên phụ trách đến 2-3 xã. Nhiệm vụ chính của các kiểm lâm viên này cũng chủ yếu là tham mưu cho cấp ủy và chính quyền xã về các vấn đề quản lý, bảo vệ rừng, như vận động người dân không đốt rẫy gần rừng, ngăn chặn và xử lý những vi phạm vận chuyển lâm sản trái phép... Thực tế, nếu triển khai thực hiện theo chương trình, kế hoạch của kiểm lâm viên đề ra trong tháng, trong năm thì gặp khó, bởi không có chế độ hỗ trợ cho lực lượng của xã làm nhiệm vụ này.
Vấn đề quan trọng hơn là, công tác quản lý bảo vệ rừng ở cấp xã không có tính chuyên nghiệp cao như các tổ chức làm nghề rừng khác, bởi lực lượng không được bồi dưỡng, đào tạo chính quy. Từ khâu giao khoán rừng cho đến việc nuôi dưỡng rừng, trồng rừng... đi vào từng vấn đề chuyên môn cụ thể thì vượt quá khả năng của cán bộ cấp xã. Hơn nữa những người đứng đầu cấp xã, nhất là ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì lại ngại va chạm với người dân khi có vi phạm, bởi có cùng chung dòng tộc, là con cháu trong các buôn làng... nên gặp khó trong việc xử lý những vi phạm, nhất là trong khâu phá rừng làm nương rẫy của đồng bào dân tộc thiểu số, cộng với sự tiếp tay của bọn lâm tặc chặt hạ gỗ trái phép thường xuyên xảy ra.
Trong khi đó, tình trạng vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng trên địa bàn tỉnh lại đang diễn biến khá phức tạp, do dân số tăng nhanh, vấn đề di cư tự do, nhu cầu về quỹ đất để phát triển sản xuất nông nghiệp, nạn mua bán đất đai trái phép diễn ra ở nhiều nơi dưới nhiều hình thức khác nhau, nạn lâm tặc ngày càng sử dụng các hình thức khai thác gỗ tinh vi... Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2014, trong toàn tỉnh đã có đến hơn 600 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó chủ yếu là vi phạm về mua bán, vận chuyển, cất giữ lâm sản trái phép chiếm đến 520 vụ.
Mới đây, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Gia Lai và các ban, ngành chức năng, những vấn đề bất cập trong công tác quản lý, bảo vệ rừng ở cấp xã đã được đưa ra bàn nghị sự; nhiều phương án đã được bàn tới nhằm làm thay đổi “cục diện” về công tác này. Theo ông Nguyễn Nhĩ-Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, là nên có phương án hình thành các Ban Quản lý rừng cùng với lực lượng cấp cơ sở để quản lý, bảo vệ rừng thì tốt hơn, bởi đây chính là lực lượng có chuyên môn và mang tính chuyên nghiệp cao, hơn nữa lại có tinh thần trách nhiệm hơn. Theo đó, tiến tới việc giao khoán rừng đến tận hộ dân quản lý trên cơ sở có sự điều chỉnh về chế độ, chính sách để người dân thực sự được hưởng lợi và gắn bó cuộc sống với rừng.
Văn Thông