Champions League luôn là trải nghiệm "đẫm máu" với Man United ở những lần họ thành công nhất. Ngót 20 năm, thêm lần nữa châu Âu phải sửng sốt với cái tên Solskjaer.
Nói về cảm xúc của mình khi ghi bàn vào lưới Bayern Munich, đem chiếc cúp vô địch Champions League về cho Quỷ đỏ sau trận đấu nghẹt thở 20 năm về trước, Solskjaer thú nhận rằng ý nghĩ đầu tiên nảy ra trong đầu mình khi ấy là: "Thôi bỏ mẹ, việt vị rồi".
Pha ăn mừng sau bàn thắng ấy đã đi vào lịch sử Man United, một cú trượt dài bằng đầu gối trên cỏ. Pha ăn mừng ấy đã lấy đi của Solskjaer vài trận ở ĐTQG Na Uy mùa Hè năm ấy, bởi chấn thương dây chằng mà nó để lại, nhưng với "Sát thủ có bộ mặt trẻ thơ", nó hoàn toàn xứng đáng để đánh đổi, bởi với anh, chức vô địch Champions League là điều tốt nhất, vĩ đại nhất.
Đêm qua, trên Công viên các hoàng tử, Marcus Rashford cũng đã thực hiện một pha ăn mừng như thế sau bàn thắng đem về chiến công kỳ vĩ của Man United trên đấu trường Champions League. Khi bóng thổi tung lưới thủ thành kỳ cựu Buffon, đồng hồ trên sân chỉ sang phút 90+4. Hai mươi năm về trước, bàn thắng đem về chức vô địch Champions League cho Man United được ghi ở phút 90+3.
Manchester United là thế đấy, những trải nghiệm đẹp nhất của Quỷ đỏ ở đấu trường Champions League luôn khiến những người cứng rắn nhất cũng phải rùng mình. Là hai bàn thắng ghi vào phút bù giờ ngược dòng 20 năm về trước, là cú sút 11m trượt chân của Terry ở loạt luân lưu 11 năm về trước, và giờ đây đến lượt bàn thắng của Rashford.
Hai mươi năm, là Ole Gunna Solskjaer - người ghi bàn thắng kết liễu trận chung kết Champions League 1999, mở ra một kỷ nguyên hùng vĩ cho đội bóng màu đỏ thành Manchester. Hai mươi năm sau, vẫn là một Solskjaer vực Quỷ đỏ dậy từ đáy vực sâu, để người hâm mộ thấy lại được không chỉ là hình hài của Quỷ đỏ ngày nào, mà còn ngập tràn tinh thần, khí phách kiên cường của một đội bóng chưa từng biết sợ.
Hai mươi năm đã trôi qua, nhưng "cánh cổng địa ngục" chực chờ "nuốt chửng" Quỷ đỏ vẫn chẳng thay đổi, và nhân vật chính cứu vớt, đưa họ lên thẳng đỉnh Olympus cũng vẫn cùng một người - Ole Gunnar Solskjaer.
Trong con người của Solskjaer, suốt 20 năm qua vẫn luôn chảy dòng máu Quỷ đỏ - dòng máu Manchester United. Và giờ đây, anh là hiện thân của những gì Man United vẫn tự hào nhất: không bao giờ bỏ cuộc, không sợ hãi khi đối mặt với sự nghi ngờ, và nắm trong tay mình "phép thuật" để trở lại vinh quang.
Solskjaer chưa bao giờ là lựa chọn số 1, trong mắt Sir Alex Ferguson ngày ấy, cũng như trên chính chiếc ghế HLV trưởng Man United hiện tại. Nhưng giờ đây, chẳng còn ai xứng đáng hơn anh đến ngồi vào chiếc ghế Sir Alex đã từng ngồi cả, bởi chưa bao giờ Solsa chấp nhận vị trí thứ hai, và luôn chiến đấu hết mình để có được điều mình xứng đáng.
Solskjaer từng kể lại: "Có lần, 'Bố già' gọi tôi, Teddy [Sheringham], Coley (Andy Cole), Yorkey (Dwight Yorke) đến nói chuyện về việc xoay tua. Tôi và Coley đã chơi trận 2 ngày trước, và ông muốn bây giờ đến lượt Yorkey và Teddy.
Ông hỏi: 'Các cậu OK chứ?'. Cả ba đều đồng ý. Riêng tôi thì không. Tôi ngồi lỳ trong văn phòng của ông và phản đối: 'Không. Tôi nghĩ mình xứng đáng được ra sân. Tôi đã ghi bàn ở trận trước. Tôi chả có vấn đề gì khi phải chơi liền 2 trận cả. Tôi muốn chơi trận này'. Cuối cùng tôi cũng đi ra, sau khi đá xéo: 'Teddy, của ông tất đấy!'.
Cuối cùng, tôi được ra sân trận đấy, thay vì Teddy".
Ở bóng đá đỉnh cao, không có nhiều tiền đạo thành danh trên băng ghế huấn luyện. Ở Man United, không có nhiều học trò của Sir Alex làm rạng danh ông bằng nghiệp cầm quân. Có lẽ Solskjaer may mắn khi được trải nghiệm trên băng ghế huấn luyện (dự bị) nhiều hơn thời gian thi đấu trên sân, bởi từ chính vị trí ấy, góc nhìn ấy, anh không chỉ học hỏi kinh nghiệm cầm quân, mà còn có được sự đồng cảm với người thầy vĩ đại của mình.
Solskjaer không phải là cậu học trò mà Sir Alex đánh giá cao nhất, nhưng ông là cậu học trò mà HLV huyền thoại của Old Trafford tâm đắc nhất ở khía cạnh cầm quân.
