Kinh tế

Công khai trong quản lý, sử dụng ODA để giảm thất thoát

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Vốn ODA là một trong những nguồn lực quan trọng giúp các địa phương phát triển kinh tế- xã hội. Bên lề Quốc hội, phóng viên báo Tin Tức đã có cuộc trao đổi với Đại biểu Y Biêr Niê (Đak Lak) về việc phân bổ và sử dụng hiệu quả vốn ODA.

Ông đánh giá thế nào về việc sử dụng vốn ODA của các địa phương trong thời gian qua?

 

Đại biểu Y Biêr Niê (Đak Lak).
Đại biểu Y Biêr Niê (Đak Lak).

Lâu nay, chúng ta vẫn nghĩ ODA là vốn tài trợ. Do vậy, có tâm lý dễ dãi khi sử dụng vốn ODA cho các công trình lớn chưa thực sự cần thiết. Trong khi đó, những nơi đang rất cần vốn để cải thiện đời sống của cả khu vực dân cư lại chưa được chú ý. Do vậy, khâu lựa chọn các dự án cấp thiết cần phải tính tới. Sau khi chọn dự án ODA theo đúng yêu cầu của xã hội, thì tới công tác giám sát việc sử dụng vốn, đảm bảo theo các quy định đầu tư của nhà nước, sử dụng vốn đúng mục đích. Vì nhiều nơi do giám sát không chặt chẽ, dẫn tới sử dụng vốn ODA lãng phí, thất thoát. Do vậy, khâu giám sát là rất quan trọng. Lựa chọn đúng, giám sát chặt chẽ chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả tốt cho các dự án ODA.
 

Theo Bộ Tài Chính, dự kiến đến tháng 7-2017, Việt Nam có thể không còn được vay theo điều kiện ODA, phải chuyển chủ yếu sang sử dụng nguồn vay ưu đãi và tiến tới vay theo điều kiện thị trường. Nguồn vốn ODA đã vay sẽ được chuyển sang điều khoản trả nợ nhanh gấp đôi hoặc tăng lãi suất lên từ 2% - 3,5%.

Vậy theo ông làm thế nào để lựa chọn được những dự án hiệu quả?

Tôi cho rằng, các dự án ODA cần được công khai danh mục để các tỉnh thành, đại biểu Quốc hội biết và so sánh, cân nhắc những dự án nên đầu tư. Ví dụ, có những nơi đường đang tốt nhưng vẫn vay thêm vốn ODA để làm đường tốt hơn, phá bỏ con đường cũ. Trong  khi đó, nhiều địa bàn còn rất nhiều khó khăn, chưa được cứng hóa đường giao thông, thiếu cầu bê tông... Do vậy, cần công khai, minh bạch để nhiều người cùng giám sát các dự án này thì sự lựa chọn chắc chắn sẽ tốt hơn, lựa chọn chính xác hơn.

Bộ Tài chính có ý tưởng giảm cấp phát lại vốn ODA mà chuyển sang hướng cho vay để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Ông đánh giá như thế nào về hình thức này?

Chủ trương này là để nâng cao trách nhiệm của các địa phương trong việc sử dụng vốn ODA.  Tuy nhiên, chủ trương này chỉ có lợi cho các địa phương có điều kiện tốt hơn, gây khó khăn cho các tỉnh miền núi, kinh tế kém hơn. Vì việc vay lại rõ ràng là tăng thêm gánh nặng cho địa phương, khó khăn trong chi trả sau này. Còn các thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương… có nguồn thu cao sẽ thu hút được các dự án lớn, họ cũng có khả năng đối ứng, như vậy các tỉnh này sẽ ngày càng phát triển hơn. Còn đối với những địa phương khó khăn thì chắc chắn sẽ càng khó khăn hơn, không dám vay. Có quyết định vay cũng là làm hơi “liều”, thế hệ sau trả thôi. Ví dụ Đak Lak hàng năm thu ngân sách hơn 3.000 tỷ đồng nhưng chi hơn 13.000 tỷ đồng. Hầu như phải dùng ngân sách Trung ương rót xuống, nếu đặt thêm việc vay nợ ODA sẽ gây khó khăn cho tỉnh. Do vậy, việc cho vay lại nên áp dụng với các tỉnh, thành có khả năng kinh tế tốt. Còn những tỉnh, thành khó khăn, địa bàn khó khăn thì cần sự điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện từng tỉnh. Vì vậy, cần cân nhắc khi áp dụng chính sách này.

Theo tintuc

Có thể bạn quan tâm