TN - Đất & Người

Con thác và ký ức

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đã 10 năm tôi mới lại quay về thăm con thác Dray Sáp (huyện Krông Nô, tỉnh Đak Nông). Đúng ra thì phải gọi là dòng thác, nhưng không hiểu sao tôi cứ thích gọi nó là “con thác” mới lạ.

10 năm trước, sau gần một tiếng đồng hồ, xe chúng tôi từ TP. Buôn Ma Thuột (khi đó còn là thị xã) cũng đến được thác. Gửi xe từ ngoài trạm, chúng tôi lội bộ vào sâu bên trong. Đi chừng nửa cây số thấy có một cây cầu làm bằng tre và gỗ bắc ngang. Cô bé đi cùng là người bản địa nói đó là cây cầu dẫn sang thác Dray Nur (huyện Krông Ana, tỉnh Đak Lak). Chúng tôi tiếp tục đi sâu vào trong, vừa đi vừa phải để ý bước chân vì đường đá ướt và trơn.

 

Thác Dray Sáp. Ảnh: internet
Thác Dray Sáp. Ảnh: internet

Chừng 300 m nữa, màn cây cối và dây leo chằng chịt che bớt tầm quan sát, chỉ nghe thấy một âm thanh trầm trầm dữ dội. Bước dấn thêm vài bước là một khoảng trống hiện ra. Thác đây rồi. Dòng thác sùng sục tung bọt; nhìn bức tường nước trắng xóa đổ ầm ầm xuống khoảng trống phía dưới chừng hơn chục mét mà thấy nôn nao cả người. Nhìn ngang sang, nhẩm tính bức tường thành được tạo thành bởi 3 cột nước chính đó chắc cũng cả trăm mét có dư, thấy Tự nhiên chính là người nghệ sĩ tài ba nhất khi đã đắp nặn, tặng cho đất trời một phong cảnh hùng vĩ tráng lệ giữa đất trời bao la. Và âm thanh của nó chính là bài ca hùng tráng cất lên giữa đại ngàn thăm thẳm hoang sơ.

Còn bây giờ, cây cầu tre gỗ ngày xưa đã được làm kiên cố hơn. Du khách, chủ yếu là thanh niên, lên đó chụp ảnh làm kỷ niệm và ngóng mắt ra xa, như muốn bao quát cảnh vật nơi rừng sâu núi thẳm này. Và thác... Vẫn là nó đấy ư? Con thác gầy gò đổ xuống giữa hoang sơ nắng gió. Vẫn có “khói” nhưng chỉ là làn hơi nước mong mỏng bay lên chứ không mờ mịt như 10 năm trước. Cái tên “Thác Khói-Dray Sáp” không chừng rồi sẽ chỉ còn mang tính tượng trưng nếu thác cứ cạn kiệt như thế này… Ngoài việc đang là mùa khô, liệu còn có thể có nguyên nhân nào khác khiến con thác từng tung bờm dũng mãnh, như sôi sục bởi tâm trạng đau thương trước mối tình bi thảm của 2 người yêu nhau trong huyền thoại xa xưa lại trở nên khô dần như vậy hay không? (*)

Lòng rưng rưng hoài cảm, tôi cùng bạn theo đường về nhà hàng bằng lối đi tắt, song song với con đường vào thác khi nãy. Mười năm trước nó chỉ là một vệt đường khẳng khiu len lách giữa 2 bên là cây, là dây leo chằng chịt. Nhiều đoạn còn ngập nước và bùn. Lá cây mục nát rất nhiều khiến tôi nhớ lại bài học đi rừng trước đó nên phải rảo bước qua nhanh để tránh bị vắt bám vào chân. Còn bây giờ, người ta đã xếp đá thành con đường rộng chừng một mét và 2 bên phạt quang cây cỏ. Bàn tay nào đã xếp đá và phạt cỏ ở đây? Thoảng có tiếng con chim gì lích rích trong bụi cỏ vàng ối ven gốc cây bằng lăng, gợi nhớ đến trước đây, ở khoảng cách này tôi vẫn nghe tiếng thác trầm trầm vang giữa khoảng không. Rừng cũng đã thưa cây hơn. Chốc chốc lại có một đoạn đường lát đá cắt ngang, tôi đồ rằng nó thông sang con đường xuống thác khi nãy tôi đi. Mười năm trước, cũng trên đoạn đường này chúng tôi phải đi rất lâu mới đến nhà hàng (điểm xuất phát ban đầu thăm thác Dray Sáp). Còn bây giờ, chưa nhớ trọn kỷ niệm mà đã chạm mốc cánh cổng vào. Có lẽ vì không phải vừa đi, vừa vạch lá, vạch dây leo nên đường ngắn hơn, nhanh “cán đích” hơn chăng?

