Chính trị

Tin tức

Công tác dân vận là nhiệm vụ thường xuyên và lâu dài của hệ thống chính trị

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (Khoá XII) về công tác dân vận (DV) trong tình hình mới, những năm qua, Ban DV Tỉnh uỷ đã tham mưu cho Ban Thường vụ và Thường trực Tỉnh uỷ lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, MTTQ và các đoàn thể, lực lượng vũ trang, các địa phương trong tỉnh chú trọng công tác DV, xem công tác DV là trách nhiệm thường xuyên và lâu dài của cả hệ thống chính trị.
 

Trao đổi kinh nghiệm công tác dân vận trong cán bộ dân tộc thiểu số tại cơ sở. Ảnh: Thanh Nhật
Trao đổi kinh nghiệm công tác dân vận trong cán bộ dân tộc thiểu số tại cơ sở. Ảnh: Thanh Nhật

Ông Hồ Văn Điềm - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ cho biết: “Giải pháp được tỉnh quan tâm chỉ đạo thời gian qua là tập củng cố hệ thống Ban DV các cấp, đổi mới phương thức hoạt động của khối MTTQ và các đoàn thể, hướng công tác DV về cơ sở, gắn với phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, tăng cường công tác vận động quần chúng trong đồng bào dân tộc thiểu số, gắn việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ chí Minh với công tác DV của các cơ quan nhà nước và phong trào DV khéo, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giải quyết khiếu nại tố cáo, duy trì đối thoại công dân và tiếp xúc cử tri để giải quyết những vấn đề mà người dân quan tâm, những bức xúc và những vấn đề mới nảy sinh…, góp phần vào việc phát huy dân chủ và củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước”.

Cùng với việc phát hành tài liệu bằng 3 thứ tiếng (Kinh, Jrai, Bahnar) để phục vụ công tác tuyên truyền ở cơ sở, toàn tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền học tập và thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khoá IX) về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, công tác dân tộc và tôn giáo, Pháp lệnh Tín ngưỡng - Tôn giáo, tuyên truyền về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh… Các địa phương cũng thường xuyên duy trì công tác vận động quần chúng là đồng bào có đạo tích cực thực hiện phong trào sống “Tốt đời - Đẹp đạo”, chấp hành sinh hoạt tôn giáo đúng quy định pháp luật, nêu gương người tốt việc tốt; phát hiện và kiên quyết đấu tranh với âm mưu của địch về lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền của các thế lực thù địch để chống phá cách mạng.  

Công tác giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tế - xã hội đạt những kết quả tích cực như đã phối hợp giúp dân 7.500 ngày công khắc phục hậu quả thiên tai, sửa chữa và làm mới 908 km đường liên thôn và làm mới 33 cây cầu, nạo vét trên 250 km kênh mương thuỷ lợi, đào 26 giếng và tu sửa 50 giọt nước, sửa chữa 74 phòng học, làm mới và sửa chữa 238 căn nhà cho nhân dân, 8 căn nhà nghĩa tình đồng đội, vận động nhân dân chuyển đổi vườn tạp và cây trồng được 189 ha, tổ chức 25.643 ngày công giúp nhân dân sản xuất, vận động 1.563 học sinh bỏ học trở lại trường, khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho gần 11 nghìn lượt người… Riêng cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” đã vận động được trên 45 tỷ đồng và triển khai xây dựng 2.540 căn nhà đại đoàn kết, sửa chữa 947 căn nhà cho hộ nghèo. Nhiều chủ trương, chính sách về công tác dân tộc đã được các cấp, các ngành triển khai. Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” do Mặt trận Tổ quốc tỉnh triển khai, đã góp phần thiết thực giúp đỡ đồng bào phát triển sản xuất, xoá đói giảm nghèo, vươn lên trong cuộc sống

