Pháp luật

Công an thị xã An Khê quyết liệt đấu tranh với tội phạm trên không gian mạng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trước tình hình tội phạm trên không gian mạng ngày càng diễn biến phức tạp, Công an thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) đã áp dụng các biện pháp nghiệp vụ mới, ứng dụng công nghệ thông tin để đấu tranh ngăn chặn và chủ động tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân.

Nâng cao cảnh giác

Tháng 9-2023, bà Hồ Thị Hoàng (tổ 4, phường An Bình) nhận được cuộc gọi từ số điện thoại bàn. Đối tượng ở đầu dây bên kia tự xưng là cán bộ Công an tỉnh Gia Lai và thông báo: Tội phạm khai bà có dính líu vào đường dây mua bán trái phép chất ma túy tại Hà Nội, yêu cầu bà cung cấp số căn cước công dân và số tài khoản để cơ quan Công an giải quyết.

Biết đây là cuộc gọi lừa đảo, bà đã cúp máy, sau đó kể lại cho người nhà biết để đề phòng và báo cho Công an phường.

Theo bà Hoàng, bà thường vào Facebook, Zalo Công an phường An Bình để nắm bắt thông tin và nhớ một số khuyến cáo như: không chuyển tiền, không cung cấp mã OTP, tài khoản E-banking cho bất kỳ ai mà chưa biết rõ về họ; cơ quan nhà nước không làm việc qua điện thoại, nếu cần sẽ mời đến trụ sở. “Nhờ những thông tin hữu ích này mà tôi không bị mắc lừa”-bà Hoàng chia sẻ.

Công an phường An Bình (thị xã An Khê) kiểm tra video tuyên truyền trước khi đăng tải trên Facebook, Zalo. Ảnh: N.M

Công an phường An Bình (thị xã An Khê) kiểm tra video tuyên truyền trước khi đăng tải trên Facebook, Zalo. Ảnh: N.M

Trang Facebook Công an phường An Bình được lập vào tháng 8-2020, hiện có hơn 20.530 lượt người thích, 23.185 lượt người theo dõi. Còn Zalo Công an phường An Bình thành lập tháng 5-2023 có kết nối Zalo với 7 tổ dân phố trên địa bàn. Hiện Zalo có 834 người tham gia và hơn 500 người theo dõi.

Từ đầu năm đến nay, Zalo Công an phường An Bình đã đăng tải, chia sẻ hơn 40 bài viết tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm. Đây cũng là kênh tiếp nhận những phản ánh, ý kiến của người dân.

Trung tá Hoàng Quốc Vương-Trưởng Công an phường An Bình-khẳng định: “Thông qua các trang mạng xã hội Zalo, Facebook, cơ quan Công an không chỉ nhanh chóng tiếp nhận các tin báo tố giác tội phạm của người dân để kịp thời xử lý hoặc chuyển các cơ quan có thẩm quyền giải quyết mà còn là kênh thông tin, tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn người dân trong phòng ngừa các loại tội phạm một cách thuận tiện, hiệu quả; phát huy vai trò đấu tranh, nâng cao tinh thần cảnh giác, phòng-chống tội phạm của người dân”.

Tương tự, Công an xã Cửu An đang sử dụng Fanpage “Công an xã Cửu An thị xã An Khê” với khoảng 20.000 người theo dõi. Hàng tuần, Fanpage đăng tải, chia sẻ ít nhất 1 bài về phương thức, thủ đoạn, biện pháp phòng ngừa tội phạm lừa đảo để người dân cảnh giác, chủ động phòng ngừa.

Thiếu tá Phạm Minh Thao-Trưởng Công an xã-cho hay: Thông qua các bài tuyên truyền trên Fanpage, nhiều người dân đã nâng cao cảnh giác khi bị các đối tượng lừa đảo gọi điện, nhắn tin thông báo trúng thưởng, nợ tiền điện, vi phạm trật tự an toàn giao thông...

“Để các bài tuyên truyền trên Fanpage sinh động và thu hút nhiều lượt người theo dõi, chúng tôi xây dựng tin bài dưới dạng video; đẩy mạnh tuyên truyền trên không gian mạng theo mô hình của Công an thị xã; đồng thời triển khai mô hình “Zalo kết nối” giữa Công an xã với toàn dân”-Trưởng Công an xã Cửu An thông tin thêm.

Tăng cường đấu tranh với tội phạm

Thiếu tá Vũ Anh Phúc-Đội trưởng Đội An ninh (Công an thị xã An Khê) cho biết: Các cơ quan, ban, ngành và xã, phường trên địa bàn thị xã đã tạo lập 88 tài khoản Fanpage, group Facebook và 25 trang Zalo.

Thời gian qua, các đơn vị, cơ quan, ban, ngành đã chủ động đấu tranh, phản bác các luận điệu sai trái, phá hoại của các thế lực thù địch; qua đó bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên các trang mạng xã hội.

“Từ năm 2018 đến nay, qua quản lý, giám sát hoạt động trên không gian mạng, Công an thị xã đã phát hiện, xử lý 37 trường hợp đưa tin thất thiệt, gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng; khởi tố 11 vụ việc phạm pháp hình sự trên không gian mạng”-Thiếu tá Phúc thông tin.

Lực lượng Công an phường An Bình hướng dẫn người dân tham gia Zalo, Facebook của Công an phường để nắm bắt thông tin, nội dung cảnh báo thủ đoạn lừa đảo của tội phạm. Ảnh: Ngọc Minh.

Lực lượng Công an phường An Bình hướng dẫn người dân tham gia Zalo, Facebook của Công an phường để nắm bắt thông tin, nội dung cảnh báo thủ đoạn lừa đảo của tội phạm. Ảnh: Ngọc Minh.

Theo Trung tá Nguyễn Thành Huy-Trưởng Công an thị xã An Khê: Để đấu tranh hiệu quả với tội phạm trên không gian mạng, ngoài lực lượng cán bộ, chiến sĩ Công an, cần phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị; tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật có liên quan về an ninh mạng để người dân chủ động phòng ngừa.

Gắn kết chặt chẽ giữa xây và chống trong công tác bảo đảm an toàn an ninh mạng; khơi dậy phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên không gian mạng rộng khắp và bền vững.

Các hình thức tổ chức tuyên truyền cần đa dạng, phong phú, phù hợp với đặc điểm, đặc thù của từng đối tượng. Tranh thủ sự tham gia, ủng hộ của những người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, người có chuyên môn, trách nhiệm trong lĩnh vực công nghệ thông tin ở từng cơ quan, đơn vị, nhất là đội ngũ chuyên viên giỏi, có phẩm chất đạo đức.

“Trong tiếp nhận, xử lý thông tin về an ninh trật tự, cần xây dựng cơ chế thống nhất theo trình tự tạo thành hệ thống “trên xuống”, “dưới lên”, “ngang dọc” để kết nối hoạt động tuần tra trên không gian mạng.

Tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức người dân về trách nhiệm sử dụng mạng xã hội cũng như tham gia phát hiện, tố giác hành vi vi phạm pháp luật qua không gian mạng. Nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên không gian mạng nhằm giữ vững ổn định trật tự an toàn xã hội trên địa bàn”-Trưởng Công an thị xã An Khê nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm