Thời sự - Bình luận

Công khai giá thuốc - Minh bạch hay làm cho có: Hiệu quả không ở lời tuyên bố!

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Việc công khai giá thuốc, giá dịch vụ, thiết bị y tế là để người dân biết giá thuốc, giá dịch vụ phổ biến chứ không thể dẹp được "loạn" giá ở lĩnh vực này
Khoảng 10 năm trước, dù đã có luật nhưng thị trường thuốc tây vẫn hoạt động rất "tự do". Thậm chí, việc tăng giá thuốc đã thành thông lệ khi vào đầu quý, gần Tết, những đợt điều chỉnh tỉ giá... Chỉ đến khi người dân "kêu trời", báo chí phản ánh, cơ quan quản lý mới thành lập các đoàn thanh - kiểm tra. Năm 2011, để cứu thị trường thuốc trước giá thuốc biến động, Bộ Y tế đã ban hành danh mục 285 thuốc bình ổn giá, một số địa phương đã phải lập quỹ bình ổn giá thuốc.
Cơ quan quản lý kỳ vọng lớn
Đến nay, việc quản lý giá thuốc đã có sự thay đổi và gần đây nhất, giá thuốc bán lẻ lần đầu tiên được minh bạch tại Cổng Công khai giá dịch vụ (congkhaiyte.moh.gov.vn) của ngành y tế. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định đây là một cuộc cách mạng trong việc công khai giá với lĩnh vực dược khi ngành y tế chính thức công khai tất cả mặt hàng thuốc tham gia đấu thầu vào các cơ sở công lập, công khai giá bán lẻ trên thị trường.
Ông Vũ Tuấn Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược - Bộ Y tế, cho rằng Cổng Công khai giá dịch vụ y tế là công cụ hữu ích để người dân tham gia giám sát các hoạt động của các cơ sở khám chữa bệnh, sản xuất - kinh doanh, đặc biệt là hệ thống bán lẻ (các nhà thuốc). Toàn bộ mặt hàng trong ngành y tế, từ thuốc đến vật tư y tế, trang thiết bị y tế… được cạnh tranh lành mạnh. Theo ông Cường, hiện đã tổng hợp được 50% các loại giá bán lẻ, theo lộ trình từ nay đến hết quý I/2021 sẽ đưa toàn bộ các giá bán ở 61.000 cơ sở bán lẻ lên hệ thống, người dân có thể truy cập bất kỳ lúc nào để tham khảo giá. Từ đó, các doanh nghiệp cũng phải có trách nhiệm để xác định cơ cấu giá thuốc.

