7 luật được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 7 gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm; Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14; Luật Đầu tư công năm 2019; Luật Kiến trúc; Luật Giáo dục năm 2019; Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Luật Thi hành án hình sự năm 2019.
Sáng 4/7, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật đã được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ bảy. Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung chủ trì và điều hành cuộc họp.
Khắc phục tình trạng "con gà, quả trứng" của đầu tư công
Thông tin về những điểm mới của Luật Đầu tư công, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Trung cho biết Luật thống nhất được định nghĩa về nguồn vốn đầu tư công. Theo đó, quy định hai loại vốn đầu tư công, bao gồm vốn ngân sách nhà nước và vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư theo quy định của pháp luật.
Đáng chú ý, luật khi được thực thi sẽ đổi mới mạnh mẽ phương thức kế hoạch hóa nhằm đáp ứng tốt hơn đối với thực tiễn vận hành của nền kinh tế, khắc phục được vướng mắc lớn nhất về đầu tư công trước đây, đó là vấn đề "con gà, quả trứng" - nghĩa là vốn có trước hay dự án có trước.
Trả lời câu hỏi của các phóng viên về việc các cơ quan báo chí có thể tiếp cận hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về đầu tư công hay không, Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung nêu rõ, theo quy định, đây là thông tin phục vụ quản lý nhà nước nên chưa mở cho các cơ quan báo chí tiếp cận. Trường hợp cơ quan báo chí có yêu cầu về thông tin liên quan đến quản lý nhà nước về đầu tư công thì các cơ quan liên quan sẽ cung cấp thông tin cho báo chí theo quy định của pháp luật.
Luật Đầu tư công có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020.
Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung chủ trì cuộc họp. Ảnh: TH. |
Nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết Luật Giáo dục năm 2019 có nhiều điểm mới. Cụ thể, làm rõ tính liên thông, phân luồng, hướng nghiệp trong giáo dục. Luật hóa chủ trương đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (GDPT). Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm về chất lượng chương trình GDPT, ban hành chương trình GDPT sau khi hội đồng quốc gia thẩm định...
Bên cạnh đó, luật cũng quy định nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở (THCS) và giảng viên đại học. Quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt đối với học sinh, sinh viên (HSSV) sư phạm.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ khẳng định, theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo…, Luật đã quy định lộ trình thực hiện chuẩn hóa trình độ giáo viên các cấp học. Tuy nhiên, vấn đề này đòi hỏi phải có nhiều thời gian để khảo sát, đánh giá tác động nên luật quy định giao Chính phủ ban hành văn bản quy định chi tiết, bảo đảm tính khả thi.
Tránh lợi dụng luật để trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế
Có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020, Luật Quản lý thuế gồm 17 chương, 152 điều.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho hay: Luật sửa đổi phạm vi điều chỉnh, bảo đảm bao quát việc quản lý các loại thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước, sửa đổi các quy định để tạo cơ sở pháp lý cho quản lý thuế hiện đại, tiếp cận tới những chuẩn mực, thông lệ quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người nộp thuế, quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý thuế cũng như các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý thuế. Sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính. Quy định các giải pháp nhằm nâng cao tính tuân thủ pháp luật về thuế của người nộp thuế, xử lý vi phạm hành chính về quản lý thuế, chống xói mòn cơ sở tính thuế và hoàn thiện các quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết để phòng, chống chuyển giá.
Luật Quản lý thuế mới làm rõ thêm những quy định về xử lý nợ tiền gốc, tiền phạt, phạt chậm nộp thế nào theo từng cấp độ, từng đối tượng. Luật cũng mở rộng thêm quyền của Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục thuế và Cục trưởng Cục thuế. Tuy nhiên, việc xử lý những khoản nợ đọng thuế lớn phải báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài chính, nếu lớn hơn 15 tỷ đồng thì phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Nghiêm cấm uống rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông
Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết: Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia số 44/2019/QH14 gồm 7 chương, 36 điều, quy định 13 hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu, bia, trong đó có một số hành vi đáng chú ý như nghiêm cấm xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia; nghiêm cấm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ, người làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân, học sinh, sinh viên uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ ngơi giữa giờ làm việc, học tập; nghiêm cấm điều khiển phương tiện giao thông bao gồm cả xe máy mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2020.
Luật Thi hành án hình sự năm 2019 gồm 16 chương, 207 điều, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến thực hiện các chế độ của phạm nhân theo hướng cụ thể, nhân đạo, bảo đảm tốt nhất quyền con người trong quá trình chấp hành án. Luật cũng đã bổ sung Điều 35 quy định về xếp loại chấp hành án phạt tù, Điều 45 quy định về tái hòa nhập cộng đồng. Luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2020.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/11/2019.
Luật Kiến trúc gồm 5 chương, 41 điều đã bao quát 2 nội dung chính sách cơ bản là quản lý kiến trúc và hành nghề kiến trúc. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020.
Thu Hằng (ĐCSVN)