(GLO)- Người Kinh có câu “con trâu là đầu cơ nghiệp”, chắc là nói về vai trò quan trọng của loài trâu trong việc cày kéo và thích ứng với điều kiện canh tác ruộng nước lầy thụt. Lại có câu “trâu cày, ngựa cưỡi”, như hai chức năng chính của trâu và ngựa. Trong ca dao của người Kinh có những câu về con trâu rất thiết tha như nói về người bạn, người đồng nghiệp đồng cam cộng khổ: “Trâu ơi ta bảo trâu này/Trâu ăn no cỏ trâu cày với ta/Cấy cày vốn nghiệp nông gia/Ta đây trâu đấy ai mà quản công…”.
Ngược lại, việc canh tác của người Tây Nguyên chủ yếu là làm nương rẫy khô ráo, không cày kéo, không gánh gồng, đơn giản chỉ là “phát, đốt, chọc, tỉa”. Con trâu chẳng hề có ý nghĩa gì trong lao tác, dù họ nuôi ngựa và cưỡi ngựa khá nhiều.
Phục dựng lễ đâm trâu tại một sự kiện văn hóa ở Gia Lai. Ảnh: Thùy Chi |
Người Tây Nguyên xưa quan niệm, con trâu tự do nuôi lớn để mà cúng Yàng, bắt nó kéo cày thì Yàng quở phạt. Đồng rừng rộng rãi, cỏ cây tươi tốt, cái ăn thừa thãi nên trâu bò cũng đầy đàn chật đất. Thế nhưng, vai trò quan trọng nhất của con trâu là để hiến tế và ăn hội. Hàng năm, người Tây Nguyên đều có những cuộc “ăn trâu”, bao gồm những cuộc “đâm trâu” theo nghi thức lẫn những cuộc “đốt trâu”, “chém trâu” theo lệ làng. Nhìn chung, đồng bào chỉ hiến tế những con trâu trẻ, không hiến tế trâu quá già. Trừ trường hợp đặc biệt làm ma người già, gia đình sẽ giết con trâu đầu tiên người quá cố từng chăn nuôi, đó thường là con trâu già nhất bầy, để tỏ lòng tôn kính.
Xưa kia, một đám lễ bỏ mả (pơ thi), người ta thường đốt đến mấy con trâu. Một số nơi nhà giàu có khi đốt số trâu bằng với số lượng hài cốt người nằm trong nhà mả. Các lễ hội mừng năm mới, ăn lúa mới, phạt vạ, hiến tế theo lời hứa … người Tây Nguyên cũng thường tổ chức ăn trâu.
Có lần về một xã vùng biên, gặp cuộc đâm trâu chỉ vì một lời hứa. Trong gia đình có người phụ nữ thường ốm đau quặt quẹo. Một mặt, người ốm vẫn được điều trị theo liệu trình Tây y. Mặt khác, ông chồng mời thầy cúng và hứa: nếu Yàng cho vợ khỏi bệnh, khỏe mạnh thì sẽ đâm một con trâu để tạ ơn. Khi người vợ đã khỏi bệnh vì được điều trị tích cực đúng cách, cả nhà đều rất mừng. Riêng ông chồng thì sực nhớ đến lời hứa, thế là mời làng tổ chức đâm trâu. Cuộc ấy phải chi một số tiền của khá lớn, nhưng đã hứa, không thể tiếc được!
Thông thường, trước lúc giết trâu hiến tế, người ta tắm rửa cho sạch sẽ, quyến luyến vuốt ve, thủ thỉ tâm tư với trâu, thậm chí cho trâu uống rượu cần như một sự chia sẻ, tri ân...
Vai trò của con trâu trong tâm linh người Tây Nguyên quả là bí ẩn. Một số giả thuyết cho rằng trâu là vật tổ (tô tem) của người Tây Nguyên. Việc “cà răng”, có vẻ như mô phỏng hàm răng con trâu. Thanh niên đến tuổi 13, 14 thì nằm ra, có khi để cho người khác trói lại và đè ra cưa cà mài cả buổi cho đứt sáu cái răng cửa hàm trên. Sau đó, họ nhuộm hàm răng bằng một thứ nhựa cây cho đen. Việc “cà răng” rất lâu và rất đau đớn, có người không chịu nổi, bị ngất xỉu. Tuy nhiên, ai đến tuổi ấy cũng tự nguyện “cà răng” để tạo ra “vẻ đẹp” truyền thống và tự khẳng định bản lĩnh của mình. Ai không “cà răng” khi chết sẽ bị đuổi sang thế giới của khỉ và két.
Hồi trước, có một vị Vua Lửa rất mê trâu. Ông chỉ ăn thịt trâu, không ăn thịt bò. Vì vậy mà ông nuôi khá nhiều trâu. Thường ngày ông rất thích tắm cùng đàn trâu trong một cái ao do ông tạo nên gọi là Ao Ơi Y.
Ông Rơ Mah Giáp-nguyên Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh-bảo rằng, hồi nhỏ ở quê ông chỉ có chăn trâu, không ai đi chăn bò. Và nhiều vùng Jrai trước đây cũng vậy, chỉ có khái niệm chăn trâu. Đàn bò thì thả rông trong rừng núi. Họ lý giải vì con trâu đắt bằng 3 con bò, trâu lại hiền chậm dễ bị bắt trộm nên phải chăn dắt cẩn thận.
Xưa kia, rất nhiều thứ tài sản trao đổi được tính theo trâu. Để lượng giá trị trâu, người ta gọi “trâu một em” (là con trâu đã được khoảng 2 tuổi, khi mẹ nó đã mang thai 11 tháng, đẻ ra con nghé khác), “trâu hai em” (là con trâu khoảng 3 tuổi, khi mẹ nó đã đẻ thêm 2 con nghé nữa)... Đặc biệt, trâu trắng rất quý hiếm, được quy đổi bằng dăm bảy con bò.
Sừng trâu, nhất là sừng trâu rừng dùng làm tù và, một loại nhạc khí dùng hiệu triệu dân làng lúc cần thúc giục, khi chống giặc dã, khi đi săn thú... Khi thổi, âm thanh của nó vang xa khắp nhiều đồi, nhiều suối. Trong khung cảnh núi rừng thâm u hoang dã, tiếng tù và cất lên nghe rất linh thiêng thống thiết. Nó thôi thúc trong lòng người. Nó thấm đẫm trong hồn người tinh thần làng muôn thuở.
Người Tây Nguyên xưa nhìn chung thể hiện tài sản chủ yếu bằng trâu, sau nữa là bò, heo, dê, rồi chiêng ché... Cá biệt có những vùng, các tù trưởng thể hiện sự giàu có bằng voi, bằng gia nô. Tuy vậy, về tâm linh, con trâu vẫn được coi trọng nhất.
PHẠM ĐỨC LONG