Xã hội

Công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình: Những tín hiệu khả quan

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Năm 2020, công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) của tỉnh Gia Lai đạt được nhiều kết quả khả quan, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
Ông Vương Nhật-Phó Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh-cho biết: Năm 2020, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đẩy mạnh các hoạt động truyền thông dưới nhiều hình thức như: truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, tư vấn tại hộ gia đình, hội họp thôn, nói chuyện chuyên đề, phát tờ rơi...
Các địa phương đã tổ chức gần 2.000 buổi tư vấn, chăm sóc sức khỏe sinh sản, khám sức khỏe trước hôn nhân; sàng lọc trước sinh và sơ sinh; cung cấp thông tin về các biện pháp tránh thai, bệnh lây truyền qua đường tình dục, hôn nhân cận huyết thống; cấp 37.000 tờ rơi, 28.000 tờ gấp, 7.500 quyển tài liệu, 240 đĩa VCD. Nhờ vậy, năm 2020, mức sinh giảm 0,6‰, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm còn 20%, tỷ lệ các cặp vợ chồng sử dụng biện pháp tránh thai đạt 73%.
Bà Nguyễn Thị Thúy-Trưởng phòng Dân số (Trung tâm Y tế huyện Đak Đoa) cho hay: “Ngay từ đầu năm, Phòng đã xây dựng kế hoạch phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức hội thi sức khỏe sinh sản hôn nhân cận huyết thống, hội nghị biểu dương gia đình sinh con một bề, truyền thông tại cụm dân cư và hộ gia đình... Kết quả, toàn huyện có 7.882 người thực hiện các biện pháp tránh thai, đạt 131,8% kế hoạch”.
Tuyên truyền công tác DS-KHHGĐ vùng dân tộc thiểu số. Ảnh: Lương Thanh
Tuyên truyền công tác DS-KHHGĐ ở vùng dân tộc thiểu số. Ảnh: Lương Thanh
Đề án sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh cũng được triển khai hiệu quả tại 220 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Năm 2020, toàn tỉnh thực hiện được 1.075 ca sàng lọc sơ sinh và 1.125 ca sàng lọc trước sinh. Qua đó, cơ quan chuyên môn đã phát hiện sớm 66 trường hợp thiếu men G6PD và các bệnh tật bẩm sinh.
Chị Nguyễn Thị Vy Huyền (xã Ia Lâu, huyện Chư Prông) chia sẻ: “Sau khi sinh con tại Trung tâm Y tế huyện, tôi được bác sĩ tư vấn về khám sàng lọc sơ sinh. Sau 7 ngày, tôi nhận được giấy báo kết quả con mình bị thiếu men G6PD. Đây là bệnh rất nguy hiểm, nếu không chữa trị kịp thời sẽ dẫn đến nặng thêm. Nhờ phát hiện sớm nên cháu được can thiệp, điều trị kịp thời, sức khỏe tiến triển tốt”.
Việc triển khai nhiều mô hình, đề án đã đem lại hiệu quả rõ rệt, làm thay đổi nhận thức của người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Mô hình “Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân” được triển khai từ năm 2011 tại 37 xã, phường, thị trấn và trở thành kênh thông tin hữu ích cho nhiều bạn trẻ.
Anh Lý A Sùng (xã Ya Hội, huyện Đak Pơ) cho hay: Tuy chưa xây dựng gia đình nhưng nhờ tham gia các buổi sinh hoạt hàng tháng, anh nhận thức rõ hơn về những lợi ích từ việc chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân. “Mới đầu được mời tham gia dự buổi tư vấn, tôi thấy ngại. Sau đó, nhiều vấn đề thầm kín được cán bộ tuyên truyền gợi ý nên mọi người trao đổi cởi mở hơn. Tôi dự định sẽ kết hôn vào đầu năm sau nên chủ động đến cơ sở y tế để kiểm tra sức khỏe”-anh Sùng bày tỏ.
Hưởng ứng Tháng Hành động quốc gia về dân số và Ngày Dân số Việt Nam (26-12) năm nay, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức các hoạt động diễu hành, treo băng rôn, khẩu hiệu nhằm góp phần nâng cao chất lượng dân số, đảm bảo hạnh phúc cho mỗi gia đình.
Ông Vương Nhật cho hay: Năm 2021, ngành DS-KHHGĐ tỉnh được giao chỉ tiêu dân số trung bình là 1.563.788 người, tỷ lệ tăng tự nhiên 13‰, mức giảm tỷ lệ sinh 0,5%, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm còn 19%, tỷ số giới tính khi sinh 105 nam/100 nữ, tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai 74%...
“Để đạt được các chỉ tiêu trên, đơn vị tiếp tục phối hợp với các sở, ngành đẩy mạnh hoạt động truyền thông; cung cấp thông tin dưới nhiều hình thức về các vấn đề dân số-phát triển; đào tạo tập huấn nâng cao chuyên môn nghiệp vụ; nâng cao chất lượng cơ sở dữ liệu điện tử các cấp; tăng cường kiểm tra giám sát tình hình thực hiện công tác DS-KHHGĐ, các mô hình, đề án”-ông Nhật thông tin.
ĐINH YẾN

Có thể bạn quan tâm