Hàng chục ngày qua, nhiều người trồng lúa ở xã Buôn Chóah, H.Krông Nô (Đắk Nông) phải thức trắng đêm để chạy máy bơm nước vào ruộng, mặc dù kế bên là công trình thủy lợi chống hạn trị giá gần 200 tỉ đồng.
Người dân phải tự dùng máy bơm để bơm nước vào ruộng. Ảnh: THANH QUÂN |
Trắng đêm bơm nước vào ruộng
Chưa năm nào người trồng lúa ở xã Buôn Chóah lại vất vả như năm nay. Bà Ngô Thị Bắc (56 tuổi, thôn Bình Giang, xã Buôn Chóah) cho biết: “Tính đến nay đã hơn 70 ngày phải tự dùng máy bơm để bơm nước vào ruộng. Nhiều hộ dân nhưng chỉ có được một cái máy bơm nên phải thay phiên nhau sử dụng, máy phải hoạt động cả ngày lẫn đêm”.
Trung bình một ngày, máy bơm nước của người dân hoạt động tốn hết khoảng 25 lít dầu. Nhiều gia đình phải thay phiên nhau bơm nước vào ruộng nhà mình. Ông Vũ Ngọc Son (69 tuổi, thôn Bình Giang) trồng 2 ha lúa nhưng gần như “kiệt sức” vì phải bơm nước liên tục trong nhiều ngày. “Chưa chắc số tiền bán lúa thu về bằng số tiền bỏ ra để mua dầu bơm nước”, ông Son ngao ngán.
Theo lãnh đạo UBND xã Buôn Chóah, vụ đông xuân năm nay, toàn xã có khoảng 600 ha lúa, tuy nhiên nhiều khu vực trên cánh đồng xã Buôn Chóah thiếu nước từ trước Tết Nguyên đán. Nguyên do là lưu lượng nước từ các trạm bơm ven sông Krông Nô vào hệ thống kênh nội đồng xã Buôn Chóah thiếu hụt, không bằng các năm trước. Tình trạng thiếu nước chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến năng suất lúa vụ này.
“Thiết kế một đàng, thực tế một nẻo”
Điều ngạc nhiên là cánh đồng đang khô hạn nói trên lại nằm cạnh công trình thủy lợi tỉnh Đắk Nông. Công trình thủy lợi này do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông (viết tắt là BQL) làm chủ đầu tư, tổng vốn gần 200 tỉ đồng. Hệ thống tưới được thiết kế theo dạng dùng trạm bơm hút nước từ sông Krông Nô, nước theo kênh dẫn đến các cánh đồng.
Trước đó, ngày 18.1, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Lê Trọng Yên đã trực tiếp đi kiểm tra công trình này. Tại buổi làm việc, ông Yên khẳng định, đã có bất cập trong thiết kế và vận hành các trạm bơm tại xã Buôn Chóah. Theo đó, báo cáo của BQL cho biết công suất thiết kế được phê duyệt Trạm bơm số 1 Buôn Chóah đáp ứng cho diện tích tưới lớn nhất là 165 ha; trong đó diện tích lúa nước 38,36 ha, diện tích cây hoa màu khác 117,64 ha. Tuy nhiên theo thực tế, diện tích lúa nước cần tưới là 145 ha, diện tích hoa màu là 20 ha.
Riêng công suất thiết kế được phê duyệt Trạm bơm số 3 Buôn Chóah đáp ứng cho diện tích lớn nhất là 160 ha; trong đó diện tích trồng lúa nước là 70 ha, diện tích trồng cây hoa màu khác là 90 ha. Trong khi thực tế thì diện tích cần cung cấp nước tưới là 227,12 ha; toàn bộ đều là diện tích trồng lúa nước.
Ngoài việc “thiết kế một đàng, thực tế một nẻo” này, thiếu nước còn có nguyên nhân khác, đó là việc vận hành các trạm bơm số 1 và số 3 chưa bảo đảm được nguồn nước cho các cánh đồng ở xa. Trong khi đó, nguyên nhân thiếu nước được BQL đưa ra là do: “Địa phương chưa thành lập tổ thủy nông nội đồng để phối hợp với chủ đầu tư, đơn vị khai thác vận hành để điều tiết nguồn nước chưa hiệu quả, dẫn đến người dân tự ý đục phá thành kênh, dùng đá cản trở dòng chảy để lấy nước”.
Trong khi đó, người dân cho rằng trước đây khi công trình chưa được nâng cấp thì rất ít khi thiếu nước, nhưng sau khi công trình được nâng cấp và đi vào sử dụng thử nghiệm lại không cung cấp đủ lượng nước như trước đây. Theo đó, số tiền đầu tư gần 200 tỉ đồng có nguy cơ… vô tác dụng!
Theo Thanh Quân (TNO)