(GLO)- Theo phản ánh của anh Võ Khắc Tĩnh (thôn Phú Yên, xã Hà Ra, huyện Mang Yang) khoảng 7 giờ ngày 23-2-2015, gia đình anh đang phơi ngoài sân gần 1 tấn vỏ bời lời mua từ nhiều nông dân trong xã trước đó thì lực lượng Công an xã Hà Ra cho rằng anh này chứa chấp hàng gian nên tuyên bố tịch thu toàn bộ số vỏ cây bời lời trên.
Anh Tĩnh (bên trái) phản ánh với phóng viên. Ảnh: Như Ý |
Anh Tĩnh cho biết: Anh có một căn nhà nhỏ nằm giữa các làng đồng bào dân tộc thiểu số thuộc thôn Phú Yên. Hàng ngày, vợ chồng anh và 2 con nhỏ sinh sống bằng việc chăm sóc 3.000 m2 cà phê, 500 cây bời lời và mua bán lẻ nông sản với bà con các làng Kon Chrăh, Kon Hoa.
Khu vực này có nhiều gia đình người Kinh làm như nhà anh. Hàng ngày, bà con sau khi đi làm rẫy về thường gùi theo các nông sản như vỏ cây bời lời, mì, cây đót… bán cho tiểu thương để lấy tiền mua gạo, mắm, riêng vỏ cây bời lời thì bà con cõng về quanh năm. Nhiều năm nay, cứ vào thời điểm cận Tết thì những tiểu thương khác nghỉ mua, chỉ riêng anh Tĩnh vì gia đình quá khó khăn nên vẫn mở cửa hoạt động. Do đó, đến ngày 23-2-2015 (ngày mùng 5 Tết Âm lịch), nhà anh Tĩnh có rất nhiều vỏ bời lời mua từ trước phơi ngoài sân. Khoảng 7 giờ ngày hôm đó, lực lượng Công an xã Hà Ra ập vào nhà anh Tĩnh, cho rằng anh này chứa chấp của gian nên tuyên bố tịch thu số vỏ cây bời lời đang phơi trước sân. Khi anh Tĩnh phản ứng, ai là kẻ gian, người tố cáo là ai thì Công an xã Hà Ra chỉ nói rằng… hãy đợi đấy. Sau đó, Công an xã Hà Ra hốt tất cả số bời lời trên cho vào 28 bao mà không hề cân hay trưng ra bất cứ giấy tờ nào của cấp có thẩm quyền. Theo anh Tĩnh, số bời lời trên (khoảng 1 tấn khô-N.V), vợ chồng anh phải vất vả mua và phơi trong nhiều ngày. Thời điểm đó, anh mua của dân với giá 7.000 đồng/kg tươi, cứ 2 kg vỏ tươi sẽ được 1 kg vỏ khô, giá vỏ bời lời khô trên thị trường lúc bấy giờ là 20.500 đồng/kg.
Ngày 28-2-2015, Công an huyện Mang Yang gọi anh Tĩnh đến hỏi về nguồn gốc số vỏ bời lời trên. Anh Tĩnh đã khai, số nông sản trên anh mua từ nhiều người dân, anh không thể nhớ tên và biết mặt hết tất cả. Cứ chiều chiều, có người mang một túm chừng vài ký, có người gùi hơn chục ký, phải trong nhiều ngày mới có được số lượng gần 1 tấn như đã nêu. Cũng theo lời anh Tĩnh, vào ngày 5-3-2015, trong một buổi làm việc, Công an huyện Mang Yang cho anh biết rằng, số vỏ bời lời trên, anh đã mua nhầm của một số kẻ trộm, ước khoảng 3,6 triệu đồng. Làm việc với chúng tôi, anh Tĩnh nói: “Tôi làm sao biết được ai là người gian, người ngay, do có quá nhiều người bán. Trong khi chờ đợi vụ việc được làm sáng tỏ, tôi chỉ xin được phép mang số vỏ bời lời trên đi phơi cho đủ độ khô ráo trước sự giám sát của người có trách nhiệm. Sau này, phần nông sản nào Công an chứng minh tôi mua từ nguồn chân chính sẽ không bị hư hỏng khi trả lại. Cả phần được cho là của gian nữa, dù có sung vào công quỹ thì việc bảo quản thiết nghĩ cũng là điều cần thiết. Tuy nhiên, tôi đã 2 lần làm đơn đề xuất nguyện vọng nhưng đều bị từ chối”.