Với phương châm “Tỉnh nắm xã, huyện nắm thôn làng, xã nắm đến hộ dân”, từ năm 2004 đến cuối năm 2010, Ban DV Tỉnh uỷ đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh uỷ quyết định 5 đợt phân công và điều chuyển trên 140 lượt cơ quan sở, ban, ngành, mặt trận, đoàn thể cấp tỉnh, các doanh nghiệp, đồn biên phòng và 7 đội công tác tăng cường xuống phụ trách các xã trọng điểm về an ninh chính trị và hệ thống chính trị cơ sở yếu kém. Tỉnh đã phối hợp cùng với Quân khu V bố trí các đội công tác 123 xuống cơ sở làm công tác DV và vận động quần chúng tại 31 xã trọng điểm. Ban DV Tỉnh uỷ còn chủ trì, phối hợp với các ban ngành chức năng của tỉnh khảo sát địa bàn, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện kết nghĩa với các xã trọng điểm, giúp các xã phát triển kinh tế xã hội, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động tại chỗ. Các huyện, thị xã, thành phố đã phân công phòng, ban phụ trách hơn 400 làng trọng điểm…
 

Khen thưởng các điển hình trong công tác dân vận. Ảnh: Thanh Nhật
Khen thưởng các điển hình trong công tác dân vận. Ảnh: Thanh Nhật

Gắn công tác DV với phát động phong trào thi đua yêu nước như thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” ở tất cả các thôn làng, tổ dân phố. Toàn tỉnh đã xây dựng được 1.289 bản hương ước - quy ước, củng cố và kiện toàn 2.151 tổ hoà giải. Các xã, phường, thị trấn tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của ban giám sát đầu tư cộng đồng, ban thanh tra nhân dân và tổ hoà giải ở cơ sở, tham gia cùng với ngành chức năng trong quá trình giải quyết khiếu nại tố cáo, giám sát các chương trình phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng cơ sở hạ tầng tại địa phương, bảo vệ môi trường, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn tỉnh có 187.155 gia đình văn hoá, 958 khu dân cư văn hoá.  

Nhờ làm tốt công tác DV gắn với xây dựng được 9.735 cán bộ cốt cán trong đồng bào dân tộc và tôn giáo, đã giúp lực lượng chức năng ngăn chặn hàng nghìn vụ vượt biên trái phép, vận động trên 5 nghìn đối tượng cam kết từ bỏ “Tin lành Đê Ga” trở lại tín ngưỡng truyền thống hoặc sinh hoạt trong các hệ phái Tin lành hợp pháp, đã thu hẹp tà đạo “Hà Mòn” từ 8 huyện ở thời điểm bùng phát xuống còn 4 huyện. Quần chúng nhân dân đã cung cấp 4.785 nguồn tin, trong đó có 2.747 nguồn tin có giá trị, giúp cho lực lượng công an điều tra, giám sát, khám phá 1.899 vụ, xử lý 3.307 đối tượng, thu lại tài sản trên 5 tỷ đồng cho người bị hại, vận động 362 đối tượng tội phạm ra đầu thú, giao nộp 1.042 vũ khí vật liệu nổ các loại, đấu tranh xoá bỏ hàng nghìn khung ngầm fulro, “Tin lành Đê Ga”, tà đạo “Hà Mòn”, bắt và xử lý hàng nghìn đối tượng cầm đầu và đưa 8.706 đối tượng ra giáo dục, kiểm điểm trước dân.  

Nhờ các giải pháp phù hợp trong công tác DV đã tạo được sự đồng thuận trong đại bộ phận nhân dân, hạn chế được tình trạng khiếu kiện vượt cấp, làm cho bầu không khí dân chủ trong xã hội ngày càng được phát huy. Thông qua đó, người dân đã ý thức được vai trò trách nhiệm của mình nỗ lực phấn đấu vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc, góp phần xây dựng củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua yêu nước trong cộng đồng, giữ vững ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, thực hiện có hiệu quả đường lối đổi mới của Đảng.

Thanh Nhật

Có thể bạn quan tâm