Thời sự - Bình luận

Cồng chiêng nữ: Đôi điều suy ngẫm

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Nhiều người dân và du khách có mặt trong chương trình “Cồng chiêng cuối tuần-Thưởng thức và trải nghiệm” tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku) đã không giấu được sự ngạc nhiên và thích thú khi xem đội cồng chiêng nữ làng Leng (xã Tơ Tung, huyện Kbang) biểu diễn.

Có lẽ là bởi trong suy nghĩ của không ít người, phụ nữ thường gắn với những vòng xoang ở các lễ hội truyền thống.

Điều đó thực ra cũng dễ hiểu. Khi đọc lại một số luật tục của người Jrai, Bahnar, Ê Đê… cá nhân tôi chưa tìm thấy có điều nào cấm kỵ đối với phụ nữ đánh cồng chiêng trong các lễ hội truyền thống.

Có thể từ xa xưa, các dân tộc ở khu vực Trường Sơn-Tây Nguyên quan niệm đánh cồng chiêng trong các lễ hội truyền thống là việc thiêng liêng và nặng nhọc chỉ dành cho phái nam; còn phụ nữ là phái yếu, họ uyển chuyển, dẻo dai phù hợp với những vòng xoang.

Lâu dần, việc này đã trở thành một thói quen, như thông lệ trong cộng đồng nên không ai truyền dạy đánh cồng chiêng cho phụ nữ.

Đội chiêng nữ làng Leng (xã Tơ Tung, huyện Kbang) biểu diễn trong chương trình “Cồng chiêng cuối tuần-Thưởng thức và trải nghiệm” tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku). Ảnh: H.N

Đội chiêng nữ làng Leng (xã Tơ Tung, huyện Kbang) biểu diễn trong chương trình “Cồng chiêng cuối tuần-Thưởng thức và trải nghiệm” tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku). Ảnh: H.N

Từ lâu, người Bih (một nhánh của tộc người Ê Đê) ở thị trấn Buôn Trấp (huyện Krông Ana, tỉnh Đak Lak) có đội cồng chiêng nữ với dàn chiêng 6 chiếc. Có lẽ đây là đội cồng chiêng nữ độc nhất của các dân tộc ở Tây Nguyên lúc bấy giờ.

Đến nay, qua nhiều thế hệ nhưng những nghệ nhân lớn tuổi vẫn truyền dạy cho thế hệ con cháu duy trì đội chiêng nữ. Dàn chiêng 6 chiếc có độ lớn vừa phải, phù hợp với nữ giới khi biểu diễn, được chia làm 3 tốp (mỗi tốp 2 người) gồm: đôi chiêng cha, đôi chiêng mẹ và đôi chiêng con; có 1 chiếc trống giữ nhịp cho cả dàn chiêng.

Đặc biệt, đội chiêng nữ này còn lưu giữ được nhiều bài chiêng cổ như: đón khách, tiễn khách, mừng lúa mới...

Hiện nay, ngành Văn hóa tỉnh Đak Lak đã có nhiều hình thức khuyến khích nhằm bảo tồn văn hóa cồng chiêng, nhất là đội chiêng nữ để duy trì di sản văn hóa độc đáo của dân tộc mình.

Có lẽ từ đội chiêng nữ ở Buôn Trấp mà cộng đồng các dân tộc thiểu số Tây Nguyên đã có sự đổi thay trong nhận thức, chung tay bảo tồn các di sản văn hóa của cha ông trong cộng đồng, trong đó có sự phát triển các đội chiêng nữ. Sau khi đội cồng chiêng nữ làng Leng được thành lập (năm 2014), phong trào này đã lan tỏa đến nhiều buôn làng với khoảng 25 câu lạc bộ cồng chiêng nữ.

Hiện nay, các festival cồng chiêng và lễ hội văn hóa ở địa phương đều có các đội cồng chiêng nữ tham gia, được đông đảo người dân, du khách hâm mộ, thích thú với lối chơi, biểu diễn thuần thục, hấp dẫn.

Việc phát triển các đội cồng chiêng nữ là xu thế tất yếu. Nhưng những người làm văn hóa ở địa phương cũng không tránh khỏi sự lo lắng về chất lượng và sự cải tiến của các đội cồng chiêng nữ dễ dẫn đến “lạc điệu” trong việc bảo tồn và phát huy di sản cồng chiêng.

Thiết nghĩ, cần có sự thường xuyên góp ý, điều chỉnh của những nghệ nhân có kinh nghiệm, những người am hiểu văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số; đồng thời, tích cực sưu tầm các bài chiêng cổ và truyền dạy cho các đội cồng chiêng nữ mới hình thành nhằm bảo tồn, phát huy di sản văn hóa độc đáo này.

Có thể bạn quan tâm