Phóng viên làm việc với ông Mai Văn Hùng-Đội trưởng Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm hình sự Công an huyện Mang Yang. Ảnh: Như Ý |
Làm chứng về việc này, một hàng xóm của anh Tĩnh (xin được giấu tên) khẳng định, gia đình Tĩnh hành nghề mua nông sản từ người dân ở các làng lân cận từ rất lâu. Gia đình người này cũng nhiều lần bán vỏ bời lời khai thác từ vườn nhà cho Tĩnh. Cứ mùa nào thức ấy, người dân sau khi đi rẫy về thường ghé vào nhà anh Tĩnh để bán khi thì vài ba ký mì, vỏ bời lời, lúc thì bó đót. Hầu như ngày nào cũng tấp nập người ra vô chỗ này. Số bời lời bị Công an thu, anh Tĩnh đã mua và phơi khá lâu. Điều lạ nữa là, ngày hôm ấy (ngày 23-2-2015), Công an tịch thu nông sản từ nhà dân mà không hề đọc lệnh, cứ thế mà hốt vỏ bời lời cho vào bao rồi đưa lên xe chở đi, không hề cân.
Về việc này, ông Mai Văn Hùng-Đội trưởng Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm hình sự Công an huyện Mang Yang cho biết: Vào ngày 27-2-2015, sau khi nhận được tin báo về việc kẻ xấu cạo vỏ cây bời lời của nhiều hộ dân ở các xã Đak Ta Ley, Hà Ra, Công an huyện đã lập tức điều tra. Quá trình xác minh, Công an xã Hà Ra phát hiện nhà ông Tĩnh thu mua, phơi vỏ bời lời có dấu hiệu nghi vấn nên Công an đã tiến hành các bước điều tra ban đầu. Hiện tại, Công an huyện vẫn đang điều tra vụ án nên từ chối nguyện vọng bảo quản số vật chứng trên của ông Tĩnh. “Công an huyện sẽ có trách nhiệm bảo quản số vật chứng trên. Nếu số nông sản này xuống cấp hoặc hư hỏng, cơ quan Công an sẽ bồi thường theo quy định pháp luật”-vị Đội trưởng khẳng định.
Để làm rõ hơn vấn đề, ngày 1-4-2015, P.V đã làm việc với ông Nguyễn Hữu Hải-Trưởng Công an xã Hà Ra, ông này thừa nhận, vào ngày 23-2-2015, nhận được tin báo của người dân về việc nhà ông Tĩnh có phơi vỏ bời lời thu mua của kẻ gian, Công an xã đã tiến hành xác minh. Ngày hôm đó, ông Tĩnh đã không chứng minh được số nông sản trên được mua từ đâu nên Công an xã tiến hành tạm tịch thu để làm vật chứng vụ án. Khi chúng tôi hỏi, ông đã có đầy đủ chứng cứ về việc kẻ trộm bán vỏ bời lời cho anh Tĩnh chưa mà đã quyết định tịch thu vật chứng? Ông Hải cho rằng, đã đủ cơ sở dù sau khi đưa vật chứng về UBND xã, ông này mới tiến hành tìm hiểu về những người bán nông sản cho anh Tĩnh (?).
Theo như lời ông Mai Văn Hùng, vào ngày 27-2-2015, Công an huyện Mang Yang mới nhận được tin báo về việc nhiều hộ dân ở 2 xã Đak Ta Ley và Hà Ra bị kẻ gian cạo trộm vỏ bời lời, sau đó mới vào cuộc và đến nay vụ án vẫn đang trong quá trình điều tra xác minh. Vậy thì trong 4 ngày đó (từ ngày 23 đến ngày 27-2-2015), Công an xã Hà Ra đã dựa vào đâu mà quyết định tịch thu nông sản của anh Tĩnh?
Phóng viên làm việc với Chủ tịch UBND và Công an xã Hà Ra. Ảnh: Ngọc Linh |
Về vấn đề này, ông Nguyễn Giới-Chủ tịch UBND xã Hà Ra thẳng thắn nêu quan điểm: Xã Hà Ra là địa bàn “nóng” về tình hình an ninh chính trị. Nhiều đối tượng cứ ẩn nấp trong rừng, cạo vỏ bời lời của dân đem bán lấy tiền hoạt động bất chính. Ở đây hầu như nhà nào cũng trồng cây bời lời và đây là cây trồng chủ lực. Việc kẻ gian trộm vỏ bời lời khiến cho cây chết nên nhiều hộ chán nản, bỏ không trồng... Việc này vừa gây ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế vừa gây mất an ninh trật tự và nghiêm trọng hơn là vấn đề an ninh nông thôn. Do đó, trong sự việc này quá trình làm việc có đúng quy trình hay không thì sẽ xem xét sau nhưng trước mắt là làm thật nghiêm khắc. Việc Công an xã vào cuộc quyết liệt là chỉ đạo của địa phương nhằm đảm bảo an ninh chính trị trên địa bàn…
Như Ý-Ngọc Linh