TN - Đất & Người

Cồng chiêng ơi, ta đứng về phía các già làng!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Có thể nói, âm nhạc cồng chiêng là tài sản vô giá của bà con các dân tộc Tây Nguyên, cụ thể là của các cộng đồng làng rừng. Làng rừng còn thì âm nhạc cồng chiêng còn. Và ngược lại. Sự tồn tại của cồng chiêng cũng bất khuất như­ chính các tộc ng­ười sinh ra nó. Dẫu có trải qua không biết bao nhiêu cuộc chiến tranh, không biết bao nhiêu thiên tai tàn khốc, tiếng cồng tiếng chiêng vẫn âm vang khắp núi rừng Tây Nguyên.

Không buôn làng nào không có cồng chiêng. Và mỗi con ng­ười từ khi đ­ược sinh ra cho tới lúc “xuống ở dư­ới nhà mồ” vẫn đem theo âm thanh kỳ diệu ấy. Khi vui có bài vui. Lúc buồn có bài buồn. Mỗi lễ hội có bài riêng. Chỉ cần nghe tiếng cồng chiêng ở buôn làng nào là người ta hiểu ngay làng ấy đang có công việc gì, đang có sự kiện gì. Sự gắn bó của từng thành viên với cộng đồng thể hiện ngay ở chính dàn cồng chiêng, với những bài, những giai điệu mà nếu chỉ 1, 2 người chơi thì không thể nào tạo nên được.

 

Truyền dạy cồng chiêng là điều cần thiết song cần tìm được tiếng nói chung giữa 2 thế hệ. Ảnh: internet
Truyền dạy cồng chiêng là điều cần thiết song cần tìm được tiếng nói chung giữa 2 thế hệ. Ảnh: internet

Có lẽ chính vì vậy mà bất cứ người Tây Nguyên nào cũng từng là nhạc công, từng là thành viên đội ching, đội chiêng của làng mình, buôn mình. Và trong mỗi làng, thậm chí trong một vùng, lúc nào cũng có một vài người sành hơn, người ấy có thể so chiêng cho đúng nốt, dẫn dắt cả đội theo nhịp của bài chiêng không bị sai, không bị lỗi. Trong mỗi cộng đồng chiêng gồm có 2 tổ. Tổ có núm còn gọi là cồng và tổ không có núm gọi là chiêng bằng. Chiêng có núm (cồng) giữ nhịp, đệm cho chiêng bằng tấu lên các giai điệu của bản nhạc. Chủ yếu là nhạc không lời. Nhưng ở một vài vùng Bahnar, người ta dựa theo giai điệu nhạc chiêng đặt lời để hát. Thậm chí người ta dựa vào nhạc chiêng để thổi đinh yơng, vỗ klông put. Ở vùng đồng bào Jrai, đôi khi có những giai điệu cồng chiêng dựa theo các làn điệu dân ca. Nhưng sau này còn lại rất ít. Người ta lại “cải tiến” cồng chiêng bừa bãi đến mức đáng báo động. Ví như­ cồng (chiêng có núm) được tăng thêm tức là thêm nốt, gốc của nó là đệm, là giữ nhịp thì giờ đây lấn át sang cả chiêng bằng, thành ra chính nó tạo nên giai điệu, có lẽ để phù hợp với tiết tấu hiện đại vừa nhanh hơn, vừa “thực dụng” hơn!

Tôi có đôi lần được xem, đư­ợc nghe chiêng cải tiến. Dàn chiêng này đệm cho ca sĩ hát những bài hát mới. Mới đầu nghe, có vẻ có lý, có vẻ tiến bộ. Nhưng thực chất nó đã làm hại mình. Người ta chạy theo tiết tấu mà bỏ quên giai điệu. Sự phản ứng của bà con, nhất là những người già biểu hiện rất rõ. Họ đặt cho chiêng “cải tiến” rất nhiều tên xấu: “chiêng trẻ nít” vì toàn người trẻ đánh; chiêng atâu (tức chiêng ma). Thậm chí có nơi còn gọi chiêng cải tiến bằng những thứ rất tục tĩu. Sự thể đôi lúc rất căng thẳng. Cả làng tổ chức pơthi (bỏ mả) thì lớp thanh thiếu niên đòi đánh ching chiêng cải tiến trước, đánh chán rồi mới tới các người già. Người già chỉ đánh chiêng với những cái chiêng cổ truyền cùng các giai điệu cổ truyền.

Chiêng cải tiến nhưng các cụ già gọi là “cải lùi” vì nó mất đi tính cộng đồng vốn có. Dàn chiêng cải tiến được đặt trên giá, chỉ cần một người gõgiống như gõ trống trong dàn nhạc jazz, nhạc rock. Chủ yếu là chơi bài hát mới, có thể biểu diễn trên sân khấu. Còn chiêng cổ truyền thì mỗi nhạc công chỉ phụ trách một nốt, một người đánh sai là sai cả dàn. Nó đòi hỏi cái tai người nhạc công, cái tay người nhạc công không được lạc. Nó chỉ hay trong không gian rừng núi, buôn làng, trong lễ hội chứ không thích hợp với việc biểu diễn trên sân khấu. “Sân khấu” của cồng chiêng là sân làng, là nơi hội hè đông đúc, là khu nhà mồ, là đống lửa đêm rừng chứ không phải phông màn, càng không phải thứ ánh sáng hiện đại nhiều màu nhấp nhóa.

Cồng chiêng và âm nhạc cồng chiêng gắn liền với đời sống sinh hoạt của cộng đồng làng. Những nhà giàu được tính là giàu khi có mấy bộ ching chiêng. Những làng buôn giàu có được gọi là giàu có vì làng ấy, buôn ấy có nhiều bộ ching chiêng quý. Càng cổ xưa càng quý. Cồng chiêng thực chất là 2 từ đã được Việt hóa. Thực ra ngay trong một dân tộc như dân tộc Jrai ở vùng Ayun Pa, Krông Pa, Pleiku gọi cồng chiêng là ching; trọn bộ người ta cũng gọi là ching. Ở vùng Chư Prông, Chư Pah thì gọi bộ cồng gồm 3 cái hoặc 6 cái là chiêng. Một bộ có tới 16 chiếc gọi là bộ ching chiêng. Ching chiêng cổ quý hiếm bây giờ hiện còn được bao nhiêu bộ, có lẽ khó mà thống kê hết được (!). Tôi đã có lần được dự lễ pơthi ở Chư Prông và được sờ tay vào những chiếc ching, chiếc chiêng quý hiếm cổ xưa, toàn thân chúng màu đen, nhẵn và trơn giống như da cá trê, chiêng rất mỏng nhưng tiếng rất trầm và vang, ngân rất lâu. Có loại ching chiêng da nhẵn nhưng có vết búa, vết rạn như mu rùa. Nói chung loại ching chiêng cổ đánh lên ngân rất xa, rơi không vỡ. Thực ra ở Tây Nguyên có rất nhiều loại cồng chiêng, nhưng loại được coi là cổ phải có những tiêu chuẩn riêng mà chỉ có các cụ già mới xác định được.

Càng đi sâu vào tìm hiểu ta càng thấy cái lý của người già không đơn giản. Vì không phải là nhà nghiên cứu chuyên nghiệp nên có thể cách nhìn của tôi thiên lệch. Mỗi lần thấy người ta đem cồng chiêng lên sân khấu, tôi lại thốt lên: “Cồng chiêng ơi, ta đứng về phía các già làng!”. Vâng, tôi đứng về “phe bảo thủ” trong tiến trình bảo tồn văn hóa cổ truyền. Sự cải tiến cồng chiêng để đưa lên sân khấu tạo nên những ấn tượng rất xấu đối với quan niệm của tôi. Tôi rất tâm đắc với ông Trịnh Kim Sung (cố Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin Gia Lai-Kon Tum cũ) rằng, muốn phổ biến âm nhạc cồng chiêng được sâu rộng thì chỉ có hình thức tối ưu nhất, đó là hàng năm ở các tỉnh Tây Nguyên nên luân phiên nhau tổ chức nhạc hội cồng chiêng. Và cũng cần có tinh thần cực đoan ở điểm này rằng, nhạc hội cồng chiêng chỉ nên tổ chức ở Tây Nguyên, không nên “lôi” xuống các đô thị, có như vậy mới gọi là đặc sản quý hiếm! Vì không thể tách cồng chiêng ra khỏi môi trường không gian rừng núi với những nét sinh hoạt của cộng đồng làng rừng, nơi đã sản sinh ra nó. Tách nó ra khỏi môi trường của mình cũng giống như tách cá ra khỏi nước. Cũng có thể nói, cồng chiêng là hồn của núi, tách hồn ra khỏi xác hỏi còn gì nữa, Yàng ơi!

Trung Trung Đỉnh

Có thể bạn quan tâm