Chính trị

Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 7 luật vừa được Quốc hội thông qua

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Văn phòng Chủ tịch nước công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật được thông qua, trong đó có Luật Căn cước; Luật Lực lượng Tham gia Bảo vệ An ninh, Trật tự ở cơ sở, Luật Nhà ở.
Phiên bế mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Phiên bế mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Sáng 25/12, tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6, bao gồm: Luật Căn cước; Luật Lực lượng Tham gia Bảo vệ An ninh, Trật tự ở cơ sở; Luật Quản lý, Bảo vệ Công trình Quốc phòng và Khu quân sự; Luật Viễn thông; Luật Tài nguyên nước; Luật Nhà ở; Luật Kinh doanh Bất động sản.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà chủ trì họp báo.

Cấp, quản lý căn cước điện tử

Luật Căn cước năm 2023 có 7 chương, 46 điều; có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.

Đối tượng áp dụng Luật Căn cước năm 2023 được mở rộng hơn so với Luật Căn cước công dân năm 2014.

Ngoài áp dụng đối với công dân Việt Nam, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, Luật còn áp dụng đối với người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam.

Luật Căn cước năm 2023 quy định mở rộng, tích hợp nhiều thông tin khác của công dân và người gốc Việt Nam trong các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước so với Luật Căn cước công dân năm 2014 để trực tiếp phục vụ việc ứng dụng tiện ích của thẻ căn cước, căn cước điện tử, kết nối, chia sẻ thông tin người dân.

Luật đã sửa đổi, bổ sung theo hướng lược bỏ vân tay và sửa đổi quy định về thông tin số thẻ căn cước, dòng chữ “căn cước công dân, quê quán, nơi thường trú, chữ ký của người cấp thẻ” thành “số định danh cá nhân, căn cước, nơi đăng ký khai sinh, nơi cư trú trên thẻ căn cước”… tạo thuận lợi cho người dân trong quá trình sử dụng thẻ căn cước, hạn chế phải cấp đổi thẻ căn cước và bảo đảm tính riêng tư của người dân.

Cấp, quản lý căn cước điện tử là nội dung mới so với quy định của Luật Căn cước công dân năm 2014.

Luật Căn cước năm 2023 quy định mỗi công dân Việt Nam được cấp 1 căn cước điện tử, có giá trị tương đương như thẻ căn cước sử dụng để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công và các giao dịch, hoạt động khác theo nhu cầu của công dân.

Bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội

Luật Lực lượng Tham gia Bảo vệ An ninh, Trật tự ở cơ sở năm 2023 có 5 chương, 33 điều; có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.

Việc xây dựng luật nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về kiện toàn, sắp xếp, tinh gọn đầu mối bên trong gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ quyền hạn, mối quan hệ công tác của từng tổ chức cơ sở; giảm chi ngân sách nhà nước; cụ thể hóa và tạo cơ sở pháp lý để bảo đảm thi hành quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới. Đồng thời xây dựng, củng cố phong trào toàn dân bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở do đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, các lực lượng chức năng trong đó, công an nhân dân làm nòng cốt thực hiện…

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre biểu quyết thông qua Luật Lực lượng Tham gia Bảo vệ An ninh, Trật tự ở cơ sở. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre biểu quyết thông qua Luật Lực lượng Tham gia Bảo vệ An ninh, Trật tự ở cơ sở. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Luật quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức, hoạt động quan hệ công tác, xây dựng lực lượng, bảo đảm điều kiện hoạt động và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Củng cố vững chắc nền quốc phòng toàn dân

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế của Pháp lệnh Bảo vệ Công trình Quốc phòng và Khu quân sự năm 1994 và thể chế hóa đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng về bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho hoạt động quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, góp phần tăng cường tiềm lực quốc phòng, xây dựng củng cố vững chắc nền quốc phòng toàn dân, gắn kết chặt chẽ với phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, việc xây dựng và ban hành Luật Quản lý, Bảo vệ Công trình Quốc phòng và Khu quân sự là rất cần thiết.

Luật Quản lý, Bảo vệ Công trình Quốc phòng và Khu quân sự gồm 6 chương, 34 điều; có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.

Việc xây dựng luật nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong tổ chức thực hiện xây dựng nền quốc phòng toàn dân thế trận chiến tranh nhân dân để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc trong tình hình mới.

Đồng thời, tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; xây dựng chính sách hỗ trợ, ưu tiên các chương trình đầu tư để phát triển kinh tế-xã hội đối với địa phương, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tại địa bàn bị ảnh hưởng lớn về phát triển kinh tế-xã hội, hạn chế đầu tư nước ngoài; chính sách đối với các khu vực bị hạn chế về quyền sử dụng đất và các quyền, lợi ích hợp pháp khác do yêu cầu quản lý, bảo vệ, bảo đảm an toàn cho công trình quốc phòng và khu quân sự…

Quy định nghĩa vụ doanh nghiệp viễn thông

Luật Viễn thông năm 2023 gồm 10 chương, 73 điều; có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.

Đáng chú ý, về đấu giá kho số viễn thông, tài nguyên Internet, Luật Viễn thông năm 2023 đã quy định cụ thể các loại tài nguyên viễn thông được phân bổ qua hình thức đấu giá. Việc lựa chọn mã, số viễn thông phân bổ qua đấu giá sẽ do thị trường quyết định; sau khi mang ra đấu giá mà đấu giá không thành sẽ quay về phân bổ trực tiếp, tuần tự. Luật quy định việc xác định giá khởi điểm để đấu giá cho từng loại mã, số viễn thông, tên miền Internet.