Trở về khoảng sân của Khu du lịch Dray Sáp, tôi thấy khá vắng. Chắc mọi người đang thăm cảnh thác hoặc cũng đang trở ra. Chúng tôi vẩn vơ bên dãy 5 nhà chòi nhỏ cho du khách nghỉ chân. Nhìn sang bên tay trái thấy có dãy chuồng thú với mấy chú đà điểu cao lênh khênh, nhớ ra rằng 10 năm trước chưa hề có. Góc kia một chú voi đang ăn trưa bằng đống thân cây chuối thì phải. Một vị  khách muốn vào thăm, nhưng người bảo vệ nói là phải mua vé. Ô hay, lẽ nào tấm vé vào cửa 40 ngàn lại không bao gồm chỗ chuồng thú này? Thắc mắc ấy gợn lên, nhưng rồi cũng chỉ hỏi để hỏi nhau, vì nhân viên ấy đã bỏ đi đâu đó, chỉ còn lại 2 chú đà điểu màu xám cao lênh khênh đang giương đôi mắt nhìn khách mà thôi.

Đã chiều rồi mà ánh ngày còn lưu luyến chưa muốn bước vào đêm. Ngọn gió lang thang khẽ thầm thì trên tán cây bài tình ca chỉ riêng nó biết.

Xạc xào, xạc xào những chiếc lá vàng xoay tròn rồi nhẹ nhàng rơi trên mặt đất còn ấm nồng mùi nắng của ngày...

Có mùi thân cây chuối mà chú voi đang ăn hăng hăng trong không khí, gợi nhớ đến tuổi thơ băm bèo thái chuối ở quê xa.

Thoảng bên kia vạt rẫy, có hương thơm ngọt ngào của những chùm hoa cà phê trắng muốt đang dần khép cánh dưới hơi nóng âm âm hắt lên từ mặt đất...

Chúng tôi lên xe trở về lại thành phố. Những làn gió thổi qua cửa xe, phả vào làn hương ngọt ngào. Lòng thầm nói lời tạm biệt với Dray Sáp, với Thác Khói. Hy vọng không đến mười năm nữa quay lại sẽ lại thấy một Dray Sáp tràn trề tung bọt nước trắng xóa giữa đại ngàn hùng vĩ. Hàng vạn vạn hạt bụi nước li ti sẽ bay tung tóe mịt mù như những làn khói mát rượi phả khắp không gian.

(*) Truyền thuyết kể rằng, xưa kia ở Đak Lak, dòng sông Sêrêpôk chỉ là một dòng nước bình thường, chảy quanh thôn làng. Và rồi, có một đôi nam nữ sống ở 2 bên bờ sông đã đem lòng yêu thương nhau, nhưng tình yêu của họ không chỉ bị ngăn cách bởi dòng sông mà còn bị cấm đoán bởi 2 gia đình. Quá đau khổ, trong một đêm tĩnh lặng, đôi tình nhân cùng nhau gieo mình xuống dòng nước để mãi mãi bên nhau. Thời khắc ấy, từ đâu gió to sóng lớn nổi cơn thịnh nộ, chia tách sông Sêrêpôk thành 2 nhánh, mà sau này người dân hay gọi là nhánh sông đực và nhánh sông cái. Dòng chảy của nhánh sông đực đã tạo ra thác Dray Sáp và dòng chảy của nhánh sông cái chính là hiện thân của thác Dray Nur.

Bích Thiêm

Có thể bạn quan tâm