Ngày Solskjaer mới tham gia công tác huấn luyện ở Man United, khi nhận được đề nghị nắm vị trí HLV trưởng đội tuyển Na Uy, anh đi hỏi "Bố già" và nhận được câu trả lời: "Tại sao cậu lại muốn điều ấy bây giờ? Cậu có thể làm điều đó khi 50 tuổi".
Rất nhiều năm sau đó, "Sát thủ có bộ mặt trẻ thơ" ngày nào vẫn tâm đắc với những gì mà người thầy vĩ đại vặc lại mình ngày ấy, bởi "Ông ấy đã nói đúng, Man United là nơi tốt nhất để tôi học cách trở thành một HLV tốt. Nhưng một ngày nào đó, tôi sẽ ngồi vào chiếc ghế ấy".
Từ năm 2000 trở đi, tức chỉ sau chức vô địch Champions League mùa 1998/99 có một năm, trên đỉnh cao sự nghiệp cầu thủ, Solskjaer đã bắt đầu học cách để trở thành Sir Alex một ngày nào đó, bằng cách luôn ghi chép tỉ mỉ lại các buổi tập.
Anh chưa bao giờ thôi tự hào về những ngày tháng tuyệt vời được sát cạnh Sir Alex như thế: "Ngày trở về cầm quân ở Molde, tôi có mọi điều mình cần trong những quyển nhật ký. Tôi hạnh phúc được đầu quân dưới quyền ông, bởi những trải nghiệm ấy là duy nhất. 'Bố già" không bao giờ thuyết giảng hàng giờ, nhưng bất cứ điều gì ông nói ra đều tạo nên sự khác biệt".
Đêm huyền diệu trên Công viên các hoàng tử, chiến thắng kỳ vĩ không phải là điều tạo nên sự khác biệt duy nhất mà Solskjaer làm cho Man United. Anh tung hai cầu thủ "mới toanh" của Quỷ đỏ là Tahith Chong và Mason Greenwood vào sân ở những phút cuối trận - khoảng thời gian mà Man United cần bàn thắng nhất để bước qua một PSG hùng mạnh.
Từng trải qua cảm giác huy hoàng nhất ở đấu trường Champions League 20 năm về trước, Solskjaer hiểu hơn ai hết được ra sân ở một trận đấu đỉnh cao, ở một đấu trường đỉnh cao như Champions League là trải nghiệm đôi khi là đáng giá nhất cuộc đời với các cầu thủ trẻ.
Như Sir Alex ngày nào, anh không nói nhiều, nhưng hành động ấy đã tạo nên sự khác biệt, bởi sau trận đấu này, chắc chắn hai cầu thủ mới 17 và 19 tuổi ấy sẽ tự tin hơn hẳn, với trải nghiệm vĩ đại trong màu áo Quỷ đỏ hôm nay. Sự tự tin ấy đôi khi sẽ là mấu chốt quyết định cho thành công trong tương lai của họ - những nhân tố sẽ cùng Solskjaer đưa Man United một lần nữa trở nên vĩ đại.
Và bàn thắng quyết định của Rashford bắt nguồn từ cú sút cực kỳ quyết đoán của một cầu thủ trẻ mới 19 tuổi khác - Diogo Dalot. Như chính Solskjaer ngày nào, họ đang tạo dựng cho mình sự nể vì từ những lần được tung vào sân từ băng ghế dự bị. Chính những trải nghiệm ấy đã làm nên một Rashford lạnh lùng trên chấm 11m, để rồi kết thúc gọn ghẽ trước thủ thành kỳ cựu Buffon, dù trong sự nghiệp chuyên nghiệp của mình chưa từng thực hiện quả penalty nào.
Solskjaer không giấu nổi vẻ tự hào khi nói về Sir Alex với màn ăn mừng trong phòng thay quần áo sau trận đấu: "Ông ấy rất vui và tự hào, bởi được thấy lại cách mà Man United chiến đấu và chiến thắng ngày nào".
Jesse Lingard, Paul Pogba, Anthony Martial, Nemanja Matic, Eric Cantona, Patrice Evra đều trở nên cuồng loạn với chiến thắng của Man United, của Solskjaer. Họ cuồng loạn bởi đã thấy được một Man United đích thực, một Man United không phụ thuộc vào những ngôi sao, mà chiến thắng bởi cũng như Solskjaer, họ tin rằng Man United có thể làm mọi điều, chiến thắng mọi đối thủ, bởi sự gắn kết và nguồn cảm hứng bất tận.
Man United vừa trải qua một cơn khủng hoảng kéo dài đằng đẵng suốt gần 6 năm trời. Họ cũng trải qua hai tuần trời phải sống trong sự nghi ngờ, dè bỉu sau trận thua "mất mặt" trên Old Trafford huyền thoại. "Cánh cửa địa ngục" tưởng chừng đã mở toang chờ đón Quỷ đỏ, nhưng lại thêm lần nữa, họ trở lại đầy ngoạn mục, kịch tính và đầy mạnh mẽ.
Đừng nhìn vào những con số thống kê hoành tráng nhưng lạnh lẽo, hãy nhìn vào sự nồng ấm từ trái tim của Solskjaer, của những chiến binh Quỷ đỏ đang hồi sinh một Man United huyền thoại. Nhìn vào đó để thấy ngày trở lại đỉnh cao của Quỷ đỏ chẳng còn xa nữa, bởi dẫn đầu đang là một Quỷ đỏ đích thực, đầy "ma thuật" và oai hùng, như Sir Alex Ferguson ngày nào.
Soha/theo Trí Thức Trẻ