Luật bổ sung quy định nghĩa vụ của doanh nghiệp viễn thông phải xác thực, lưu trữ, quản lý thông tin thuê bao, xử lý các sim có thông tin không đầy đủ, không chính xác (sim rác), ngăn chặn tin nhắn rác, cuộc gọi vi phạm pháp luật; bổ sung quy định nghĩa vụ của thuê bao viễn thông không được sử dụng thông tin cá nhân của mình để giao kết hợp đồng cho người khác trừ trường hợp pháp luật cho phép và chịu trách nhiệm về các số thuê bao đã đăng ký sử dụng.

Bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia

Luật Tài nguyên nước 2023 gồm 10 chương và 86 điều; có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024; đã cụ thể hóa 4 nhóm chính sách về: bảo đảm an ninh nguồn nước; xã hội hóa ngành nước; kinh tế tài nguyên nước; bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống tác hại do nước gây ra và sửa đổi, bổ sung một số chính sách khác.

Bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia là kim chỉ nam trong quá trình xây dựng cho đến khi được Quốc hội thông qua Luật Tài nguyên nước.

Các chính sách liên quan đến an ninh nguồn nước được thể hiện xuyên suốt trong các chương, điều của luật.

Mục tiêu đến năm 2030, hướng tới nâng cao mức đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia lên nhóm các quốc gia đảm bảo an ninh tài nguyên nước hiệu quả trong khu vực Đông Nam Á và tiệm cận với các nước tiên tiến trên thế giới.

Bảo đảm số lượng, chất lượng nước phục vụ dân sinh trong mọi tình huống, đáp ứng yêu cầu sử dụng nước cho các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường và giảm thiểu rủi ro tác hại từ các thảm họa do con người và thiên nhiên gây ra liên quan đến nước.

Đồng thời có chính sách ưu đãi đối với các dự án đầu tư khai thác nước cấp cho sinh hoạt, sản xuất cho người dân các vùng khan hiếm nước ngọt, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; tạo điều kiện tiếp cận nước sinh hoạt cho người nghèo, phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật và các đối tượng dễ bị tổn thương khác.

Một trong những nguyên tắc cốt lõi của luật là tài nguyên nước phải được quản lý tổng hợp, thống nhất về số lượng và chất lượng, giữa nước mặt và nước dưới đất, giữa thượng lưu và hạ lưu; phân công, phân cấp rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước, nguồn nước với trách nhiệm quản lý nhà nước về quy hoạch, xây dựng, vận hành công trình thủy lợi, thủy điện, cấp nước đô thị, cấp nước nông thôn; giải quyết những chồng chéo, đan xen, xung đột, có lỗ hổng trong các luật nhằm nâng cao hiệu lực hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước, đảm bảo an ninh tài nguyên nước quốc gia.

Phát triển nhà ở cho nhân dân

Luật Nhà ở (sửa đổi) gồm 13 chương, 198 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.

Việc xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi) nhằm kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc phát triển nhà ở cho nhân dân, đặc biệt là người có thu nhập thấp và người nghèo, không có khả năng tạo lập nhà ở theo cơ chế thị trường; sửa đổi hoàn thiện các quy định của Luật Nhà ở năm 2014 phù hợp với tình hình thực tế, tháo gỡ các tồn tại, hạn chế, bảo đảm tính hợp hiến, sự thống nhất, đồng bộ giữa quy định của Luật Nhà ở (sửa đổi) với các luật khác có liên quan.

Luật Nhà ở (sửa đổi) có những điểm mới cơ bản liên quan đến chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của tỉnh; phát triển nhà ở; cải tạo, xây dựng lại chung cư; chính sách về nhà ở xã hội; tài chính cho phát triển nhà ở; quản lý, sử dụng nhà ở; quản lý sử dụng nhà chung cư…

Quản lý chặt chẽ thị trường bất động sản

Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi) gồm 10 chương, 83 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.

Việc xây dựng Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi) nhằm kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc phát triển và quản lý chặt chẽ thị trường bất động sản, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển lành mạnh, bền vững và vận hành thông suốt thị trường bất động sản; vận hành đồng bộ thị trường quyền sử dụng đất, thị trường lao động, thị trường bất động sản; đảm bảo thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch.

Đồng thời, sửa đổi, hoàn thiện các quy định của Luật Kinh doanh Bất động sản năm 2014 cho phù hợp với tình hình thực tế, tháo gỡ các tồn tại, hạn chế, bảo đảm tính hợp hiến, sự thống nhất, đồng bộ giữa quy định của Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi) với các luật khác có liên quan.

Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi) có một số điểm mới liên quan đến phạm vi điều chỉnh của luật; các loại bất động sản, dự án bất động sản đưa vào kinh doanh; công khai thông tin về bất động sản, dự án bất động sản đưa vào kinh doanh; điều kiện đối với tổ chức cá nhân khi kinh doanh bất động sản; chính sách về kinh doanh nhà ở, công trình xây dựng có sẵn và hình thành trong tương lai; chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật trong dự án bất động sản cho cá nhân tự xây dựng nhà ở và chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật trong dự án bất động sản cho tổ chức; chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản; hợp đồng kinh doanh bất động sản.

Có thể bạn quan tâm