Khoa học - Công nghệ

Tin tức công nghệ

Công bố các email được hacker dùng để phát tán mã độc Petya

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Cục An toàn Thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 28-6 đã ra công văn số 338/CATTT-TĐQLGS cảnh báo biến thể mới của mã độc tống tiền Ransomware (mã độc Petya) gửi các đơn vị chuyên trách công nghệ của các bộ, Sở Thông tin và Truyền thông của các địa phương, tập đoàn kinh tế…

 Ảnh minh họa. (Nguồn: Rappler)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Rappler)



Công văn do Phó Cục trưởng Nguyễn Huy Dũng ký nêu rõ mã độc tống tiền, mã độc mã hóa dữ liệu (Ransomware) từ khi xuất hiện đã gây thiệt hại không nhỏ cho nhiều tổ chức, doanh nghiệp. Sau đợt tấn công hồi tháng Năm của WannaCry, ngày 27-6 mã độc Ransomware lại tiếp tục gây ảnh hưởng tới nhiều nước trên thế giới.

Biến thế mã độc lần này có tên Petya (còn gọi là Petwrap) không chỉ khai thác và lây lan thông qua lỗ hổng MS17-010 mà còn có thể lây nhiễm vào máy tính đã vá lỗ hổng này thông qua công cụ WMIC (công cụ có sẵn trong Windows cho phép truy cập và thiết lập cấu hình trên các máy Windows); công cụ PSEXE (công cụ cho phép truy cập vào máy tính Windows từ xa mà người dùng không biết thông qua dịch vụ SMB) và lỗ hổng CVE-2017-0199 (lỗ hổng trong Microsoft Office/WordPad cho phép tin tặc chiếm quyền điều khiển hệ thống).

“Các lỗ hổng trên đã có bản vá, tuy nhiên có nhiều máy tính vẫn chưa cập nhật và có thế là nạn nhân của đợt tấn công lần này,” ông Dũng cho biết.

Vẫn theo Cục An toàn thông tin, Petya có hoạt động rất khác so với các biến thể Ransomware khác. Petya khi lây nhiễm vào máy tính sẽ không mã hóa từng tập tin, mà thực hiện mã hóa Bảng File (Master File Table – MFT, chứa thông tin về tất cả các tập tin và thư mục trong phân vùng) và thay thế Master Boot Record của máy tính bằng tập tin độc hại để hiển thị thông tin đòi tiền chuộc. Do vậy máy tính người dùng sẽ không thể khởi động được khi bị nhiễm mã độc này.

Một số hòm thư điện tử dùng để phát tán mã độc Petya là wowsmith123456@posteo.net, iva76y3pr@outlook.com, carmellar4hegp@outlook.com, amanda44i8sq@outlook.com. Khi lây nhiễm máy tính có kết nối mạng đến một số địa chỉ: 185.165.29.78; 84.200.16.242; 111.90.139.247; 95.141.115.108.

Để ngăn chặn, Cục An toàn thông tin khuyến nghị các cơ quan, tổ chức kiểm tra và bảo đảm các máy tính trong hệ thống mạng đã vá các bản vá bảo mật, đặc biệt là MS17-010, CVE 2017-0199; Chặn toàn bộ kết nối liên quan đến dịch vụ SMB (445/137/138/139) từ ngoài Internet; Vô hiệu hóa WMIC (Windows Management Instrumentation Command-line); Không truy cập vào các liên kết lạ, cảnh giác cao khi mở các tập tin đính kèm trong thư điện tử; Sao lưu các dữ liệu quan trọng thường xuyên vào các thiết bị lưu trữ riêng biệt; Cập nhật phần mềm diệt virus.

Bên cạnh đó, cần tắt dịch vụ SMB trên tất cả cả các máy trong mạng LAN (nếu không cần thiết); Tạo tệp tin "C:\Windows\perfc" để ngăn ngừa nhiễm ransomware. Đây là tập tin mã độc kiểm tra trước thực hiện các hành vi độc hại trên máy tính.

Theo TTXVN

Có thể bạn quan tâm