Pháp luật

Góc cảnh báo / Chống tin giả

Công an TP HCM thông tin các chiêu lừa nhắm vào doanh nghiệp lớn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Công an TP HCM khuyến cáo cảnh giác với tình trạng kẻ gian dùng hình ảnh của các doanh nhân là lãnh đạo công ty, doanh nghiệp lớn để trục lợi.

Công an TP HCM cho biết đã ghi nhận các thủ đoạn như dùng hình ảnh của doanh nhân lãnh đạo doanh nghiệp lớn, mạo danh người đứng đầu công ty để lừa đảo trên mạng xã hội.

Trước đó, chiều 20-8, Công ty CP Chứng khoán SSI phát cảnh báo về việc một số tài khoản Zalo mạo danh, sử dụng công nghệ Deepfake AI giả mạo hình ảnh lãnh đạo cấp cao tại SSI để livestream tư vấn đầu tư.

Công an TP HCM khuyến cáo người dân cảnh giác các chiêu lừa tinh vi.
Công an TP HCM khuyến cáo người dân cảnh giác các chiêu lừa tinh vi.

Cụ thể, đối tượng mạo danh ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT của Công ty CP Chứng khoán SSI, đưa ra các nhận định, tư vấn. Trên nền tảng Zalo, kẻ gian hướng dẫn nạn nhân vào các nhóm kín trên Telegram. Các đối tượng dùng công nghệ AI tạo hình ảnh, video giả mạo ông Nguyễn Duy Hưng để tư vấn đầu tư chứng khoán và dụ dỗ nhà đầu tư.

Công ty CP Chứng khoán SSI khẳng định ông Nguyễn Duy Hưng chỉ sở hữu tài khoản tích xanh duy nhất trên nền tảng Facebook và không có bất kỳ tài khoản nào trên Zalo, Telegram, Tiktok , Youtube. Công ty này khuyến cáo các nhà đầu tư cảnh giác, tỉnh táo khi thực hiện các thao tác trên môi trường số để tránh bị lừa đảo.

Trước đó, ông H.H. (Chủ tịch một tập đoàn vận tải lớn ở TP HCM) gửi đơn đến các cơ quan chức năng yêu cầu can thiệp. Theo đó, kẻ gian đã dùng công nghệ DeepFake ghép hình ảnh ông H. vào clip nhạy cảm sau đó có hành vi tống tiền.

Công an TP HCM cũng cảnh báo chiêu lừa dùng công nghệ DeepFake tương tự để ghép ảnh, yêu cầu một quý ông chuyển khoản 2,2 tỉ đồng.

Công an TP HCM khuyến cáo người dân khi gặp các trường hợp như trên phải nâng cao tinh thần cảnh giác với phương châm "Không hoảng sợ-Không làm theo yêu cầu chuyển tiền của đối tượng".

Theo Công an TP HCM, về bản chất, các thủ đoạn không mới, đối tượng chỉ thay đổi "câu chuyện lừa đảo" nhưng nhiều người vẫn bị dẫn dụ và thực hiện theo yêu cầu.

"Dù dưới bất kỳ hình thức nào thì mục đích cuối cùng của chúng là lừa chuyển tiền để chiếm đoạt tài sản của nạn nhân. Người dân không cung cấp số tài khoản, thẻ tín dụng, thông tin cá nhân cho bất kỳ ai, không chuyển tiền dưới bất kỳ hình thức nào khi chưa làm việc trực tiếp với cơ quan chức năng"-Công an TP HCM lưu ý.

Số lượng thông tin cá nhân bị đánh cắp tăng 50%

Tại Báo cáo tình hình an ninh mạng nửa đầu năm 2024 do Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) công bố ngày 26-8, trong 6 tháng đầu năm 2024, số lượng thông tin cá nhân bị đánh cắp tăng 50% so với cùng kỳ năm 2023. Số website giả mạo tổ chức, doanh nghiệp tăng 4 lần so với cùng kỳ, làm gia tăng số vụ lừa đảo, gian lận tài chính.

Báo cáo cung cấp thông tin về tình trạng lọt lộ dữ liệu, các lỗ hổng bảo mật ảnh hưởng đến doanh nghiệp.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, dựa trên dữ liệu từ Hệ thống Tri thức an ninh mạng Viettel đã ghi nhận nhiều nguy cơ mất an toàn thông tin đang gia tăng. Cụ thể, có tổng cộng 46 vụ lộ lọt dữ liệu của doanh nghiệp, tổ chức tại Việt Nam. Trong đó, bị lọt lộ nhiều nhất là thông tin khách hàng và thông tin mua bán của các doanh nghiệp trong lĩnh vực bán lẻ. Tiếp đến là thông tin xác minh danh tính của khách hàng thông qua việc ứng dụng công nghệ điện tử (eKYC), thông tin của nhiều trường đại học, tổ chức giáo dục.

Theo Phương Lan (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm