Kinh tế

Còn thiếu chính xác

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mục đích của việc thu thập thông tin cơ bản, chính xác về thực trạng lao động, việc làm, thất nghiệp qua từng năm là để tham mưu cho các cấp ban hành chính sách phù hợp trong việc hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, ở tỉnh ta qua 3 lần thực hiện rà soát thu thập và xử lý thông tin cung-cầu lao động lại xuất hiện một số bất cập, dẫn đến thống kê chưa chính xác.
 

Cung cấp thông tin về lao động việc làm. Ảnh: Đinh Yến
Cung cấp thông tin về lao động việc làm. Ảnh: Đinh Yến

Theo thống kê, đối tượng cần thu thập thông tin trên địa bàn tỉnh là trên 310.000 hộ gia đình. Hình thức thu thập thông tin cung-cầu lao động giống như một cuộc điều tra toàn diện về nhân khẩu, số người từ đủ 10 tuổi trở lên, trình độ học vấn, trình độ chuyên môn kỹ thuật, tình trạng có việc làm, tình trạng thất nghiệp của những người chưa bao giờ làm việc, đã từng làm việc và thời gian thất nghiệp, tình trạng không hoạt động kinh tế (đi học, nội trợ, ốm đau, tàn tật…) và biến động của từng người trong hộ. Riêng về tình trạng việc làm điều tra từ người chưa có việc làm chuyển sang người có việc làm và từ người có việc làm chuyển sang thất nghiệp. Trong khi đó, địa bàn thu thập thông tin rộng, kinh phí lại ít. Trình độ đội ngũ điều tra không đồng đều, nhiều người trình độ học vấn còn thấp. Do vậy, làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự chính xác của việc thu thập và xử lý thông tin cung-cầu lao động.

Theo đánh giá của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, qua 3 lần (năm 2011, 2012, 2013) triển khai việc thu thập và xử lý thông tin cung-cầu lao động trên địa bàn tỉnh, tính chính xác của số liệu thu được chưa cao. Hộ gia đình biến động trên dưới 45.000 hộ. Người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật, số hộ rà soát biến động thấp.

Được biết, trước đây, việc cập nhật biến động thông tin cung-cầu lao động được thực hiện cùng với điều tra lao động, việc làm hàng năm. Từ giữa tháng 7-2009, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư số 25/2009/TT-BLĐTBXH về hướng dẫn thu thập và xử lý thông tin cung-cầu lao động nên việc thu thập biến động thông tin cung-cầu lao động được thực hiện riêng. Đến năm 2011, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, quy định là hàng năm phải có sự rà soát bổ sung việc thu thập và xử lý thông tin cung-cầu lao động. Vì những bất cập nêu trên nên việc thu thập và xử lý thông tin cung-cầu lao động hàng năm trên địa bàn tỉnh lại càng gặp khó.

Trao đổi với P.V về vấn đề này, ông Đinh Xuân Lịch-Trưởng phòng Lao động-Việc làm (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội)-cho biết: Việc thu thập thông tin trong những năm vừa qua, chủ yếu dựa vào ghi chép ở khu dân cư và tổng hợp từ sàn giao dịch việc làm và căn cứ vào số liệu của các cơ quan, ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội, các doanh nghiệp để thu thập và xử lý thông tin. Do đó, con số thu thập được độ chính xác chưa cao.

Theo dự báo, nguồn cung lao động có xu hướng tăng dần trong giai đoạn 2015-2020. Dự báo nguồn cung lao động đến năm 2015 toàn tỉnh đạt trên 897,8 ngàn người và đạt trên 1.059,4 ngàn người vào năm 2020. Như vậy, trung bình mỗi năm, nguồn cung lao động của tỉnh ta sẽ được bổ sung trên 28,6 ngàn người. Vì thế, để việc thu thập và xử lý thông tin cung-cầu lao động năm 2014 đạt hiệu quả, ngay từ đầu năm, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh triển khai việc thu thập và xử lý thông tin cung-cầu lao động đạt hiệu quả. Tuy nhiên, trong những năm qua, việc triển khai thu thập và xử lý thông tin cung-cầu lao động mới chỉ đáp ứng được yêu cầu tổng hợp, còn chưa thực hiện tốt khâu điều tra, đánh giá, phân tích về thực trạng nhu cầu lao động, việc làm. Trong khi đó, chỉ khi nào đưa ra được dự báo thị trường lao động thì mới đề ra được các giải pháp đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với thị trường, tránh được tình trạng cung lệch cầu. Đây là vấn đề rất khó.

Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm