Chính trị

Tin tức

Công tác cán bộ là "then chốt của then chốt"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Qua mỗi kỳ đại hội, quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ luôn nhất quán, ngày càng được thể hiện rõ hơn, sát hợp với yêu cầu thực tiễn. Đó là nguyên nhân quyết định để Đảng ta từng bước thể hiện rõ vai trò chủ thể lãnh đạo và thực hành sự nghiệp: kiến tạo và hoàn thiện mô hình quản trị quốc gia, phát triển bền vững trong môi trường thế giới đổi thay.

1. Cách đây 92 năm, Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh triệu tập đã diễn ra đúng vào dịp Tết Canh Ngọ 1930. Và từ đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ, rất nhiều mốc son trên con đường đấu tranh, giải phóng và xây dựng, phát triển của dân tộc ta đã gắn liền với mùa xuân. Có lẽ vì thế, “Đảng-Mùa xuân Dân tộc” trở thành sắc màu văn hóa chính trị Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.    

 Đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tặng hoa chúc mừng 3 tân Ủy viên UBND tỉnh khóa XII (nhiệm kỳ 2021-2026). Ảnh: Đức Thụy
Đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tặng hoa chúc mừng 3 tân Ủy viên UBND tỉnh khóa XII (nhiệm kỳ 2021-2026). Ảnh: Đức Thụy


Năm 2021 đã để lại nhiều cảm xúc thuận-nghịch: Thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và những thắng lợi của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp, cùng với việc xác lập hệ thống bộ máy-nhân sự quản trị quốc gia trong giai đoạn mới đã mang đến niềm vui, niềm tin và nguồn cảm hứng mới cho các tầng lớp nhân dân để bắt tay vào một chương mới vì sự phồn vinh, hạnh phúc của dân tộc… Bên cạnh đó, những tổn thất về tính mạng, sự suy giảm sức khỏe của hàng triệu người dân, sự thụt lùi về tốc độ tăng trưởng kinh tế và những hệ lụy do đại dịch Covid-19 gây ra đã và đang để lại nỗi đau, trở thành những “vết sẹo thời gian” trong cuộc đời của nhiều gia đình, dòng họ.

Tĩnh tâm để nhìn nhận, đánh giá và quan trọng hơn, tìm giải pháp phát huy thuận lợi, khắc phục những trở lực, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của dân tộc, của Nhân dân trong dịp Tết đến, xuân về là trách nhiệm của mỗi công dân và của cả dân tộc. Dĩ nhiên, trong đó, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần khẳng định: Trách nhiệm này “trước hết thuộc về Đảng”. Hoàn toàn có cơ sở để khẳng định: Đổi mới, sáng tạo và có trách nhiệm đối với Tổ quốc, Nhân dân là nét nổi bật trong tư duy và hành động của Đảng Cộng sản Việt Nam trong việc quán triệt, vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò, tầm vóc của Đảng cách mạng, Đảng cầm quyền. Từ yêu cầu về sự tồn vong và phát triển đất nước trong cơn biến động dữ dội của các nước xã hội chủ nghĩa những thập niên cuối thế kỷ XX; từ tình hình khó khăn, phức tạp do các thế lực thù địch cấm vận, phá hoại... Khi nhận ra những bất cập, sai lầm, Đảng ta đã khởi xướng và thực hành đổi mới toàn diện, đồng bộ, từng bước “nhận thức rõ hơn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta”; nắm vững và xử lý các quan hệ lớn trong công cuộc sáng tạo vĩ đại vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Hiểu rõ sức mạnh kinh tế là cái quyết định để trật tự xã hội mới thay thế trật tự cũ nên Đảng ta chỉ rõ: Nền tảng, động lực cho sự phát triển bền vững là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Và, sự vận động của nền kinh tế đó đòi hỏi một hệ thống các nhân tố chính trị tương thích-thể chế chính trị dân chủ xã hội chủ nghĩa. Bởi vậy, bài học được đúc rút từ thực tiễn thời kỳ đổi mới là việc Đảng ta nhận thức và nhất quán quan điểm: Đổi mới kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng-linh hồn của thể chế chính trị là then chốt và công tác cán bộ là “then chốt của then chốt”. Trên thực tế, qua mỗi kỳ đại hội, quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ luôn nhất quán, ngày càng được thể hiện rõ hơn, sát hợp với yêu cầu thực tiễn. Đó là nguyên nhân quyết định để Đảng ta từng bước thể hiện rõ vai trò chủ thể lãnh đạo và thực hành sự nghiệp: kiến tạo và hoàn thiện mô hình quản trị quốc gia, phát triển bền vững trong môi trường thế giới đổi thay.

Thực tế lịch sử đó cho phép kết luận rằng, 36 năm qua, “Lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng được xác định rõ hơn và từng bước được hiện thực hóa. Đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”.

2. Hiện nay, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến hết sức nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Đặc biệt, do tác động của đại dịch Covid-19, kinh tế thế giới đang lâm vào khủng hoảng, suy thoái nghiêm trọng và có thể còn kéo dài. Cạnh tranh kinh tế, chiến tranh thương mại, tranh giành thị trường, các nguồn tài nguyên, công nghệ, nhân lực chất lượng cao giữa các nước ngày càng quyết liệt, tác động mạnh đến chuỗi sản xuất và phân phối toàn cầu... Trong môi trường biến động dữ dội ấy, Đảng ta phải chủ động và sáng tạo trong đúc kết kinh nghiệm, kế thừa di sản của lịch sử, tìm ra những cách thức mới để giải quyết thành công những yêu cầu của dân tộc và thời đại.

Dĩ nhiên, những thành công hay cả những “khiếm khuyết, bất cập” ở đâu đó trong tiến trình phát triển của thế giới đương đại nói chung, của công cuộc đổi mới 36 năm qua nói riêng đã cung cấp cho Đảng ta nhiều bài học quý trong sứ mệnh dẫn dắt, lãnh đạo dân tộc ta đến bến bờ phồn vinh, hạnh phúc. Trong đó, Đảng xác định rõ: Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện…, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, gắn bó mật thiết với Nhân dân là những nhân tố có ý nghĩa quyết định thành công của sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Với tinh thần đó, để chuẩn bị cho sự nảy mầm, phát triển trong thời kỳ mới nhiều cơ hội và không ít thách thức, phải chăng các cấp độ chủ thể có thẩm quyền trong Đảng, trong hệ thống chính trị cần thống nhất và thực hành có hiệu quả một số nội dung căn cốt sau:

Thứ nhất, quán triệt và thực hành xuyên suốt quan điểm chiến lược công tác cán bộ là then chốt của nhiệm vụ then chốt. Khi xác định, “công tác tổ chức, cán bộ phải coi là điểm đột phá, là “then chốt” của nhiệm vụ “then chốt”, có liên quan đến sự sống còn của Đảng, vận mệnh của chế độ, sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước thì xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, có bản lĩnh chính trị, trí tuệ, gương mẫu, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung phải là ưu tiên hàng đầu và xuyên suốt toàn bộ công tác xây dựng Đảng. Điều đó được thể hiện qua việc ưu tiên rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách đối với cán bộ, công chức theo hướng khuyến khích cán bộ, công chức nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức công vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ; lấy bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực, hiệu quả thực thi nhiệm vụ để đánh giá, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ. Đặc biệt, cần nâng cao hiệu quả công tác đánh giá cán bộ theo hướng xuyên suốt, đa chiều, có tiêu chí và thông qua sản phẩm cụ thể, chất lượng và hiệu quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Thứ hai, xác lập rõ ràng, tường minh các tiêu chí phản ánh phẩm chất năng lực đội ngũ cán bộ các cấp, đặc biệt là đội ngũ cán bộ tầm chiến lược trong thời kỳ mới. Cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ tư đang làm thay đổi nền sản xuất vật chất của nhân loại. Vì thế, để tiếp tục khẳng định tầm vóc, bản lĩnh của Đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là đội ngũ cán bộ tầm chiến lược của Đảng phải nắm vững phép biện chứng duy vật, biết sử dụng những hình thức trung gian quá độ để tìm ra những hình thức, bước đi phù hợp với điều kiện kinh tế, chính trị, văn hóa của dân tộc mình; mặt khác, biết kế thừa những thành tựu của nhân loại trong tiến trình phát triển để từng bước hoàn thiện và hiện thực hóa mô hình phát triển với những trụ cột và động lực chính: nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; thể chế chính trị dân chủ mà cốt lõi là nhà nước pháp quyền, trọng dân, gần dân và xã hội công dân với những hình thức tổ chức để bảo đảm “dân là chủ, dân làm chủ”. Điều quyết định trong hiện thực hóa mô hình mục tiêu của sự phát triển là các chủ thể phải biết xác định và xử lý có hiệu quả các mối quan hệ giữa nguồn lực và mục tiêu. Chỉ trên cơ sở đó mới có được giải pháp thỏa đáng để biến những khả năng thành cái có thể.

Thứ ba, tăng cường hơn nữa những khía cạnh liên quan đến thể chế, cơ chế kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực trong Đảng, trong bộ máy Nhà nước và trong toàn xã hội. Nếu thể chế, tổ chức bộ máy là hình thức biểu hiện, thì con người là hồn cốt. Vì thế, xây dựng môi trường văn hóa chính trị lành mạnh, dân chủ, đoàn kết, nhân văn là nội dung quan trọng, không thể thiếu để tạo động lực cho cán bộ, công chức làm việc và khẳng định mình. Đi kèm với đó, vẫn phải thường xuyên cảnh báo, ngăn ngừa nguy cơ nhiễm căn bệnh quyền lực: suy thoái về đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là những người nắm giữ trọng trách lãnh đạo, đứng đầu tổ chức bộ máy. Ở đây, trước hết cần giáo dục, kêu gọi mỗi người nghiêm khắc tự tu dưỡng, tự rèn luyện, thực hành “tự phê bình như việc rửa mặt hàng ngày”... Nhưng chỉ từng đó chưa đủ, quan trọng nữa là phải thiết lập, hoàn thiện từng bước thể chế, cơ chế kiểm tra, kiểm soát quyền lực, đủ sức ngăn ngừa và xử lý kịp thời, có hiệu lực sự lạm quyền, lộng quyền của cá nhân và tổ chức bộ máy có thẩm quyền quyết định trong nắm và phân bổ các giá trị.

 

 PHÓ GIÁO SƯ-TIẾN SĨ HỒ TẤN SÁNG

Có thể bạn quan tâm