Mua bán thuốc tại nhà thuốc của một bệnh viện ở TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH
Mua bán thuốc tại nhà thuốc của một bệnh viện ở TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, nếu giá thuốc cao hơn niêm yết, người dân có thể phản ánh tới cơ quan chức năng hoặc phản ánh trực tiếp lên cổng này để chuyển tới các đơn vị liên quan xử lý. Việc công khai giá thuốc từ giá bán buôn, bán lẻ tới giá trúng thầu góp phần minh bạch hóa giá của ngành dược, giúp người dân giám sát, người dân được hưởng thuốc đúng chi phí và giá trị thực của nó.
Người dân thất vọng
Kỳ vọng là vậy nhưng kết quả thực tế có đúng như Bộ Y tế khẳng định hay không hiện chưa kiểm chứng được. Chỉ thấy rằng người dân không mấy ai đủ điều kiện vào đối chiếu hàng ngàn loại thuốc/hoạt chất hay giá dịch vụ (như chúng tôi đã phản ánh trong bài đăng đầu tiên). Ngoài ra, Cổng Công khai giá dịch vụ y tế cũng cập nhật chậm và thiếu thông tin, dữ liệu lại bất tiện.
Ngay sau khi đọc thông tin về cổng công khai giá dịch vụ y tế nói trên, bà T.T.B (ngụ quận 5, TP HCM) đã thử tra giá thuốc trị suy giãn tĩnh mạch chân Daflon đang dùng. "Tôi cảm thấy khá bối rối khi tra cứu vì kết quả hiện ra nhiều đơn vị nhập khẩu, nhiều giá: 3.575, 3.600, 3.800 đồng/viên… Trong đó, tôi thấy có giá 3.600 đồng/viên là đúng với chỗ tôi hay mua ở nhà thuốc Ph., tương đương 216.000 đồng/hộp 60 viên. Có lần tôi mua ở một nhà thuốc lớn trên đường Hai Bà Trưng, giá 214.000 đồng. Ở đây giá bán khá rẻ do nhập số lượng lớn và có bán sỉ... Hiện tôi vẫn tra cứu trên các website của các nhà thuốc mà không tra cứu Cổng Công khai giá dịch vụ y tế vì nó không giúp tôi biết công ty nào có giá phân phối rẻ nhất, bán thuốc cho các hệ thống nào" - bà T.T.B nói.
Ông T.V.A (56 tuổi, hàng xóm của bà B., thường mua Scilin M30 - thuốc tiêm trị bệnh đái tháo đường - ở nhà thuốc Y. trên đường Cách Mạng Tháng Tám với giá 145.000 đồng) cũng thử so sánh giá thuốc trên cổng và thấy trùng khớp với giá mà Công ty CP Xuất nhập khẩu y tế TP HCM đăng trên trang web công ty. Tuy nhiên, ông A. không hề biết nhà thuốc Y. thực ra là của công ty này. "Trong lần thử tìm kiếm một số loại thuốc thông dụng khi cổng này mới mở, có thuốc cho ra hàng chục giá, nhiều đơn vị kê khai, còn đơn vị nào bán ở nhà thuốc nào thì tôi… bó tay" - ông A. nhận xét.
Tuy nhiên, hôm 30-11, ông A. thử tra cứu trên Cổng Công khai giá dịch vụ y tế thì bất cứ tên thuốc nào cũng báo "không có kết quả". Sau khi thử tìm kiếm nhiều lần từ thời điểm đó đến ngày 8-12, phóng viên cũng gặp tình trạng tương tự. Nếu bấm vào từng tên thuốc trên danh sách thì vẫn xem được nhưng theo nhiều người dân, việc dò từng dòng trong số hàng ngàn tên thuốc được cập nhật mà không có công cụ tìm kiếm quả là nan giải và mất thời gian...
Có chặn được "thổi" giá thiết bị y tế?
Ngành y tế kỳ vọng việc công khai giá của trang thiết bị y tế sẽ chấm dứt tình trạng lòng vòng, đẩy giá thiết bị y tế lên cao. Theo thống kê của Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế - Bộ Y tế, hiện đã có trên 17.000 mặt hàng là các trang thiết bị, vật tư và sinh phẩm y tế được công bố giá, đạt khoảng 70% tổng số mặt hàng thuộc lĩnh vực này đang lưu hành tại thị trường Việt Nam. "Nhờ công khai, minh bạch về giá, các bệnh viện, người dân sẽ có sự so sánh, lựa chọn trang thiết bị có giá cả phù hợp, đúng chất lượng, nhu cầu. Điều này sẽ dần dần ngăn chặn được việc thổi giá, nâng giá vô lý" - đại diện lãnh đạo vụ nói trên nhìn nhận. Tuy nhiên, hiệu quả thực tế ra sao còn phải chờ, bởi trước đây Bộ Y tế cũng từng khẳng định với các quy định về kiểm tra, giám sát hiện có sẽ ngăn ngừa được việc "thổi" giá thiết bị y tế nhưng vừa qua, một số vụ "thổi" giá đã bị phanh phui, hình sự hóa, điều đó cho thấy lý thuyết không phải lúc nào cũng đi đôi với thực tiễn!
DIỆU THU - ANH THƯ (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm